Bài phát biểu của Đại sứ Daniel J. Kritenbrink: Sự kiện Tổng kết Chương trình Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF)

Thứ Năm, ngày 13 tháng 9 năm 2018
Khách sạn Pan Pacific, Hà Nội

Tôi rất hân hạnh khi được có mặt ở đây ngày hôm nay để chúc mừng sự thành công của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF). Tôi xin được gửi lời chào trân trọng tới Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga cũng như Tiến sĩ Kum Dongwha của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST).

Hiện tại, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trong suốt hai thập kỷ qua, hai quốc gia đã cùng nhau tìm ra mục đích chung dựa trên nền tảng lợi ích chung – từ việc giải quyết các di sản chiến tranh cho tới phát triển quan hệ thương mại tới chuẩn bị cho thiên tai – sự hợp tác giữa hai quốc gia đã và đang tiếp tục trở nên sâu sắc hơn.

Và khi chúng ta chúc mừng việc hoàn thành các hoạt động của Quỹ Giáo dục Việt Nam, chúng ta biết rằng sự hợp tác mà VEF mang lại sẽ tiếp tục để lại quả ngọt trong nhiều năm tới và cho các thế hệ mai sau.

Có 626 sinh viên Việt Nam đã nhận Học bổng VEF kể từ khi chương trình được triển khai vào năm 2003. Phần lớn sinh viên đều có bằng tiến sĩ về Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học và Y khoa, hay còn gọi là các lĩnh vực STEMM. Đó là hơn 600 sinh viên Việt Nam ưu tú và sáng giá nhất – sát cánh cùng với những sinh viên ưu tú và sáng giá nhất của Hoa Kỳ trong các phòng thí nghiệm, lớp học và nhóm nghiên cứu – tại hơn 100 trường đại học được đánh giá cao nhất tại Hoa Kỳ.

Sự kết hợp giữa nền giáo dục bậc cao về khoa học và công nghệ của Hoa Kỳ – nền giáo dục tốt nhất thế giới – với những sinh viên Việt Nam thông minh, tài năng nhất đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam.

Hiện nay, nhiều cựu sinh viên của VEF đang làm việc tại các học viện và tổ chức nghiên cứu trên khắp cả nước. Các cựu sinh viên VEF còn là những nhà kinh doanh, sáng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới cho người tiêu dùng Việt Nam cũng như quốc tế. Họ đang xây dựng quan hệ đối tác với các tổ chức nghiên cứu của Hoa Kỳ để nâng cao tri thức khoa học tại Việt Nam và tăng cường những nỗ lực hợp tác khoa học vô cùng quan trọng đối với việc giải quyết những vấn đề cấp bách nhất của thời đại chúng ta.

Nhưng đó chưa phải là tất cả – kết thúc chương trình VEF cũng đồng nghĩa với việc những cựu sinh viên của chương trình bắt đầu đem kiến thức và kinh nghiệm đã tích lũy được về áp dụng tại quê nhà. Mới đây, Phái đoàn Hoa Kỳ tại Việt Nam đã trao tặng 500.000 USD dưới dạng hỗ trợ quy mô nhỏ để cựu sinh viên VEF thực hiện nhiều dự án khác nhau. Sáng kiến của họ sẽ thúc đẩy sự liên kết giữa các tổ chức Hoa Kỳ và Việt Nam trong lĩnh vực chăm sóc y tế, giúp người nông dân tìm ra giải pháp bền vững để giải quyết vấn đề của mình, cũng như phát triển “kỹ năng mềm” cho các lãnh đạo tài năng trong lĩnh vực STEM.

Một nhóm cựu sinh viên của VEF đã thực hiện chương trình “VEF 2.0” nhằm hỗ trợ những sinh viên Việt Nam xuất sắc trong lĩnh vực STEM đăng ký vào các chương trình sau đại học hàng đầu tại Hoa Kỳ. Chương trình đã giúp 31 sinh viên trúng tuyển và nhận học bổng toàn phần từ các chương trình Tiến sĩ và Thạc sĩ của Hoa Kỳ.

Khi nghĩ về những thách thức chung như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và phát triển bền vững, tôi được tiếp thêm động lực khi biết rằng các học giả, tổ chức Hoa Kỳ cũng như Việt Nam sẽ tiếp tục sát cánh để giải quyết những thách thức toàn cầu này. Sự hợp tác này sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho người dân của hai quốc gia, mà còn cho toàn thế giới.

Xin chúc mừng Ban Giám đốc VEF, các cán bộ nhân viên VEF, cũng như các đối tác chính phủ Việt Nam và các đối tác chính phủ khác đã làm nên thành công của VEF ngày hôm nay.

Và tôi xin đặc biệt gửi lời chúc mừng tới các cựu sinh viên VEF. Đây là cơ hội để các bạn tự hào nhìn lại những thành tựu mà mình đã đạt được, tái kết nối với những cựu sinh viên VEF khác, và làm việc cùng với nhau để thúc đẩy sự phát triển khoa học và công nghệ tại Việt Nam.