(Bản soạn để phát biểu)
Xin chào và tôi thật vui khi tham gia buổi khánh thành khu học xá mới này cùng các bạn tại địa điểm mới rất đẹp này ở khu dân cư mới đang phát triển này.
Tôi đã đọc bài diễn văn đầu tiên của tôi nói về chính sách ở Việt Nam ở giảng đường của Đại học Quốc gia Hà Nội, tại đó, trên đài tưởng niệm Hồ Chí Minh tại lối vào của trường, là lời trích dẫn nói về tâm huyết của ông với giáo dục.
Ông nói: “Non song Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu”.
Ông, cũng như nhiều bạn ở đây, nhận thấy rằng để Việt Nam trở nên vinh quang, người dân Việt Nam phải kề vai sát cánh với các cường quốc trên khắp 6 châu lục.
Tất nhiên, điều đó cũng đúng đối với tất cả các nước, kể cả những nước có công dân của mình hiện diện ở đây ngày hôm nay, và thành công của họ phụ thuộc vô cùng lớn vào những nỗ lực học tập của bạn với tư cách là các nhà lãnh đạo tương lai của các nước đó.
Việt Nam là đất nước có truyền thống lâu đời coi trọng giáo dục.
Tương tự, Hoa Kỳ là quốc gia ở đó giáo dục mang lại các cơ hội tốt nhất cho sự phát triển cá nhân, tiến bộ kinh tế và một nền kinh tế quốc dân phát triển mạnh.
Trường St. Paul Mỹ tuy còn khá mới mẻ ở Việt Nam song tích hợp tốt nhất của các giá trị giáo dục Mỹ vào truyền thống lâu đời chú trọng học thuật đó của Việt Nam.
Khi làm như vậy, trường thể hiện như là một hình mẫu về sự hội nhập ngày càng tăng của Việt Nam vào cộng đồng toàn cầu.
Và một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng, độc lập, cũng như tôn trọng pháp luật và nhân quyền sẽ là một người bạn không thể thiếu của Hoa Kỳ và sẽ trở thành một đối tác ngày càng quan trọng ở khu vực và trên thế giới.
Tầm nhìn chung này – trong đó không có gì là không thể – được tăng cường nhờ nền giáo dục có chất lượng.
Hơn thế, để có giáo dục tốt, bạn phải có một môi trường giáo dục truyền cảm; một đội ngũ giáo viên tâm huyết, được đào tạo tốt; một tập thể các sinh viên đầy tham vọng và háo hức học hỏi; và các bậc cha mẹ đầy quan tâm, giúp đỡ.
Từ những gì tôi đã thấy cho đến lúc này trong lần đầu tiên đến thăm, trường St. Paul Mỹ cho thấy có những yếu tố quan trọng đó để thành công.
Tôi được biết năm ngoái, trường có lớp đầu tiên tốt nghiệp với 2 học sinh.
Năm nay, tôi nghe nói sẽ có 7 em.
Tôi biết rằng lượng tuyển sinh của các bạn đang ngày càng tăng.
Học sinh của các bạn và gia đình của họ đến từ khắp nơi trên thế giới, kể cả Việt Nam.
Và, mặc dù vậy, các gia đình đã chọn cho con mình đi học tại một trường có chương trình giảng dạy kiểu Mỹ rất rõ rệt, với ngôn ngữ để dạy học là tiếng Anh.
Tôi chắc rằng họ lựa chọn như vậy là vì những yếu tố này sẽ chuẩn bị cho học sinh cạnh tranh được trong bối cảnh toàn cầu hóa ở thế kỷ 21, bên cạnh các lý do khác.
Vì vậy, chúng ta hãy dành chút thời gian để tìm hiểu hệ thống giáo dục Mỹ để xác định một số lý do mà rất nhiều người khắp nơi trên thế giới đã lựa chọn đi theo hệ thống đó.
Ví dụ, ở cấp đại học, trong năm 2013, hơn 900.000 sinh viên từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có khoảng 17.000 của Việt Nam, theo học tại gần 5.000 trường Mỹ đã được kiểm định.
Hệ thống giáo dục Mỹ phản ánh và truyền bá về người Mỹ chúng tôi – giá trị của chúng tôi, lịch sử của chúng tôi và khát vọng của chúng tôi.
Tuy tôi thừa nhận đây là những sự khái quát hoá và tự thấy chúng không thể hiện bức tranh toàn cảnh, song hệ thống giáo dục của chúng tôi cho thấy một sự thật và phản ánh đầy đủ là người Mỹ nói chung đều lạc quan và tập trung vào các khả năng.
Chúng tôi là những người giải quyết vấn đề (đôi khi là các vấn đề chính chúng tôi gây ra!) Và có xu hướng nghĩ rằng chúng tôi có thể tạo ra sự khác biệt, cũng như sẵn sàng cho tặng thời gian, năng lượng và tiền bạc của chúng tôi.
Chúng tôi rất đa dạng – về kinh tế-xã hội, sắc tộc, tôn giáo, giới tính và văn hóa, mà đó là nguồn sức mạnh quan trọng của chúng tôi.
Chúng tôi sẵn lòng tiếp nhận, mặc dù đôi khi chúng tôi vẫn phấn đấu để làm điều đó tốt hơn.
Chúng tôi tham gia vào các tổ chức tôn giáo của chúng tôi, cho dù còn tranh cãi về cách thức họ nên làm để tạo ảnh hưởng đến đời sống chung và riêng của chúng tôi.
Chúng tôi thừa nhận tầm quan trọng của cá nhân, nhưng phấn đấu để xây dựng và duy trì các cộng đồng sôi động.
Chúng tôi coi trọng truyền thống nhưng không vì thế mà bị ràng buộc.
Đối với nhiều người trên khắp thế giới, chúng tôi đại diện cho các “miền đất hứa”, “giấc mơ Mỹ”.
Như Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã nói: “Câu chuyện về Hoa Kỳ là câu chuyện về sự tiến bộ.”
Vậy, điều đó nói lên điều gì về hệ thống giáo dục của chúng tôi?
Ở một khía cạnh, nó có nghĩa là chúng tôi có sự đa dạng về các chương trình học thuật mà không nơi nào khác trên thế giới sánh được.
Sự đa dạng đó là gì?
Về mọi mặt: quy mô, vị trí địa lý, về nhân khẩu học của sinh viên, các tôn giáo, sắc tộc, tình trạng kinh tế-xã hội, và về các lĩnh vực nghiên cứu – hơn 2.000 lĩnh vực.
Và tôi không thể nói về giáo dục Mỹ mà không nhắc đến vai trò và tầm quan trọng của thể thao trong trường học của chúng tôi, kể cả ở cấp trung học và thậm chí cả tiểu học, phản ánh triết lý “cơ thể khoẻ mạnh, tâm trí khoẻ mạnh”.
Tôi không biết có bất cứ nơi nào khác trên hành tinh này mà ở đó một sự kiện thể thao ở trường đại học cũng thu hút được mức độ quan tâm, ủng hộ và lòng nhiệt tình giống như ở Hoa Kỳ.
Chúng tôi cố gắng mang lại cơ hội cho tất cả các tầng lớp xã hội của chúng tôi qua việc cấp học bổng căn cứ vào nhu cầu cũng như thành tích học tập.
Chúng tôi đối phó với sự phức tạp; chúng tôi có những suy nghĩ và quyết định độc lập, và tìm cách truyền đạt chúng.
Vì chúng tôi không bị truyền thống ràng buộc, chúng tôi coi trọng mục tiêu cơ bản của giáo dục bề rộng (liberal arts), cho dù chuyên ngành là gì, để dạy sinh viên những kỹ năng vô giá về tư duy NHƯ THẾ NÀO, chứ không phải là tư duy VỀ CÁI GÌ; dạy họ cách sử dụng một cách hiệu quả bộ phận cơ thể phân biệt con người với hầu hết các loài động vật khác: bộ não của chúng ta.
Đó là đặc điểm của giáo dục tại Hoa Kỳ và là những lý do mà thế giới đang gõ cửa chúng tôi để tham gia vào nền giáo dục đó.
Chương trình học của trường St. Paul Mỹ quảng bá cho những phẩm chất đó, sẽ đưa các bạn đến thành công.
Nhân lúc tôi ca ngợi những ưu điểm của nền giáo dục Mỹ, tôi cũng xin chia sẻ với các bạn một điều đặc biệt mà chúng tôi rất phấn khởi về điều đó.
Tương tự như việc trường St. Paul thể hiện sự hiện thực hoá phương pháp giáo dục Mỹ ở cấp tiểu học và trung học, chúng ta sẽ sớm có trường đại học tư nhân, phi lợi nhuận kiểu Mỹ đầu tiên tại Việt Nam sau khi trường đại học Fulbright Việt Nam làm lễ động thổ xây khu học xá ở thành phố Hồ Chí Minh cuối năm nay, có lẽ trong tháng 8.
Quốc hội Hoa Kỳ, thông qua Bộ Ngoại giao, sẽ cung cấp một phần kinh phí để chứng minh cam kết chính thức của Hoa Kỳ cho dự án này, còn phần lớn các nguồn tài trợ tư nhân sẽ huy động thông qua hội đồng quản trị độc lập.
Tiếp tục phát triển từ thành tựu 20 năm của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright như là một trong những nền móng của nó, trường đại học hoàn chỉnh này, theo luật Việt Nam, sẽ là một cơ chế trọng dụng nhân tài học thuật được điều hành minh bạch, mang lại giáo dục chất lượng cao hiện đại và cũng là cơ sở để đưa ra các khuyến nghị chính sách sâu sắc cho Việt Nam và khu vực.
Chúng tôi hy vọng các lớp cấp đại học sẽ bắt đầu vào đầu năm 2016.
Như vậy, không chỉ có trường St. Paul giúp các bạn chuẩn bị để đạt được thành tích học tập xuất sắc ở Hoa Kỳ, nếu các bạn chọn học trường này, mà tôi cũng tự hào nói rằng trường đại học Fulbright Việt Nam sẽ sớm mang lại nền giáo dục Mỹ chất lượng cao tại Việt Nam.
Khu học xá hấp dẫn của trường St. Paul, đội ngũ giảng viên tận tâm, các học sinh chăm chỉ và các bậc cha mẹ nhiệt tình từ cả Việt Nam lẫn các nước khác thể hiện một mô hình ấn tượng của giáo dục Mỹ ở Việt Nam, và cũng là một phương tiện để hỗ trợ Việt Nam tiếp tục hội nhập vào cộng đồng toàn cầu.
Tôi rất vinh dự tham gia lễ khánh thành này cũng như khai trương tấm biển đánh dấu dịp này.
Xin cảm ơn!