Thứ Tư, ngày 28/11/2018
Nhà hàng Hoàng Yến, TP. Hồ Chí Minh
Kính chào các quý vị đại biểu!
Tôi lấy làm vinh dự khi được phát biểu tại cuộc họp ngày hôm nay, cuộc họp lần đầu tiên giữa Hội đồng Quản trị Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) và Hội đồng Quản trị Quỹ Tín thác Sáng kiến Đại học Việt Nam (TUIV), cùng với các giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam.
Tôi xin gửi lời cảm ơn đến Tiến sĩ Kim Bottomly, Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright Việt Nam, bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam và ông Tommy Vallely, Chủ tịch Quỹ Tín thác Sáng kiến Đại học Việt Nam vì đã cho tôi cơ hội tuyệt vời được trao đổi với quý vị về Đại học Fulbright Việt Nam, ý nghĩa của trường đại học đối với Việt Nam cũng như mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày hôm nay.
Mối quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam hiện đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Hai quốc gia chúng ta đang hợp tác trong mọi lĩnh vực vì lợi ích chung, đây chính là định nghĩa của một mối quan hệ đối tác toàn diện. Nếu những người bạn Việt Nam của tôi mô tả mối quan hệ của chúng ta là một mối quan hệ mang tính chiến lược, thì tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này.
Cả hai quốc gia chúng ta đều có chung một lịch sử đặc biệt: sau nhiều năm chiến tranh và khó khăn, chúng ta đã cùng nhau xây dựng một mối Quan hệ Đối tác Toàn diện bao trùm mọi lĩnh vực trong mối quan hệ, từ quốc phòng, thương mại, y tế, đến giao lưu nhân dân – tất cả đều mang lại những lợi ích cho hai quốc gia và toàn thể khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Mối quan hệ này bao gồm sự hiểu biết và tôn trọng hệ thống chính trị của nhau. Tuy giữa hai quốc gia vẫn còn tồn tại những khác biệt về triết lý chính trị, chúng ta vẫn tiếp tục duy trì một mối quan hệ mang tính xây dựng và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác.
Tuyên bố sứ mệnh và mục tiêu cơ bản của chúng tôi là khiến Hoa Kỳ trở thành đối tác quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển của một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, góp phần bảo đảm an ninh quốc tế, tham gia vào thương mại tự do, công bằng và có đi có lại, đồng thời tôn trọng nhân quyền và thượng tôn pháp luật.
Chúng tôi cam kết với mối quan hệ này và rất quan tâm, đầu tư vào tương lai của Việt Nam. Sự đầu tư này cũng chính là lý do tôi có mặt trong cuộc họp hôm nay.
Có lẽ không có một ví dụ nào thể hiện được sự đầu tư của Hoa Kỳ vào tương lai của Việt Nam tốt hơn Đại học Fulbright Việt Nam. Đại học Fulbright chính là sự đầu tư quan trọng nhất của chúng tôi cho tương lai của Việt Nam và cho mối quan hệ trong tương lai của hai quốc gia chúng ta.
Đại học Fulbright sẽ là trường đại học phi lợi nhuận, độc lập, và khai phóng đầu tiên của Việt Nam. Đại học này là minh chứng tiêu biểu cho mối quan hệ giữa nhân dân hai nước giúp tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trên cơ sở cá nhân và lâu dài. Fulbright cũng là bằng chứng về những điều tuyệt vời mà chúng ta có thể cùng nhau đạt được.
Hôm nay, tôi muốn chia sẻ suy nghĩ của tôi về ý nghĩa của Đại học Fulbright đối với Việt Nam và mối quan hệ song phương của chúng ta.
Hoa Kỳ có mối quan hệ lâu dài với cơ sở giáo dục mà ngày nay ta biết tới với tên gọi Đại học Fulbright Việt Nam. Tiền thân của Đại học Fulbright là Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, một chương trình đã đào tạo hơn 1200 nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam về chính sách công trong hơn hai thập kỷ qua.
Đại học Fulbright đại diện cho bước tiếp theo trong hệ thống giáo dục của Việt Nam. Đây là sự khởi đầu của một điều gì đó lớn lao hơn và quan trọng hơn đối với tương lai Việt Nam. Đại học Fulbright chắt lọc những điều tốt đẹp nhất của truyền thống giáo dục khai phóng và giáo dục khoa học của Hoa Kỳ và vun đắp những điều này qua lăng kính khát vọng, bản sắc, bề dày lịch sử, cũng như di sản văn hóa phong phú của Việt Nam. Đại học đang xây dựng một tổ chức chuyên phụng sự xã hội Việt Nam thông qua những đổi mới trong giáo dục và công nghệ, cũng như thông qua tinh thần khám phá.
Việt Nam cần một trường đại học như Fulbright. Tốc độ và quy mô thay đổi ở Việt Nam là phi thường trong suốt hai thập kỷ qua. Một nửa dân số Việt Nam sống trong cảnh nghèo đói cùng cực vào thời kỳ giữa những năm 1990. Hiện giờ, con số đó là dưới 3 phần trăm. Theo Tập đoàn tư vấn Boston, tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ đạt 33 triệu người vào năm 2020, chiếm khoảng một phần ba dân số cả nước. Con số này cao hơn gấp đôi so với quy mô của tầng lớp trung lưu vào năm 2015.
Khoảng 30.000 người Việt Nam hiện đang học tập tại các cơ sở giáo dục tại Hoa Kỳ. Hàng ngàn người Việt khác cũng theo học tại Úc, Singapore, Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc. Khát khao giáo dục hiện đại của Việt Nam là điều không thể phủ nhận, và khát khao ấy là kết quả của quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, sự thay đổi về thế hệ và hội nhập quốc tế.
Các nhà lãnh đạo của Việt Nam hiểu rõ điều này. Chính quyền trung ương Việt Nam đang dần rút lui khỏi vai trò quản lý trực tiếp về tư tưởng và tài chính đối với hệ thống đại học của đất nước. Các cơ sở giáo dục đại học cũng đang phát triển các công cụ nhằm hiện đại hóa và phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh mới. Những người đứng đầu các trường đại học tại Việt Nam hiểu rằng trường của họ phải tăng cường tính cạnh tranh và phục vụ nhiều đối tượng khách hàng mới bao gồm sinh viên, gia đình, cộng đồng, khu vực tư nhân và các trường đại học khác ở Việt Nam và nước ngoài.
Fulbright đang hỗ trợ Việt Nam thích ứng với những thay đổi này. Đại học Fulbright đang phát triển như một phòng thí nghiệm giúp xây dựng và thử nghiệm những ý tưởng mới về độc lập thể chế, tự do học thuật, tự chủ, tiêu chí tuyển sinh, mối quan hệ thầy trò, nghiên cứu và phát triển, đời sống sinh viên, quyền công dân, truyền thông và công nghệ. Thành công của những chương trình thử nghiệm này sẽ tạo tiền đề cho thành công của hệ thống giáo dục, con người và xã hội Việt Nam.
Trường đại học Fulbright cũng đang định nghĩa lại khái niệm về một cơ sở giáo dục “ưu tú” ở Việt Nam. Khóa sinh viên đầu tiên của đại học này đã cam kết trước các sinh viên cùng lớp về việc theo đuổi Chuẩn mực Đạo đức tại lễ khai giảng đầu tiên của Fulbright diễn ra vào tháng 9. Tôi rất vui khi nhận một bản sao đã được đóng khung của chuẩn mực đạo đức truyền cảm hứng này từ Chủ tịch Đàm Bích Thủy.
Vậy 54 sinh viên này đã cam kết điều gì với nhau vào ngày hôm đó? Họ cam kết không ngừng học hỏi, giữ vững tính chính trực và danh dự, tôn trọng sự khác biệt của mọi người. Họ cũng không ngần ngại đón nhận những thử thách. Và có lẽ đặc biệt nhất – các sinh viên mới đã cam kết biến việc học của các em thành những hành động có ý nghĩa đối với Việt Nam và toàn thế giới. Chương trình giáo dục của Đại học Fulbright Việt Nam sẽ gắn liền với nghĩa vụ phụng sự.
Các cơ sở giáo dục đại học đã và đang là những yếu tố then chốt trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Vì vậy, tôi kỳ vọng rằng Đại học Fulbright Việt Nam sẽ mang nhân dân hai nước đến gần nhau hơn trong tương lai, thông qua các hoạt động trao đổi, hợp tác nghiên cứu, học hỏi lẫn nhau, cùng giải quyết vấn đề, và nhiều hơn nữa. Hoa Kỳ rất lạc quan về Đại học Fulbright Việt Nam và chúng tôi cam kết hỗ trợ sự phát triển và thành công Đại học Fulbright.
Giống như tất cả các quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức phát triển đặc thù khi Việt Nam liên tục phát triển và thay đổi. Các quốc gia thường tìm ra giải pháp cho những thách thức của họ thông qua giáo dục và hợp tác. Đại học Fulbright Việt Nam cam kết với tất cả chúng ta rằng sẽ đảm nhận vai trò này, giúp một thế hệ lãnh đạo mới và những giá trị mới phát triển, và thúc đẩy Việt Nam hướng đến hiện đại hóa và hội nhập toàn cầu.
Để kết thúc bài phát biểu, tôi xin phép được nhấn mạnh lại một vài điểm chính.
Về quan hệ đối tác Hoa Kỳ – Việt Nam, tôi khá lạc quan về tương lai chung của chúng ta – đặc biệt khi nhìn nhận về chặng đường dài mà chúng ta đã trải qua.
Lịch sử của hai quốc gia cho thấy những khả năng về hòa bình và tiến bộ trên thế giới. Khi chúng ta cùng nhau hướng về tương lai với tư cách là các đối tác, chúng ta sẽ đạt được sự thịnh vượng và thành công to lớn cho người dân Hoa Kỳ và Việt Nam.
Chúng tôi cam kết đối với sự thành công và phát triển của Việt Nam và điều đó sẽ bắt đầu từ con người và các tổ chức hỗ trợ tại Việt Nam. Chúng tôi muốn giúp “thế hệ vàng” Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu và ước mơ của mình.
Một lần nữa, chúng tôi rất quan tâm đến sự thành công của Việt Nam và mong muốn đưa quan hệ đối tác của chúng ta nói chung – và Đại học Fulbright Việt Nam nói riêng – lên những đỉnh cao mới trong những năm tới.
Cảm ơn quý vị đã dành thời gian lắng nghe. Tôi rất sẵn lòng giải đáp bất kỳ thắc mắc nào của quý vị vào ngay lúc này, và tôi cũng mong đợi được nghe thêm nhiều thảo luận trong bữa trưa.