Thứ Sáu, ngày 07 tháng 12, 2018
Khách sạn Park Hyatt Saigon, Thành phố Hồ Chí Minh
Xin kính chào quý vị. Cảm ơn Diễn đàn Kinh tế Châu Á, Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Đại học Fulbright Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã hỗ trợ tổ chức sự kiện hôm nay.
Tôi rất vui mừng với sự có mặt của [các vị khách quý Việt Nam]. Tôi cũng muốn gửi lời chào mừng tới [các vị khách quý/các diễn giả nước ngoài].
Rất nhiều đại diện của khu vực tư nhân tham gia với chúng ta hôm nay, đây cũng là điều hợp lý. Khu vực tư nhân có cơ hội đóng vai trò nòng cốt trong việc cung cấp vốn cho nhu cầu phát triển và tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Trước khi trình bày những nội dung chính trong bài phát biểu, tôi muốn dừng lại để tưởng nhớ cuộc đời và di sản của Tổng thống George Herbert Walker Bush, vị Tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ. Tổng thống Trump đã nhận định “Tổng thống Bush đã sống một cuộc đời kiểu Mỹ tuyệt vời, ở đó có sự kết hợp và là sự hiện thân của hai phẩm chất tốt đẹp nhất của Đất nước chúng ta: tinh thần kinh doanh và cam kết phục vụ cộng đồng. Đất nước chúng ta sẽ vô cùng thương nhớ ông như là một tấm gương truyền cảm hứng”. Đây là một thời khắc đáng buồn đối với Hoa Kỳ và cả thế giới. Chúng tôi đã mất đi một nhà lãnh đạo tuyệt vời.
Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bao phủ hơn một nửa diện tích bề mặt Trái đất và hơn một nửa nhân loại. Hai phần ba hoạt động thương mại toàn cầu diễn ra tại đây, tiềm năng kinh tế và tầm quan trọng chiến lược của khu vực này cũng đang ngày càng gia tăng.
Hoa Kỳ có truyền thống hợp tác lâu đời tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác này. Thúc đẩy tầm nhìn của Tổng thống Trump về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở là nỗ lực của toàn chính phủ dựa trên những giá trị rõ ràng sau:
Hoa Kỳ tìm kiếm sự hợp tác, chứ không phải sự thống trị tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi mà các quốc gia độc lập mạnh dạn theo đuổi lợi ích của mình, tôn trọng các nước láng giềng như những chủ thể ngang hàng; các xã hội, tín ngưỡng, và truyền thống cùng nhau phát triển thịnh vượng; và các cá nhân được thực hiện quyền tự do, theo đuổi giấc mơ, và tự làm chủ vận mệnh của mình.
Tầm nhìn này được xây dựng dựa trên các nguyên tắc được chia sẻ rộng rãi trong khu vực: đảm bảo tự do hàng hải và hàng không; bảo vệ những quốc gia có chủ quyền khỏi những hành động cưỡng ép từ bên ngoài; đẩy mạnh kinh tế thị trường, môi trường đầu tư rộng mở, thương mại công bằng và có đi có lại; và hỗ trợ quản trị tốt và tôn trọng quyền cá nhân.
Cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chưa bao giờ mạnh mẽ hơn thế. Vào năm 2018, Hoa Kỳ đã cung cấp hơn nửa tỷ đô-la hỗ trợ an ninh cho khu vực, trong đó bao gồm 385 triệu đô-la cho chương trình Tài chính Quân sự Nước ngoài, nhiều hơn tổng của ba năm trước đó cộng lại. Hoa Kỳ đang xây dựng năng lực cho các đối tác trong cải thiện nhận thức và gìn giữ hòa bình trong lĩnh vực hàng hải.
Trong hai năm vừa qua, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã công bố hơn 1.500 dự án mới với hơn 61 tỷ đô-la đầu tư mới trên khắp khu vực. Tổng mức đầu tư của Hoa Kỳ vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hiện đã đạt hơn 1,4 nghìn tỷ đô-la – cao hơn so với đầu tư của Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc cộng lại.
Vào tháng 7, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo đã đưa ra các sáng kiến chủ lực về cơ sở hạ tầng, năng lượng, và kinh tế số. Hoa Kỳ đang xác định các cách thức hợp tác với các đồng minh và đối tác trong các lĩnh vực rất quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai của khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương này.
Với việc thông qua Đạo luật BUILD vào tháng 10, Hoa Kỳ đang thành lập một Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế mới với khả năng đầu tư 60 tỷ đô-la. Tập đoàn có thẩm quyền thực hiện đầu tư cổ phần và khả năng triển khai các nghiên cứu khả thi.
Tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tự do và rộng mở của chúng tôi không loại trừ bất kỳ quốc gia nào. Chúng tôi hoan nghênh sự đóng góp của các quốc gia khác vào sự phát triển khu vực, miễn là các quốc gia đó tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất mà người dân trong khu vực yêu cầu, bao gồm tiêu chuẩn về sự minh bạch, thượng tôn pháp luật, và tài trợ bền vững.
Các khoản hỗ trợ cho phát triển và cơ sở hạ tầng cần được giám sát kỹ lưỡng như cách mỗi chúng ta quản lý nguồn tài chính cá nhân của chính mình. Nguyên tắc chung là: Cái hoàn mỹ quá thì thường không có thật. Các khoản cho vay cơ sở hạ tầng với những điều khoản không rõ ràng dành cho các dự án có biện giải kinh tế đáng ngờ thường đi kèm những điều kiện ràng buộc và dẫn đến các khoản nợ không bền vững.
Phó Tổng thống Mike Pence đã đề cập tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC tháng vừa qua: Hoa Kỳ đưa ra một lựa chọn tốt hơn. Chúng tôi không nhấn chìm đối tác trong biển nợ. Chúng tôi không dọa dẫm hoặc làm tổn hại nền độc lập của quốc gia nào. Hoa Kỳ đối đãi một cách cởi mở và công bằng. Khi bạn hợp tác với chúng tôi, chúng tôi hợp tác lại với bạn, và chúng ta cùng nhau thịnh vượng.
Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á, các nước đang phát triển khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cần 1,7 nghìn tỷ đô-la vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng mỗi năm, tương đương với 26 nghìn tỷ đô-la cho đến năm 2030.
Không một chính phủ nào có được lượng tiền này. Các quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào vốn đầu tư từ chính phủ để phát triển sẽ không thể đạt được mục tiêu của mình bởi chúng đã lấn át vốn đầu tư chất lượng cao từ khu vực tư nhân, điều mà nền kinh tế nước họ cần nhất.
Hoa Kỳ đang hướng tới khai phá sức mạnh của khu vực tư nhân, khu vực có thể tiếp cận 70 nghìn tỷ đô-la vốn tư nhân đang ở tại các trung tâm tài chính thế giới.
Chỉ khi các quốc gia chào đón nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân thì họ mới có thể thu hút hàng nghìn tỷ đô-la nguồn vốn này vào nền kinh tế của họ, từ đó xây dựng các doanh nghiệp năng suất, tạo công ăn việc làm và sự thịnh vượng.
Và quả thực, khu vực tư nhân Hoa Kỳ đã đầu tư vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhiều hơn mức thường được công nhận. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Hoa Kỳ và các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã đạt 1,8 nghìn tỷ đô-la vào năm 2017.
Hoa Kỳ là nguồn đầu tư lớn nhất trong khu vực. Năm vừa qua, tổng giá trị nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hoa Kỳ đã đạt 940 tỷ đô-la, nhiều hơn gấp đôi so với năm 2007.
Chúng tôi tự hào về những thành tựu to lớn mà khu vực tư nhân Hoa Kỳ đã đạt được tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Với sự trợ giúp của các công ty Hoa Kỳ, công dân trên toàn thế giới sẽ nhận ra những gì họ thấy là những gì họ sẽ nhận được: đó là các hợp đồng trung thực, điều khoản trung thực, và không cần đến những chiêu trò gian lận.
Tiền từ Hoa Kỳ tạo điều kiện cho phép khu vực tư nhân đầu tư. Không có một khoản kinh phí nào từ chính phủ có thể sánh bằng. Hoa Kỳ quan tâm nhiều hơn đến cách thức các khoản kinh phí hỗ trợ được chi tiêu, hơn là nguồn gốc những khoản tiền này.
Các công ty Hoa Kỳ đang thuê và đào tạo công nhân khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, giúp họ đạt các tiêu chuẩn cao nhất. Họ không phục vụ cho quốc gia nào xa xôi; họ trực tiếp mang lại lợi ích cho khu vực.
Vậy làm thế nào để chúng ta thực hiện tầm nhìn của Tổng thống Trump về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở tại Việt Nam? Những ưu tiên song phương của chúng ta bổ sung một cách hoàn hảo cho tầm nhìn này.
Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ sự phát triển của một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, góp phần đảm bảo an ninh quốc tế, tham gia thương mại tự do, công bằng và có đi có lại, cũng như tôn trọng nhân quyền và thượng tôn pháp luật.
Tổng thống Trump đã lựa chọn Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC tại Đà Nẵng diễn ra vào năm ngoái để truyền tải tầm nhìn của Hoa Kỳ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, bởi Việt Nam là một trong những đối tác song phương quan trọng nhất của Hoa Kỳ.
Việt Nam hoàn toàn có thể vạch ra hướng đi tiếp cận những đổi mới theo định hướng thị trường cũng như các giải pháp thuộc khu vực tư nhân mà chúng tôi tin rằng sẽ giúp Việt Nam hội nhập với nền kinh tế toàn cầu và góp phần vào an ninh kinh tế lâu dài của Việt Nam.
Để thực hiện điều này, chúng tôi đang làm việc với Việt Nam nhằm mở cửa thị trường này cho các sản phẩm và dịch vụ của Hoa Kỳ, và tạo lập sân chơi bình đẳng cho hoạt động đầu tư nước ngoài.
Việc tiếp tục hợp tác trong những vấn đề này sẽ giúp hai quốc gia chúng ta xây dựng lòng tin, tăng cường quan hệ đối tác song phương, và thúc đẩy sự thịnh vượng chung.
Ngoại trưởng Pompeo gọi khu vực tư nhân là tài sản lớn nhất của Hoa Kỳ. Ông đã đúng. Khi tôi nói chuyện với các nhà đầu tư và doanh nhân tại Việt Nam, tôi rất lạc quan về các cơ hội ở đây:
Cơ hội đầu tư vào các giải pháp năng lượng sạch.
Cơ hội tận dụng và tạo bước nhảy vọt trong công nghệ nhằm xây dựng thành phố và cơ sở hạ tầng thông minh hơn.
Cơ hội phát triển quan hệ đối tác giáo dục khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy khởi nghiệp.
Đối với Phái đoàn Hoa Kỳ tại Việt Nam, nỗ lực của chúng tôi hướng đến việc hỗ trợ cho sự phát triển do khu vực tư nhân dẫn dắt cũng như tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Các đồng nghiệp của tôi tại bộ phận Kinh tế thuộc Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh đã làm việc với Việt Nam nhằm đơn giản hóa môi trường pháp lý và giảm thiểu trở ngại đối với thương mại và đầu tư.
Phòng Nông nghiệp và Thương vụ giúp các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ gia nhập thị trường Việt Nam và bán các sản phẩm từ Hoa Kỳ.
Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ cung cấp các khoản hỗ trợ phát triển nhằm tạo điều kiện cho việc đổi mới theo định hướng thị trường và hoạt động thương mại.
Về an ninh, Hoa Kỳ đang làm việc nhằm tăng cường năng lực quân sự của Việt Nam để Việt Nam có thể đóng vai trò chủ động hơn trong việc thúc đẩy lợi ích của chính mình. Chúng tôi tin một Việt Nam vững mạnh sẽ có thể hợp tác với Hoa Kỳ nhằm đóng góp cho an ninh khu vực.
Về thương mại, Hoa Kỳ đang xem xét các cách giảm thâm hụt thương mại và thúc đẩy giao thương công bằng và có đi có lại giữa hai quốc gia. Chúng tôi cam kết phát triển xuất khẩu từ Hoa Kỳ, cũng như tạo sân chơi bình đẳng hơn cho những nhà đầu tư Hoa Kỳ. Chúng tôi tin rằng khu vực tư nhân Hoa Kỳ là đối tác đáng lựa chọn vì một Việt Nam thịnh vượng. Hoa Kỳ cam kết vững chắc đối với quan điểm rằng một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng cần được tự do và rộng mở trong việc tiếp cận Internet.
Chúng tôi đã xác định năng lượng là ngành ưu tiên mang đến cơ hội cho xuất khẩu và đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam. Lĩnh vực năng lượng bao gồm sản xuất điện, thăm dò dầu khí, nhập khẩu khí hóa lỏng, năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Thông qua sáng kiến EDGE Việt Nam, rất nhiều cơ quan chính phủ Hoa Kỳ đã cung cấp hàng triệu đô-la hỗ trợ kỹ thuật nhằm xác định các cơ hội thị trường và đề xuất cải cách pháp lý để tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư.
Giải quyết các vấn đề do chiến tranh để lại là một yếu tố nền tảng trong mối quan hệ của chúng ta. Hoa Kỳ cam kết góp phần xử lý ô nhiễm đi-ô-xin tại khu vực Sân bay Biên Hòa.
Về quyền con người, Hoa Kỳ đã, đang và sẽ tiếp tục ủng hộ các giá trị của mình, ngay cả khi chúng tôi bất đồng với Việt Nam.
Hoa Kỳ đang phát triển việc giao lưu giữa nhân dân hai nước thông qua các chương trình trao đổi giáo dục. Việc khánh thành Đại học Fulbright Việt Nam là một khởi đầu tuyệt vời. Chính phủ Hoa Kỳ cũng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong việc cải thiện năng lực Tiếng Anh cho học sinh trên cả nước, và hỗ trợ những học sinh có mong muốn học tập tại Hoa Kỳ. Và chúng tôi cũng đã suy nghĩ về cách thức kỷ niệm 25 năm tái thiết lập quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam vào năm 2020.
Sở dĩ Hoa Kỳ hợp tác với Việt Nam nhằm cải thiện tính minh bạch, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, và áp dụng các đổi mới theo định hướng thị trường là bởi chúng tôi tin rằng, khi có một sân chơi bình đẳng, các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể cạnh tranh, và điều này mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia.
Nếu chúng ta làm đúng, chúng ta có thể tạo ra cơ hội về kinh tế, tăng trưởng thương mại và đầu tư, cũng như thúc đẩy sự thịnh vượng của nhau.
Tôi mong đợi được nghe chia sẻ của các đại biểu hôm nay.
Xin chân thành cảm ơn.