Thứ Ba, ngày 11 tháng 6 năm 2019
Khách sạn Intercontinental Landmark 72, Hà Nội
Xin chào các quý vị đại biểu. Tôi xin chào mừng và cảm ơn quý vị đã tới tham dự buổi lễ kỷ niệm 243 năm ngày Quốc khánh Hoa Kỳ.
Lời đầu tiên, tôi muốn gửi lời chào tới vị Khách mời Danh dự đến từ Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, ông Chu Ngọc Anh. Thưa Bộ trưởng, chúng tôi rất vinh dự được đón tiếp ông tại buổi lễ ngày hôm nay. Chúng tôi cũng rất vinh dự vì sự có mặt của nhiều vị khách quan trọng khác từ Chính phủ Việt Nam, các phái đoàn ngoại giao, cộng đồng doanh nghiệp cũng như các tổ chức phi chính phủ. Cảm ơn những người bạn hữu đã tới tham dự buổi lễ này.
Năm tới sẽ đánh dấu kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Trong thời gian qua, hai quốc gia đã trở thành bạn bè và đối tác trên mọi phương diện của khái niệm này, hợp tác cùng nhau trong các mối quan hệ an ninh, kinh tế, nhân dân, y tế, môi trường và năng lượng. Trong 18 tháng ngắn ngủi mà tôi có vinh dự được làm việc tại đây, Tổng thống Trump đã tới thăm Việt Nam hai lần và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tới thăm Hoa Kỳ. Hoa Kỳ ủng hộ sự phát triển của một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, hôm nay và mai sau. Và mối quan hệ giữa hai nước đang tốt đẹp hơn bao giờ hết.
Tất cả mọi người có mặt trong căn phòng này đều đã đóng góp vào sự phát triển của mối quan hệ đó. Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới tất cả các bạn. Đồng thời, tôi muốn ghi nhận rằng thành tựu chúng ta đạt được ngày hôm nay phần lớn là nhờ vào sự nỗ lực của những người đi trước, đó là các cán bộ chính phủ, doanh nhân và các công dân của cả hai quốc gia. Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới từng người.
Chúng ta sẽ không bao giờ đạt được kết quả quan trọng nếu không chấp nhận rủi ro. Gần 25 năm trước, việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao cũng ẩn chứa rủi ro. May mắn là cả hai quốc gia đều có những nhà lãnh đạo thông thái, nhìn xa trông rộng và can đảm theo đuổi một tương lai tươi sáng hơn. Thế hệ ngày hôm nay đã được hưởng những thành quả của thế hệ đi trước, những người đã dám chấp nhận rủi ro, không chỉ trong ngoại giao mà còn trong thương mại, kinh tế và vô số các lĩnh vực khác.
Tối nay, khi quý vị bước vào hội trường, tôi hy vọng quý vị sẽ thấy những biển hiệu nhấn mạnh rằng 50 năm trước, con người đã lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Cũng giống như quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, thế hệ ngày hôm nay đã và đang được hưởng lợi từ những thành quả trong quá khứ và từ sự cam đảm dám chấp nhận rủi ro. Chương trình không gian cũng đã tạo ra những công nghệ và sản phẩm mới, bao gồm các vi mạch trong máy tính hiện đại và công nghệ chụp cắt lớp vi tính giúp chẩn đoán các vấn đề về sức khỏe cho bệnh nhân trên khắp thế giới. Chương trình không gian cũng mang tới những phát minh như bộ lọc nước và pin li-ion, bút không gian và thực phẩm đông khô. Những công nghệ đổi mới này đã mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân, người tiêu dùng và nền kinh tế ngày nay.
Chương trình không gian cũng mang lại lợi ích cho các nhà khoa học. Vào những năm 1970, các nhà khoa học đã tìm hiểu về vũ trụ từ đá mặt trăng mà chương trình Apollo mang về. NASA cũng rất thông minh khi bảo tồn một số viên đá mặt trăng. Số đá này được niêm phong trên mặt trăng, rồi mang về Trái Đất và chưa bao giờ được mở ra. NASA làm vậy để những thế hệ tương lai như chúng ta có thể sử dụng công nghệ tiên tiến hơn để nghiên cứu những viên đá mà phi hành gia trên tàu Apollo mang về. Đây quả là một món quà tuyệt vời cho thế hệ hiện tại và tương lai.
Chúng ta không chỉ mang về những viên đá, mà còn để lại những dấu chân trên Mặt Trăng. Mười hai phi hành gia đã đi bộ trên Mặt Trăng. Ở trên đó không hề có gió, nên những dấu chân vẫn ở đó, như một sự ghi nhận thầm lặng về thành tựu vĩ đại của loài người. Những phi hành gia đó là người Mỹ, và cũng giống như bao công dân Mỹ khác, tôi cảm thấy vô cùng tự hào về những gì Hoa Kỳ đã đạt được. Tuy nhiên, Hoa Kỳ làm điều này thay mặt cho tất cả người dân trên hành tinh. Mục tiêu của chúng tôi chưa bao giờ là chinh phục mặt trăng hay tuyên bố lãnh thổ mới của Hoa Kỳ, cũng không phải là tìm cách quân sự hóa vũ trụ. Neil Armstrong, người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, là một thường dân.
Một chút nữa, tôi sẽ mời diễn giả chính của chương trình, Thiếu tướng Charlie Bolden, lên phát biểu vài lời. Ông thực sự là người hùng của nước Mỹ, và tôi phải thừa nhận rằng, chỉ đọc tiểu sử của ông thôi cũng khiến tôi nổi da gà. Ông Charlie Bolden từng là phi công chiến đấu của Lực lượng thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Sau đó, ông trở thành phi hành gia và đã bốn lần bay trên Tàu con thoi. Ông cũng từng là Giám đốc, hay lãnh đạo cao nhất, của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ – NASA.
Giờ đây, dù về danh nghĩa là ông đã nghỉ hưu, nhưng Charlie Bolden vẫn tiếp tục cống hiến cho đất nước với tư cách là Đặc phái viên Khoa học về Vũ trụ của Hoa Kỳ. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm tàu Apollo lần đầu hạ cánh xuống mặt trăng, tôi nghĩ ông chính là diễn giả chính lý tưởng nhất cho sự kiện này.
Hãy cùng tôi nhiệt liệt chào đón Thiếu tướng Charlie Bolden. Sau đây tôi xin nhường lại sân khấu cho ông.