Bài phát biểu của Đại sứ Daniel J. Kritenbrink: “Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, hướng tới năm 2020”

Thứ Tư, ngày 26 tháng 09 năm 2018
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh

Thưa ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng các giảng viên và sinh viên của Học viện.

Tôi rất vinh dự có mặt tại đây, trung tâm hàng đầu Việt Nam về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo và nhà tư duy chiến lược của Đảng và Chính phủ.

Trước khi bắt đầu, tôi xin được thay mặt Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam bày tỏ lòng tiếc thương chân thành trước sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang là một người bạn của mối quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam. Sự tiếp đón mà ông dành cho Tổng thống Donald J. Trump trong chuyến thăm lịch sử cấp nhà nước của tổng thống tới Hà Nội vào tháng 11 năm 2017 đã đưa mối Quan hệ Đối tác Toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam lên những tầm cao mới. Chúng tôi trân trọng những di sản ông để lại và xin bày tỏ lòng tiếc thương đối với gia đình ông cũng như nhân dân Việt Nam.

Cảm ơn Giám đốc Nguyễn Xuân Thắng vì đã dành thời gian tham dự cũng như tạo cơ hội cho chúng tôi có mặt ở đây.

Tôi vẫn còn nhớ chuyến thăm đầu tiên của mình đến học viện, ngay sau khi tôi được bổ nhiệm làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Giám đốc Thắng đã dẫn tôi đi tham quan thư viện và hội trường ngay bên ngoài căn phòng này. Học viện là nơi lưu giữ giá trị lịch sử và đã đào tạo nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo Việt Nam trong quá khứ và hiện tại. Ngay lúc đó, tôi đã tự nhủ rằng tôi sẽ quay trở lại và nói chuyện với tất cả quý vị hôm nay.

Tôi muốn chia sẻ về tầm nhìn chung của Hoa Kỳ và Việt Nam, hướng tới năm 2020.

Tôi cũng hoan nghênh các quý vị chia sẻ suy nghĩ của mình. Và tôi hy vọng buổi đối thoại hôm nay sẽ xây dựng thêm lòng tin và sự thấu hiểu giữa hai quốc gia.

Khi tôi chuẩn bị cho bài phát biểu này, tôi không ngừng suy nghĩ về sự ra đi mới đây của Thượng nghị sĩ John McCain. Cuộc đời ông là biểu tượng của lịch sử phát triển của mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, từ xung đột và đau thương cho đến giai đoạn xây dựng lòng tin và hòa giải, và cuối cùng là tình hữu nghị.

Thượng nghị sĩ McCain cùng nhiều người dân Hoa Kỳ và Việt Nam khác đã tìm đến con đường hòa bình và ngoại giao để hai quốc gia chúng ta vượt qua những khác biệt. Chúng ta đang kế thừa thành quả của thế hệ đi trước, và chúng ta nợ những người lính, những người gìn giữ hòa bình lời cam kết mạnh mẽ nhất về việc sẽ làm sâu sắc hơn mối quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam.

Hai nước chúng ta chia sẻ một lịch sử đặc biệt: sau nhiều năm chiến tranh và khó khăn, cùng nhau chúng ta đã thiết lập một mối quan hệ đối tác toàn diện, từ quốc phòng, thương mại, y tế đến mối quan hệ giữa nhân dân hai nước. Điều này mang lại lợi ích cho chúng ta cũng như cho toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Hà Nội vào tháng 11 năm 2017, Tổng thống Trump đã nói: “Chúng ta đã đạt được một mối quan hệ hữu nghị và đối tác sâu sắc, gắn kết bằng sự tôn trọng lẫn nhau và những trải nghiệm chung.”

Điều này bao gồm sự hiểu biết về hệ thống chính trị của hai nước. Mặc dù chúng ta có những khác biệt trong triết lý chính trị, chúng ta vẫn tiếp tục xây dựng một mối quan hệ có tính xây dựng và tăng cường hợp tác.

Vào năm 1995, chúng ta đã đưa ra một lựa chọn dũng cảm để cùng bắt đầu một hành trình mới và trong hai thập kỷ vừa qua, chúng ta đã trở nên gắn bó với nhau hơn để cùng thúc đẩy những lợi ích chung.

Trong năm 2020, chúng ta sẽ kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam. Tôi cũng có mặt tại Washington khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm tới Nhà Trắng vào năm 2015, tôi mong đợi chúng ta sẽ có một năm 2020 với thật nhiều sự kiện tôn vinh mối quan hệ ngoại giao kéo dài 25 năm của hai nước.

Nhìn về phía trước, tôi tin tưởng quan hệ song phương của chúng ta có lẽ đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Từ chuyến công du lịch sử của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến những chuyến thăm liên tiếp của Tổng thống Obama vào năm 2016 và Tổng thống Trump vào năm 2017, các lãnh đạo hàng đầu của Hoa Kỳ và Việt Nam đang gắn kết hơn bao giờ hết.

Khi Ngoại trưởng Mỹ Pompeo tới thăm Việt Nam, ông nhận định thành công này là một “minh chứng cho lợi ích chung của Hoa Kỳ và Việt Nam, cho sự tôn trọng lẫn nhau, cho quyết tâm gác lại quá khứ và hướng tới tương lai, dù trở ngại có lớn thế nào”.

Hoa Kỳ tiếp tục tin tưởng rằng Châu Á – khu vực Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương có vai trò rất quan trọng và sẽ định hình an ninh và sự thịnh vượng của Hoa Kỳ trong thế kỷ tới.

Trong bối cảnh đó, quan hệ hợp tác với Việt Nam có vai trò trọng yếu.

Tôn chỉ hoạt động, mục tiêu của chúng tôi là giúp Hoa Kỳ trở thành một đối tác chủ chốt trong việc hỗ trợ sự phát triển của một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng, và độc lập, góp phần vào an ninh quốc tế, tham gia thương mại tự do, công bằng và có đi có lại, và tôn trọng nhân quyền và pháp quyền.

Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Chính phủ Việt Nam cũng có chung những mục tiêu như vậy, mặc dù chúng ta đúng là có những khác biệt rất thực tế, và đôi khi là quan điểm trái chiều về cách tốt nhất để đạt những mục tiêu này.

Tôi xin chia sẻ tầm nhìn về cách chúng ta có thể hợp tác với nhau.

Hợp tác về an ninh: Hoa Kỳ mong muốn góp phần thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực, một phần thông qua nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc hợp tác trên nhiều hoạt động an ninh và thực thi pháp luật. Trong lĩnh vực hợp tác an ninh song phương, tính đến nay Hoa Kỳ đã hỗ trợ cho Việt Nam trên 100 triệu đôla. Chúng tôi mong muốn thúc đẩy hợp tác an ninh dựa trên kế hoạch hành động ba năm mà hai nước chúng ta đã nhất trí thực hiện. Chúng ta sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác về các lợi ích an ninh chung, bao gồm việc duy trì luật pháp quốc tế, chống lại hành vi dùng sức mạnh cưỡng ép ở biển Đông, ngăn chặn Triều Tiên đe dọa khu vực bằng các chương trình hạt nhân và tên lửa. Chúng tôi đã giúp Việt Nam chuẩn bị cho việc phòng chống thiên tai, cũng như hỗ trợ Việt Nam triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đầu tiên.

Các vấn đề nhân đạo và vấn đề chiến tranh để lại: Đây là một lĩnh vực trọng yếu bởi lĩnh vực này tạo nền tảng cho quan hệ sâu rộng hơn nữa giữa hai nước. Đây cũng là kết quả của cam kết hòa giải từ hai quốc gia dựa trên hai nguyên tắc: thẳng thắn về quá khứ và hướng đến tương lai. Và đến nay, chúng tôi duy trì cam kết mạnh mẽ trong việc giải quyết các vấn đề chiến tranh để lại. Chúng tôi tự hào về nỗ lực của hai quốc gia trong việc xử lý ô nhiễm dioxin tại Đà Nẵng, và chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ khi chúng ta thực hiện nhiệm vụ này tại Biên Hòa. Chúng tôi cũng đang tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam nhằm tìm kiếm những quân nhân Hoa Kỳ mất tích, rà phá bom mìn và vật liệu chưa nổ, cũng như hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam.

Hoạt động giao thương: Thương mại và đầu tư song phương ngày càng được thúc đẩy qua từng năm. Mặc dù Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Hoa Kỳ, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chịu thâm hụt thương mại đáng kể và đang gia tăng với Việt Nam. Chúng tôi cam kết đạt được đầu tư và thương mại tự do, công bằng, và có đi có lại với Việt Nam bằng cách giảm các rào cản thương mại và đẩy mạnh các chương trình cải cách theo định hướng thị trường.

Mối quan hệ giữa nhân dân hai nước: Mối quan hệ giữa nhân dân hai nước đã giúp củng cố mối quan hệ của hai quốc gia theo hướng cá nhân và bền vững. Trong năm 2016, hơn 120.000 du khách Việt Nam đến Hoa Kỳ du lịch, và hiện có gần 30.000 học sinh Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ. Đầu tháng này, chúng ta vui mừng chào đón những tân sinh viên đầu tiên theo học chương trình cử nhân của Đại học Fulbright Việt Nam. Đây chính là một ví dụ đáng chú ý cho những nỗ lực và cam kết từ Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ.

Nhân quyền và pháp quyền: Hoa Kỳ tôn trọng hệ thống chính trị của Việt Nam, tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng bảo vệ nhân quyền và quyền tự do về tôn giáo. Chúng tôi đưa ra những vấn đề này bởi chúng tôi thấy rằng, những quốc gia thành công nhất đều thúc đẩy và tôn trọng quyền con người và quyền tự do cơ bản. Tôi biết rằng mối quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có thể đạt đến tiềm năng lớn nhất nếu người lao động và xã hội dân sự Việt Nam có thể lập hội một cách ôn hòa, tự do bày tỏ và trao đổi quan điểm trực tiếp hoặc trên môi trường trực tuyến, cũng như tham gia vào quá trình hoạch định chính sách.

Những ưu tiên này, cùng với những nỗ lực trong lĩnh vực y tế và môi trường, sẽ là mục tiêu cho mối quan hệ của chúng ta trong những năm tới. Và tôi hy vọng rằng bằng sự cố gắng, linh hoạt, và tin tưởng lẫn nhau, chúng ta có thể hiện thực hóa những mục tiêu này.

Về chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Hoa Kỳ giữ cam kết đối với một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nơi đó bao gồm các quốc gia vững mạnh, độc lập, tôn trọng chủ quyền của nhau, ủng hộ pháp quyền và thúc đẩy thương mại có trách nhiệm.

Hoa Kỳ giữ cam kết đối với sự phát triển kinh tế của khu vực. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, chúng ta phải tuân thủ các chuẩn mực toàn cầu – những chuẩn mực cho phép duy trì một sân chơi bình đẳng và mang đến thịnh vượng cho tất cả mọi người.

Hàng năm, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Hoa Kỳ và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đạt 1.400 tỷ đôla. Đồng thời, trong một thập kỷ qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ vào khu vực đã tăng gấp đôi lên mức gần 940 tỷ đôla.

Trong khuôn khổ Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Pompeo gần đây đã công bố ngân sách tài trợ cho các dự án mới với giá trị 113 triệu đôla nhằm phát triển hơn nữa kết nối số, cải thiện cơ sở hạ tầng năng lượng chiến lược, và giúp Hoa Kỳ có thể đáp ứng hiệu quả hơn nhu cầu cơ sở hạ tầng trong khu vực.

Tuy nhiên, Ngân hàng Phát triển châu Á ước tính rằng các nước đang phát triển trong khu vực sẽ cần 26 tỷ đôla để đầu tư cơ sở hạ tầng mới cho đến năm 2030. Không quốc gia nào có thể đáp ứng được nhu cầu này mà chỉ dựa vào kinh phí trực tiếp từ Chính phủ. Chỉ khu vực tư nhân mới có những nguồn lực này. Đó là lý do tại sao Quốc hội Hoa Kỳ hiện đang cân nhắc áp dụng Đạo luật BUILD, theo đó Chính phủ sẽ tăng gấp đôi nguồn tài chính lên 60 tỷ đôla để đảm bảo hoạt động tài chính phát triển khu vực tư nhân.

Bên cạnh những mục tiêu về phát triển kinh tế, chúng ta cũng cần giải quyết các mối đe dọa về an ninh. Mối quan hệ hợp tác về an ninh của chúng ta tiếp tục mở rộng. Vào tháng 8, Ngoại trưởng Pompeo công bố bổ sung khoản kinh phí 300 triệu đôla cho hoạt động hợp tác an ninh trong khu vực.

Và cuối cùng, tôi muốn nhắc lại lời của Ngoại trưởng Pompeo “Tại những nơi mà Hoa Kỳ đi đến, chúng tôi tìm kiếm sự hợp tác, chứng không phải sự thống trị.” Đặc biệt qua ASEAN, chúng tôi muốn hợp tác song phương và đa phương với các quốc gia trong khu vực này nhằm đảm bảo một khu vực ASEAN hòa bình và ổn định, nơi các quốc gia tuân thủ một trật tự dựa trên luật lệ, tự do tiếp cận hàng hải và hàng không, và các tranh chấp sẽ được giải quyết mà không sử dụng biện pháp cưỡng ép.

Tôi lạc quan vào tương lai giữa chúng ta – đặc biệt khi nhìn lại chặng đường mà chúng ta đã cùng nhau đi qua.

Chúng tôi nhận ra rằng, khi có thách thức, hai nước chúng ta cùng đối mặt bằng tinh thần cương trực và sự tôn trọng lẫn nhau.

Lịch sử chung của chúng ta cho thấy những khả năng các quốc gia đạt được hòa bình và phát triển. Trên chặng đường hợp tác tiếp theo, chúng ta sẽ đạt sự thịnh vượng và thành công rực rỡ cho cả người dân Hoa Kỳ và người dân Việt Nam.

Cảm ơn quý vị đã dành thời gian có mặt tại đây. Tôi mong chờ phần thảo luận ngay sau đây của chúng ta.