Thứ Bảy, ngày 9 tháng 12 năm 2017
Khách sạn Melia, Hà Nội
Tôi rất hân hạnh được chào đón các quý vị tới đây tối nay để chào mừng một dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam: kỷ niệm 25 năm chương trình Fulbright tại Việt Nam.
Đầu tiên, tôi xin cảm ơn ông Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao đã tham dự sự kiện tối nay cùng chúng tôi. Sự hiện diện của ông là niềm vinh dự cho chúng tôi.
Để có chương trình Fulbright ngày hôm, chúng ta cần tri ân Thượng nghị sĩ James William Fulbright. Ông từng nói: “Chúng ta phải dám nghĩ những điều “không tưởng”. Chúng ta phải học cách nghiên cứu mọi phương án và khả năng trước mắt chúng ta trong một thế giới phức tạp và biến đổi nhanh chóng.”
Năm 1992, chương trình Fulbright lần đầu tiên được khởi động tại Việt Nam. Phải tới 3 năm sau Hoa Kỳ và Việt Nam mới tái thiết lập quan hệ ngoại giao. Vào thời điểm đó, thế giới thực sự phức tạp và biến đổi nhanh chóng, song chương trình Fulbright đã dám đón đầu bằng cách tạo dựng nền móng cho quan hệ đối tác bền chặt mà hai quốc gia đã có được ngày nay. Các chương trình trao đổi trong lĩnh vực giáo dục tiếp tục đóng góp cho quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ – Việt Nam theo nhiều cách và ở nhiều cấp độ khác nhau. Tôi chắc chắn rằng nhiều cá nhân ngồi đây chính là minh chứng cho nhận định này.
Thật kinh ngạc khi chúng ta bắt đầu chỉ với Chương trình Sinh viên Việt Nam – gửi những sinh viên ưu tú nhất trong nước tới Hoa Kỳ để theo học chương trình Thạc sĩ về khoa học chính trị, kinh doanh, truyền thông, giáo dục, v.v.
Giờ đây, sau 25 năm, Fulbright Việt Nam mang đến 15 chương trình trao đổi đưa các sinh viên, học giả và giáo viên Việt Nam sang Hoa Kỳ, đồng thời đưa các sinh viên, học giả và giáo viên Hoa Kỳ tới Việt Nam. Chương trình này phản ánh phạm vi quan hệ song phương giữa hai nước theo nhiều cách khác nhau, dần thiết lập một nền tảng vững chắc vẫn đang tiếp tục lớn mạnh và phát triển.
Tối nay, chúng ta không chỉ kỷ niệm 25 năm Chương trình Fulbright, mà còn tôn vinh gần 1.300 cá nhân là công dân Việt Nam và Hoa Kỳ đã tham gia vào chương trình Fulbright Việt Nam. Đó là một danh sách ấn tượng gồm: Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo TS. Phùng Xuân Nhạ, và Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh TS. Nguyễn Thiện Nhân.
Và khi nhắc tới những Fulbrighter của Việt Nam, điều tôi ấn tượng nhất ở họ là khát vọng biến những gì mình đã trải nghiệm thành hành động. Điển hình là bà Đàm Bích Thủy – người đang giữ vai trò Chủ tịch Đại học Fulbright mới thành lập tại thành phố Hồ Chí Minh. Hay hai thanh niên trẻ người Mỹ, Kyle Witzigman và Vincent Phạm, từng tới Việt Nam làm Trợ giảng Tiếng Anh và hiện cũng đang làm việc cho Đại học Fulbright.
Một điển hình tuyệt vời khác là nhà hoạt động vì quyền lợi cho cộng đồng LGBTI Nguyễn Thanh Tâm – người đã khởi xướng sự kiện Pride (Tự hào) tại Việt Nam và đồng sáng lập Chiến dịch Work with Pride (Làm việc với sự tự hào) nhằm huy động sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp trong việc ủng hộ quyền bình đẳng cho thành viên cộng đồng LGBTI tại nơi làm việc.
Đầu năm nay, khóa sinh viên Fulbright Việt Nam mới nhất đã tổ chức một buổi hướng nghiệp cho gần 180 bạn trẻ tại Hà Nội ngay trước khi lên đường sang Hoa Kỳ để bắt đầu chương trình học của mình. Họ chia sẻ những bí quyết trong công việc và bài học kinh nghiệm trong quá trình xin học bổng Fulbright. Tôi hy vọng rằng những thông tin này sẽ truyền cảm hứng cho nhiều sinh viên Việt Nam ứng tuyển hơn.
Còn rất nhiều ví dụ khác mà tôi có thể chia sẻ. Chính các bạn đã trực tiếp cảm nhận được tác động của chương trình Fulbright đối với cuộc sống của mình, đối với những người các bạn gặp trong suốt thời gian trao đổi và đối với những người các bạn đã gặp và làm việc cùng khi quay trở về Việt Nam.
Các bạn cũng biết rằng trải nghiệm trao đổi không kết thúc khi chương trình khép lại. Là những Fulbrighter, các bạn có thể tiếp tục tăng cường đối thoại với đồng nghiệp, học sinh, bạn bè và gia đình của mình để giúp họ hiểu hơn những quan điểm và giá trị của hai đất nước chúng ta. Điều này giúp chúng ta có thể hợp tác hiệu quả hơn khi xử lý những vấn đề cùng quan tâm.
Dù trải nghiệm Fulbright của các bạn đã khép lại 25 năm trước hay vài tháng trước, tôi khuyến khích các bạn tiếp tục chia sẻ những gì mình đã học được với những người xung quanh. Tôi cũng kêu gọi các bạn hãy duy trì kết nối với chúng tôi, bất kể là thông qua Đại sứ quán Hoa Kỳ hay Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi xin khép lại với một câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”, nghĩa là “Khi ta ở, đó là quê hương ta; khi ta đi, quê hương trở thành một phần linh hồn ta.”
Bạn chính là một minh chứng sống cho thông điệp đó. Bằng vốn kinh nghiệm phong phú của mình, các bạn giúp củng cố quan hệ song phương một cách ý nghĩa và sâu sắc.
Xin cảm ơn vì các bạn đã có mặt tại đây tối nay, vì sự cam kết của các bạn đối với chương trình Fulbright và vì sự đóng góp của các bạn cho quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam. Tôi vinh dự khi được đứng cùng các bạn tối nay trong lễ kỷ niệm 25 năm chặng đường thành công của chương trình và chờ đón thêm nhiều năm thành công hơn nữa.
Người ta có câu: Một khi là Fulbrighter, mãi mãi là Fulbrighter! Hãy nâng ly cùng tôi vì 25 năm thành công tiếp theo!