Bài phát biểu của Đại sứ Daniel J. Kritenbrink: Tiệc tối Gala Dinner thường niên của AmCham

Thứ Bảy, ngày 19 tháng 5 năm 2018
Khách sạn JW Marriott, Hà Nội

Cảm ơn Linh vì lời giới thiệu tốt đẹp vừa rồi, và cảm ơn Adam đã mời tôi tham dự buổi tối tuyệt vời hôm nay để chúc mừng AmCham và các thành viên của Hiệp hội.

Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã tới tham dự cùng chúng tôi. Quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam là quan hệ đối tác, và tôi cho rằng cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ là một bộ phận quan trọng trong mối quan hệ đó. Vì vậy, tôi cảm thấy vinh dự khi ông có thể tham dự cùng chúng tôi trong buổi tối ngày hôm nay.

Tôi cũng muốn cảm ơn nhiều cá nhân có mặt trong khán phòng ngày hôm nay vì những lời khuyên, kiến thức, chuyên môn và kinh nghiệm mà các bạn đã chia sẻ với tôi trong sáu tháng qua kể từ khi tôi đến Việt Nam. Việt Nam là một quốc gia giàu truyền thống văn hóa với một nền kinh tế năng động và hệ thống chính trị phức tạp. Những đề xuất và chỉ dẫn của các bạn đã giúp tôi hiểu rõ hơn về những cơ hội mà hai quốc gia chúng ta phải nắm bắt cũng như những trở ngại mà chúng ta phải vượt qua. Tôi dành nhiều thời gian cho thương mại và đầu tư hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác và doanh nghiệp cũng là đối tượng mà tôi dành thời gian gặp gỡ nhiều hơn cả. Mối quan tâm của các bạn chính là mối quan tâm của tôi, và tôi rất vui khi được hỗ trợ các bạn cũng như nhận được sự hỗ trợ từ các bạn.

Như nhiều bạn ở đây có thể đã biết, tôi là một công dân đầy tự hào của bang Nebraska, và tôi muốn gửi lời chào mừng đặc biệt đến ngài Josh Moenning, Thị trưởng thành phố Norfolk, bang Nebraska. Thị trưởng Moenning có một trang trại ở quận Madison, một khu vực nổi tiếng với ngành chăn nuôi gia súc. Thịt bò trong bữa tiệc tối nay thực ra được chuyển đến từ Nebraska qua đường hàng không, và tôi dĩ nhiên muốn gửi lời cảm ơn tới Hội đồng Thịt bò Nebraska đã đưa món thịt bò và ngài thị trưởng đến với sự kiện tối nay. Thịt bò Mỹ là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất của Hoa Kỳ với doanh thu năm ngoái đạt hơn 60 triệu đô-la. Tương đương với rất nhiều bò. Thực tế, con số này tăng 33% so với năm trước đó. Mặc dù tôi muốn con số này tiếp tục tăng, nhưng Adam mong tối nay quý vị không gọi thêm suất thịt bò nữa.

Chủ đề của sự kiện tối nay là “Movers & Shakers” (tạm dịch: Nhân tố chuyển dịch & Nhân tố cải cách). Tôi vừa nhắc đến quê hương của mình nên xin phép mở đầu bằng những “nhân tố chuyển dịch”.

Nhiều quý vị ở đây đang sống xa nhà, chuyển đến Việt Nam từ khắp bốn phương trời. Tất cả chúng ta chuyển tới đây với vị trí công việc khác nhau tại các tổ chức khác nhau, nhưng giữa chúng ta có một điểm chung, tôi cũng không ngoại lệ, đó là niềm tin mạnh mẽ vào vai trò của các doanh nghiệp Hoa Kỳ trong việc làm nên thay đổi trong sự phát triển của Việt Nam. Từ những thực hành quản lý, công nghệ cho đến tiêu chuẩn dịch vụ và đạo đức kinh doanh, các bạn tạo ra ảnh hưởng đối với cộng đồng theo nhiều cách tích cực. Và tôi đặc biệt đánh giá cao việc nhiều quý vị có chia sẻ rằng các bạn cam kết gắn bó lâu dài với đất nước này. Dù những phẩm chất này hiếm khi trở thành tin nóng trên mặt báo, nhưng chúng khẳng định tầm quan trọng của những công việc mà các bạn làm tại Việt Nam.

Tôi xin đề cập một số “nhân tố chuyển dịch” đáng chú ý khác. Xuất khẩu sang Việt Nam đang trên đà chuyển dịch. Số liệu mà tôi đã nhắc đến về kim ngạch xuất khẩu thịt bò Mỹ đã phản ánh quan hệ thương mại ngày càng mở rộng với Việt Nam. Trong một thập kỷ qua, xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam đã tăng 330%. Cho đến hiện tại, đó là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong 50 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Hoa Kỳ.

Thị trưởng Moenning, chắc hẳn ngài sẽ rất vui khi biết rằng Việt Nam tiếp tục là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản tăng trưởng nhanh nhất của Hoa Kỳ. Trong 20 năm qua, từ chỗ là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 96 của Hoa Kỳ, Việt Nam đã vươn lên tốp 10.

Việt Nam cũng đang chuyển dịch. Trong hai năm qua, thứ hạng của Việt Nam đã tăng 23 bậc và xếp thứ 68 trong số 190 quốc gia theo Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, chứng tỏ rằng những bước đi của các nhà lãnh đạo Việt Nam đang ảnh hưởng tích cực đến môi trường kinh doanh.

Cuối cùng, lãnh đạo hai nước đang chuyển dịch với việc thường xuyên có những chuyến công du xuyên lục địa đến Hà Nội và Washington. Dù tôi đến đây chưa lâu nhưng chúng ta đã có cơ hội tiếp đón Tổng thống Donald Trump, cựu Ngoại trưởng Tillerson, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Lighthizer, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis, chưa kể USS CARL VINSON – tàu sân bay đầu tiên của Hoa Kỳ ghé thăm Việt Nam kể từ chiến tranh kết thúc.

Ngày mai, Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jeffrey Gerrish sẽ tới để tiếp tục các hoạt động trong chương trình thương mại giữa hai nước và tháng sau, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng sẽ tới thăm Hoa Kỳ. Chuyến thăm và làm việc của Phó Thủ tướng sẽ hầu như chỉ tập trung vào các vấn đề thương mại và đầu tư, mang đến cơ hội mới có ý nghĩa then chốt trong giải quyết các rào cản thị trường và có khả năng ký kết các thỏa thuận thương mại. Việc Phó Thủ tướng mời ban lãnh đạo AmCham đến để trao đổi hồi đầu tháng đã cho thấy sự cởi mở của ngài trước những mối quan tâm cũng như ý tưởng của các bạn về việc làm thế nào tối đa hóa hiệu quả của chuyến thăm này.

Bàn về “nhân tố chuyển dịch” đủ rồi, bây giờ chúng ta hãy chuyển sang “nhân tố cải cách”.
“Nhân tố cải cách” chính là những con người trong khán phòng này – những người sẽ không chấp nhận những chính sách và trở ngại nào khiến doanh nghiệp của mình không thể cạnh tranh trong một sân chơi bình đẳng. Trong sáu tháng qua, chúng ta đã cùng nhau giải quyết các vấn đề như Nghị định 116 gây đảo lộn thị trường ô tô tại Việt Nam. Cùng với các doanh nghiệp trong ngành, tôi và đội ngũ của mình đang tiếp tục giải quyết vấn đề này với các quan chức chính phủ Việt Nam. Tuy chưa có được một giải pháp hoàn hảo, nhưng chúng ta đã đạt được một số tiến triển và hoạt động nhập khẩu ô tô đã khôi phục. Chúng ta cũng đã nghiên cứu giải quyết những thách thức trong nhiều lĩnh vực khác như dược phẩm, thiết bị y tế, hệ thống thanh toán điện tử, các yêu cầu về an ninh mạng và tạo thuận lợi thương mại. Các thành viên của Hiệp hội đã lên tiếng về nỗi bất mãn ngày càng lớn vì cảm thấy cả luật và chính sách đều ủng hộ bảo hộ quốc gia, cũng như nỗi thất vọng về vấn đề tăng kiểm tra thuế và hải quan. Danh sách vấn đề có vẻ dài nhưng không phải là không vượt qua được. Cùng nhau, chúng ta có thể cải cách và đảm bảo tiếng nói của các doanh nghiệp không chỉ được lắng nghe mà còn được coi là khuyến nghị sáng suốt.

Cuối cùng, tôi muốn nhắc đến “nhân tố cải cách” thực sự mà sự kiện buổi tối ngày hôm nay hướng đến – những sinh viên Việt Nam được hưởng lợi từ các hoạt động của sự kiện tối nay. Trước hết, theo tôi, thế hệ trẻ Việt Nam xán lạn, cần cù là động lực trong mối quan hệ thương mại song phương. Hiện có hơn 31.600 thanh niên Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ. Họ chi tiêu hơn 800 triệu đô-la cho ngành dịch vụ, đóng góp thêm vào hơn một tỷ đô-la thặng dư thương mại của chúng ta trong lĩnh vực dịch vụ. Và thưa ngài Thị trưởng, hiện có 239 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Nebraska, mang đến sự đa dạng và những ý tưởng mới cho các trường họ theo học. Gần gũi hơn, tháng 12 vừa rồi, tôi rất vui khi được tham gia cùng AmCham trao học bổng cho 20 sinh viên đại học xuất sắc – những người sẽ dẫn dắt thế hệ mình. Tôi đã có cơ hội gặp gỡ những người lọt vào vòng chung kết ngày hôm đó và có thể nói với các bạn rằng lực lượng doanh nhân trẻ của Việt Nam đã sẵn sàng cải cách. Thông qua chương trình này, những sinh viên này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho bản thân, hưởng lợi từ các cơ hội thực tập, tiếp xúc với môi trường tại công ty của các bạn và tham gia các hoạt động của AmCham diễn ra trong suốt cả năm. Tôi chắc chắn rằng các bạn cũng sẽ trao cho những sinh viên này cơ hội để có thể đóng góp cho doanh nghiệp của mình. Cảm ơn các bạn đã tham gia cùng chúng tôi trong buổi tiệc tối nay và giúp tạo ra lứa “nhân tố cải cách” tiếp theo.

Để kết lại bài phát biểu của mình, tôi xin khẳng định Việt Nam là một quốc gia đang trên đà chuyển dịch. Dù bạn là nhân tố chuyển dịch hay nhân tố cải cách, hay thậm chí là cả hai, tất cả chúng ta đều thấy được một điều gì đó hấp dẫn trong hướng đi của Việt Nam và vai trò của mỗi chúng ta – doanh nghiệp và tổ chức của chúng ta – đối với sự phát triển và tiến bộ của Việt Nam. Chúc tất cả các bạn sẽ có một buổi lễ vui vẻ để chúc mừng những thành quả đạt được và tôi hy vọng chút nữa sẽ được thấy một số bước “dịch chuyển” sôi động trên sàn nhảy. Ngoài ra, tôi hy vọng rằng khi hè sắp sang cũng là dịp nhiều bạn sẽ trở về nhà để có thời gian nghỉ ngơi cần thiết, thì sau đó, các bạn sẽ quay trở lại với nguồn năng lượng mới và sẵn sàng thúc đẩy quan hệ thương mại song phương tiến về phía trước.

Xin cảm ơn.