Bài phát biểu của Đại sứ Daniel J. Kritenbrink: “Xây dựng mối quan hệ đối tác Hoa Kỳ – Việt Nam vững mạnh trong một thế giới biến động”

Thứ Tư ngày 24 tháng 10 năm 2018
Học viện Ngoại giao, (DAV), Hà Nội

Kính chào Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Lê Hải Bình, các vị khách quý đến từ học viện, những người bạn Việt Nam và Hoa Kỳ, và cảm ơn các bạn đã mời tôi đến đây hôm nay. Tôi cảm thấy rất tuyệt vời khi được quay trở lại đây!

Dường như khi tôi có vinh dự được nói chuyện với nhiều người trong số các bạn vào tháng Chín mới chỉ là ngày hôm qua.

Đối với những bạn thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương (APCSS), tôi tin những bạn tới Ninh Bình đã có một buổi hội thảo thành công cũng như đã thu thập được các ý tưởng về cách thúc đẩy các lợi ích chiến lược gắn liền với tầm nhìn chung của Hoa Kỳ và Việt Nam.

Bài phát biểu ngày hôm nay của tôi có tiêu đề “Xây dựng quan hệ đối tác Hoa Kỳ – Việt Nam vững mạnh trong một thế giới biến động”. Tôi sẽ tập trung giải thích cách thức mà mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam phù hợp với sự tham gia rộng hơn của Hoa Kỳ vào các vấn đề khu vực.

Tuy nhiên, trước khi bắt đầu, tôi xin được thay mặt cho Phái đoàn Hoa Kỳ tại Việt Nam bày tỏ lòng tiếc thương chân thành trước sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang là một người bạn của mối quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam. Việc ông tiếp đón Tổng thống Donald J. Trump trong chuyến thăm cấp nhà nước lịch sử của Tổng thống tới Hà Nội vào tháng 11 năm 2017 đã đưa mối Quan hệ Đối tác Toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam lên những tầm cao mới.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin tôn vinh những di sản của Tổng Bí thư Đỗ Mười. Ông đã luôn theo sát tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương giữa hai quốc gia, giúp Hoa Kỳ và Việt Nam có quan hệ đối tác và tình hữu nghị sâu sắc như hôm nay. Chúng tôi xin được gửi lời chia buồn tới gia quyến và người thân của họ, cũng như tới người dân Việt Nam.

Tôi cũng được gợi nhớ về sự ra đi của một người bạn tuyệt vời, cố Thượng Nghị sĩ John McCain.

Cuộc đời của chính ông biểu trưng cho phần nhiều lịch sử phát triển của mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam – từ những mâu thuẫn và đau thương cho đến xây dựng lòng tin và hòa giải – và cuối cùng là tình hữu nghị.

Trong giây phút tưởng nhớ những vị lãnh đạo này, tôi nhớ lại điều mà người bạn, người tiền nhiệm, Đại sứ Pete Peterson, từng nói với tôi:

Khi nhìn vào mối quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam, nhiều người gọi bước tiến của chúng ta là một phép màu! Điều này không đúng. Mặc dù chúng ta đã và đang đạt được những thành tựu hết sức đáng kinh ngạc, song mọi chuyện không xảy đến ngẫu nhiên.

Mọi thứ chúng ta đã đạt được đều dựa trên công lao vất vả của những người tiền nhiệm.

Vì vậy, khi nhớ về những tấm gương tiên phong xây dựng mối quan hệ tuyệt vời này, chúng ta cần thể hiện sự trân trọng đối với nền tảng mà những người đi trước đã tạo lập bằng cách cam kết đạt được những cột mốc mới từng được cho là điều không tưởng.

Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam hiện đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trên mọi lĩnh vực, hai quốc gia đang hợp tác cùng nhau hướng tới lợi ích chung – đây chính là định nghĩa về một quan hệ đối tác toàn diện. Khi những người bạn Việt Nam của tôi mô tả đây là mối quan hệ này mang tính chiến lược, tôi chắc chắn đồng ý.

Hai nước chúng ta chia sẻ một lịch sử đặc biệt: sau nhiều năm chiến tranh và khó khăn, cùng nhau chúng ta đã thiết lập một mối quan hệ đối tác toàn diện trên mọi mặt, từ quốc phòng, thương mại, y tế đến quan hệ giao lưu nhân dân. Điều này mang lại lợi ích cho hai nước chúng ta cũng như cho toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trong chuyến thăm cấp quốc gia đến Hà Nội vào tháng 11 năm 2017, Tổng thống Trump đã nói: “Chúng ta đã đạt được một mối quan hệ hữu nghị và đối tác sâu sắc, gắn kết bằng sự tôn trọng lẫn nhau và những trải nghiệm chung”.

Điều này bao gồm sự hiểu biết và tôn trọng đối với hệ thống chính trị của hai nước. Mặc dù chúng ta có những khác biệt trong triết lý chính trị, chúng ta vẫn tiếp tục xây dựng một mối quan hệ có tính xây dựng và tăng cường hợp tác.

Chúng tôi rất quan tâm đến tương lai của Việt Nam.

Sứ mệnh và mục tiêu căn bản của chúng tôi là giúp Hoa Kỳ trở thành đối tác quan trọng thúc đẩy sự phát triển của một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, góp phần đảm bảo an ninh quốc tế; tham gia thương mại tự do, công bằng và có đi có lại; tôn trọng nhân quyền và thượng tôn pháp luật.

Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Chính phủ Việt Nam cũng có chung những mục tiêu như vậy, mặc dù chúng ta đúng là có những khác biệt rất thực tế, và đôi khi rất mạnh mẽ, về cách tốt nhất để đạt những mục tiêu này.

Sự cương trực và tin tưởng cho phép mối quan hệ của chúng ta không ngừng phát triển.

Sự cương trực nghĩa là, khi chúng tôi bất đồng với hành động của Chính phủ Việt Nam, chúng tôi sẽ thể hiện quan điểm của mình với tư cách là một người bạn muốn mối quan hệ với Việt Nam đạt tiềm năng đầy đủ.

Và sự tin tưởng có nghĩa là Việt Nam có thể trông cậy vào Hoa Kỳ. Khả năng của chúng ta đang lớn hơn bao giờ hết.

Cam kết của Hoa Kỳ đối với Việt Nam và khu vực cũng vững chắc hơn bao giờ hết.

Khi chúng tôi nói chúng tôi sẽ làm gì, chúng tôi rất nghiêm túc.

Việc chúng tôi tiếp tục cam kết giải quyết di sản chiến tranh là minh chứng cho điều này.

Khi Ngoại trưởng Mỹ Pompeo tới thăm Việt Nam vào tháng 7 vừa qua, ông nhận định thành công này là một “minh chứng cho lợi ích chung của Hoa Kỳ và Việt Nam, cho sự tôn trọng lẫn nhau, cho quyết tâm dứt khoát gác lại quá khứ và hướng tới tương lai, dù trở ngại có lớn ra sao”.

Hoa Kỳ tiếp tục tin tưởng rằng Châu Á – khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương – là một khu vực rất quan trọng và phần nhiều sẽ định hình an ninh và sự thịnh vượng của Hoa Kỳ trong thế kỷ tới.

Trong bối cảnh đó, quan hệ hợp tác với Việt Nam có vai trò trọng yếu.

Tôi xin phép chia sẻ với các bạn tầm nhìn về cách chúng ta có thể hợp tác với nhau.

Hợp tác về an ninh: Hoa Kỳ dự định thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực, một phần thông qua nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc hợp tác trên nhiều hoạt động an ninh và thực thi pháp luật. Gần đây chúng ta đã vượt qua mốc 100 triệu đô-la trong lĩnh vực hợp tác an ninh song phương. Chúng tôi mong muốn thúc đẩy hợp tác an ninh phù hợp với kế hoạch hành động ba năm mà hai nước chúng ta đã nhất trí thực hiện. Chúng ta sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác về các lợi ích an ninh chung, bao gồm việc duy trì luật pháp quốc tế, chống lại hành vi cưỡng chế ở biển Đông, ngăn chặn Bắc Triều Tiên đe dọa khu vực bằng các chương trình vũ khí hạt nhân trái phép. Chúng tôi đã giúp Việt Nam chuẩn bị cho việc phòng chống thiên tai, cũng như hỗ trợ Việt Nam triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đầu tiên.

Các vấn đề nhân đạo và di sản chiến tranh: Đây là một lĩnh vực trọng yếu bởi lĩnh vực này tạo nền tảng cho quan hệ sâu rộng hơn nữa giữa hai nước. Đây cũng là kết quả của cam kết hòa giải của hai quốc gia dựa trên hai nguyên tắc: thẳng thắn về quá khứ và hướng đến tương lai. Và đến nay, chúng tôi vẫn duy trì cam kết mạnh mẽ trong việc giải quyết các vấn đề di sản chiến tranh. Chúng tôi tự hào về nỗ lực của hai quốc gia trong việc xử lý ô nhiễm đi-ô-xin tại Đà Nẵng, và chúng tôi mong đợi được hỗ trợ khi chúng ta thực hiện nhiệm vụ này tại Biên Hòa. Chúng tôi cũng đang tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam nhằm tìm kiếm những quân nhân Hoa Kỳ mất tích, rà phá vật liệu chưa nổ, cũng như hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam.

Hoạt động thương mại: Thương mại và đầu tư song phương tăng lên qua từng năm. Mặc dù Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Hoa Kỳ, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chịu thâm hụt thương mại đáng kể và đang gia tăng với Việt Nam. Chúng tôi cam kết đạt được đầu tư và thương mại tự do, công bằng, và có đi có lại với Việt Nam bằng cách giảm các rào cản thương mại và đẩy mạnh các cải cách theo định hướng thị trường.

Giao lưu nhân dân: Mối quan hệ giữa nhân dân hai nước đã giúp củng cố mối quan hệ của hai quốc gia ở cấp độ cá nhân và bền vững. Trong năm 2016, hơn 120.000 du khách Việt Nam đến Hoa Kỳ du lịch, và hiện có hơn 27.000 học sinh Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ. Đầu tháng này, chúng ta vui mừng chào đón những tân sinh viên đầu tiên theo học chương trình cử nhân của Đại học Fulbright Việt Nam. Đây chính là một ví dụ đáng chú ý cho những nỗ lực và cam kết từ Chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam.

Nhân quyền và thượng tôn pháp luật: Hoa Kỳ tôn trọng hệ thống Chính phủ Việt Nam, tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng bảo vệ nhân quyền và quyền tự do về tôn giáo. Chúng tôi nêu lên những vấn đề này bởi chúng tôi thấy rằng, những quốc gia thành công nhất đều thúc đẩy và tôn trọng các quyền con người và quyền tự do cơ bản. Tôi biết mối quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có thể đạt đến tiềm năng đầy đủ nếu người lao động và xã hội dân sự Việt Nam có thể thành lập tổ chức một cách ôn hòa, tự do bày tỏ và trao đổi quan điểm trực tiếp hoặc trực tuyến, cũng như tham gia vào quá trình hoạch định chính sách.

Những ưu tiên này, cùng với những nỗ lực trong lĩnh vực y tế công cộng, bảo vệ môi trường, và an ninh năng lượng – chúng tôi mong muốn hỗ trợ Việt Nam đảm bảo tiếp cận các nguồn năng lượng ổn định, đa dạng, mà lại bền vững với môi trường – sẽ là mục tiêu cho mối quan hệ của chúng ta trong nhiều năm tới. Tôi tự tin rằng bằng sự cố gắng, linh hoạt, và tin tưởng lẫn nhau, chúng ta có thể đạt được những mục tiêu này trong thực tế.

Giờ tôi sẽ chuyển sang nội dung hợp tác trong khu vực,

Hoa Kỳ cam kết đối với một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, bao gồm các quốc gia vững mạnh, độc lập, tôn trọng chủ quyền của nhau, ủng hộ thượng tôn pháp luật và thúc đẩy thương mại có trách nhiệm.

Hoa Kỳ cam kết đối với sự thịnh vượng kinh tế của khu vực. Để đạt được tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, chúng ta phải tuân thủ các chuẩn mực toàn cầu – những chuẩn mực cho phép duy trì một sân chơi bình đẳng và khuyến khích thịnh vượng cho tất cả mọi người.

Hàng năm, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Hoa Kỳ và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đạt 1,4 nghìn tỷ đô-la. Trong một thập kỷ qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ vào khu vực đã tăng gấp đôi lên mức gần 940 tỷ đô-la.

Trong khuôn khổ Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Pompeo gần đây đã công bố các dự án mới trị giá 113 triệu đô-la nhằm phát triển hơn nữa kết nối số, cải thiện cơ sở hạ tầng năng lượng chiến lược, và giúp Hoa Kỳ có thể đáp ứng hiệu quả hơn nhu cầu cơ sở hạ tầng trong khu vực. Đây mới chỉ là khởi đầu.

Tuy nhiên, Ngân hàng Phát triển châu Á ước tính rằng các nước đang phát triển trong khu vực sẽ cần 26 tỷ đô-la đầu tư cơ sở hạ tầng mới cho đến năm 2030. Không quốc gia nào có thể đáp ứng được nhu cầu này mà chỉ dựa vào kinh phí trực tiếp từ Chính phủ. Chỉ khu vực tư nhân có những nguồn lực này.

Đó là lý do tại sao Tổng thống Trump ký đạo luật BUILD vào đầu tháng này. Đạo luật sẽ là công cụ và mở rộng sự tiếp cận của Chính phủ Hoa Kỳ đối với hoạt động tài chính phát triển. Đạo luật BUILD sẽ tăng hơn gấp đôi khả năng tài chính phát triển hiện tại lên 60 tỷ đô-la, và cho phép Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ mới thành lập cung cấp thêm các hỗ trợ về đầu tư từ khu vực tư nhân tại các quốc gia đang phát triển.

Ý định của chúng tôi là mang đến những phương án hiệu quả thay thế cho các sáng kiến theo chỉ đạo của Nhà nước gây hạn chế chủ quyền của các quốc gia.

Bên cạnh những mục tiêu về phát triển kinh tế, chúng ta cũng cần giải quyết các mối đe dọa về an ninh mà hai nước đối mặt. Mối quan hệ hợp tác về an ninh của chúng ta tiếp tục mở rộng. Vào tháng 8, Ngoại trưởng Pompeo công bố bổ sung khoản kinh phí 300 triệu đô-la cho hợp tác an ninh trong khu vực.

Cuối cùng, tôi muốn đề cập đến một vấn đề mà nhiều nhà tư tưởng chiến lược trong số các bạn luôn đau đáu suy nghĩ:

Chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc là gì?

Như những gì Phó Tổng thống Mike Pence đã phát biểu vào hồi đầu tháng, chúng ta đã có những hành động quyết liệt để đáp trả Trung Quốc với sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, áp dụng các nguyên tắc công bằng, có đi có lại, và tôn trọng chủ quyền.

Trong “Chiến lược An ninh Quốc gia” mà Tổng thống Trump đã công bố vào tháng 12 năm ngoái, ngài Tổng thống đã miêu tả về một kỷ nguyên mới của “cạnh tranh cường quốc”.

Tuy nhiên, cạnh tranh không có nghĩa là thù địch. Tổng thống Trump cũng đã làm rõ, chúng tôi mong muốn một mối quan hệ mang tính xây dựng với Bắc Kinh, theo đó sự thịnh vượng và an ninh của hai quốc gia sẽ phát triển song hành chứ không tách rời nhau.

Để ứng phó với các hành vi thương mại bất công của Trung Quốc, chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu một mối quan hệ kinh tế tự do, công bằng, và có đi có lại với Trung Quốc. Chúng tôi sẽ cương quyết yêu cầu Bắc Kinh phá bỏ các rào cản thương mại, thực hiện nghĩa vụ thương mại, và mở cửa hoàn toàn nền kinh tế như cách chúng tôi đã mở cửa nền kinh tế của chúng tôi.

Tôi xin nhấn mạnh đây không phải chính sách ngăn chặn. Chúng tôi muốn xây dựng một mối quan hệ hiệu quả, hợp tác, và hướng tới kết quả với Bắc Kinh. Chúng tôi không muốn xung đột. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ có động thái rõ ràng và thẳng thắn trong các lĩnh vực mà hành vi của Trung Quốc trực tiếp thách thức trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, hoặc gây ảnh hưởng đến lợi ích của Hoa Kỳ và các đối tác chung quan điểm với Hoa Kỳ.

Trong chuyến thăm Trung Quốc vào năm ngoái, ngài Tổng thống đã nói: “chúng ta có cơ hội tăng cường mối quan hệ giữa hai quốc gia và cải thiện đời sống của nhân dân”. Đây vẫn luôn là mục tiêu của chúng tôi, tuy nhiên, không ai có thể nghi ngờ quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ những lợi ích quan trọng của đất nước chúng tôi cũng như của các đối tác của chúng tôi.

Để kết thúc bài phát biểu, tôi xin được nhấn mạnh lại một số điểm.

Về mối quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, tôi khá lạc quan về tương lai chung của hai quốc gia, đặc biệt khi xét đến chặng đường mà chúng ta đã đi qua cùng nhau.

Chúng tôi nhận ra rằng, khi có thách thức, điều cốt yếu là hai nước chúng ta cần trực tiếp đương đầu bằng tinh thần cương trực và sự tôn trọng lẫn nhau.

Lịch sử của chúng ta cho thấy những khả năng về hòa bình và phát triển. Trên chặng đường hợp tác tiếp theo với tư cách là đối tác, chúng ta sẽ đạt sự thịnh vượng và thành công rực rỡ cho cả người dân Hoa Kỳ và người dân Việt Nam.

Và cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh lại lời của Ngoại trưởng Pompeo “Nơi Hoa Kỳ đến, chúng tôi tìm kiếm sự hợp tác, không áp đặt sự thống trị”. Đặc biệt qua ASEAN, chúng tôi muốn hợp tác song phương và đa phương với các quốc gia trong khu vực này nhằm đảm bảo một khu vực hòa bình và ổn định, nơi mà các quốc gia tuân thủ một trật tự dựa trên luật lệ, có thể tự do tiếp cận vùng trời và các tuyến đường biển, và các tranh chấp sẽ được giải quyết mà không sử dụng biện pháp cưỡng ép.

Một lần nữa tôi xin khẳng định, chúng tôi rất quan tâm đến tương lai của Việt Nam. Chúng tôi mong muốn được làm việc với tất cả các bạn để đưa quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam lên những tầm cao mới trong những năm tới.

Cảm ơn các bạn đã dành thời gian có mặt tại đây. Tôi mong chờ được nghe chia sẻ của chúng ta trong phần thảo luận.