Thứ Sáu, ngày 10 tháng 5 năm 2019
Khách sạn Sheraton Hà Nội, Hà Nội
Xin kính chào quý vị. Cảm ơn Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ đã hỗ trợ tổ chức sự kiện hôm nay.
Tôi rất vui mừng khi đến tham dự cùng tôi hôm nay còn có [các vị khách quý từ Việt Nam]. Tôi cũng xin gửi lời chào mừng tới [các vị khách quý/các diễn giả quốc tế].
Hôm nay là một thời điểm thích hợp để chúng ta có mặt tại đây với sự hiện diện của đông đảo đại biểu đến từ cộng đồng doanh nghiệp và các quan chức chính phủ để thảo luận về tương lai của mối quan hệ kinh tế và thương mại song phương. Chúng tôi mong chờ được lắng nghe các kiến nghị và khuôn khổ được đề xuất trong Sách trắng của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tăng cường thương mại và đầu tư giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Mối quan hệ này đã chứng kiến những bước phát triển kinh tế vượt bậc trong những năm gần đây và sẽ tiếp tục lớn mạnh trong tương lai.
Sau 25 năm, kim ngạch thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã tăng từ 220 triệu Đô-la ở thời điểm ban đầu lên mức khoảng 60 tỷ Đô-la như hiện nay. Năm 1994, Việt Nam là thị trường nhập khẩu lớn thứ 95 của Hoa Kỳ. Ngày nay, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 12. Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, và Việt Nam cũng là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất của Hoa Kỳ.
Không còn nghi ngờ gì nữa, mối quan hệ thương mại song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Điều này được thúc đẩy thông qua năm chuyến thăm của Tổng thống và Thủ tướng Chính phủ hai nước chỉ trong bốn năm qua. Và chúng tôi mong đợi xu hướng này sẽ được tiếp tục thông qua các chuyến thăm cấp cao khác trong năm nay. Theo kỳ vọng của tôi, những chuyến thăm này sẽ tạo tiền đề cho một số hoạt động tuyệt vời trong năm 2020 nhằm kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ – Việt Nam.
Chúng ta đã đạt những bước tiến tuyệt vời trong năm nay, với các thỏa thuận thương mại có tổng trị giá 21 tỷ Đô-la đã được ký kết dưới sự chứng kiến của Tổng thống Trump và Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tháng hai vừa qua. Nhưng có thể quý vị chưa biết rằng một cột mốc khác đang được ghi dấu ngay lúc này đâu khi chúng ta ngồi trong khán phòng này. Đối tác Việt Nam là Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam đã ký kết hợp đồng mua hai máy bay trực thăng đầu tiên từ Công ty Bell Helicopters phục vụ cho hoạt động du lịch tại Vịnh Hạ Long. Mặc dù trực thăng của Hoa Kỳ đã có mặt tại Việt Nam từ lâu, nhưng xuất hiện bất kỳ giao dịch thương mại nào cho đến hôm nay. Tôi xin chúc mừng Bell và các đối tác về hợp đồng này. Đây chính là tín hiệu hứa hẹn những hợp tác tuyệt vời hơn nữa trong tương lai.
Tất cả những thương vụ này là minh chứng cho sự phát triển của quan hệ song phương tại thời điểm hiện tại: hai quốc gia thúc đẩy thương mại tự do, công bằng và có đi có lại vì lợi ích và sự phát triển chung.
Tôi nghĩ chúng ta đều đồng ý rằng hiện chính là thời điểm thích hợp để chúng ta mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác kinh tế và thương mại, đồng thời nâng tầm đối thoại về quan hệ kinh tế toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Theo đó, những đối thoại này cần mang tính cởi mở và thẳng thắn. Hãy chắc chắn rằng chúng ta đang bước cùng một nhịp trong việc đảm bảo rằng thịnh vượng chung bắt nguồn từ dòng chảy hàng hóa tự do và công bằng giữa hai quốc gia.
Chúng tôi đánh giá rất cao việc Việt Nam ngày càng cởi mở. Chúng tôi hoan nghênh những bước đi của Chính phủ Việt Nam trong việc kiện toàn quy trình hoạch định chính sách. Là đối tác của các bạn, chúng tôi kêu gọi Việt Nam duy trì một môi trường đầu tư và thuế khóa dễ dự đoán không chỉ cho Hoa Kỳ, mà còn cho tất cả các doanh nghiệp nước ngoài.
Chúng tôi mong muốn hợp tác với Việt Nam trong quá trình các bạn theo đuổi các mục tiêu kinh tế số. Chúng tôi và những công ty công nghệ hàng đầu thế giới của chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn khi Việt Nam phát triển các công nghệ mới đầy hứa hẹn như thanh toán điện tử, truyền hình trực tuyến, trí tuệ nhân tạo và thành phố thông minh. Chúng tôi mong muốn đóng góp vào quá trình Việt Nam dự thảo các chính sách mới về bảo vệ dữ liệu cá nhân và duy trì an ninh mạng.
Chúng tôi ở đây cũng các đồng nghiệp tại Washington đang dõi theo những tiến triển tích cực trong một số vấn đề tiếp cận thị trường mà lãnh đạo hai nước đã thảo luận trong tháng Hai, chẳng hạn như Nghị định 116 về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, thương mại nông nghiệp hay thanh toán điện tử.
Và dĩ nhiên, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến tiềm năng lớn của việc các công ty năng lượng Hoa Kỳ như Tập đoàn AES đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Việt Nam. AES đã chứng minh bản thân là một đơn vị đáng tin cậy trong lĩnh vực sản xuất điện – tài nguyên thiết yếu cho sự tăng trường của Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng Dự án cảng nhập LNG Sơn Mỹ và nhà máy điện do AES đề xuất sẽ thành công không kém. Dự án này có thể mang lại lợi ích cho đôi bên bởi Việt Nam thực sự cần thêm điện, còn Hoa Kỳ có khả năng trở thành nhà xuất khẩu nguồn khí tự nhiên hóa lỏng đáng tin cậy với giá thành phải chăng cho Việt Nam.
Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển kinh tế ấn tượng với mức tăng trưởng 7% trong năm vừa rồi và kỳ vọng mức tăng tương đương trong năm 2019. Điều này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, nhưng một yếu tố then chốt chính là những chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam.
Hãy thảo luận một chút về FDI. Năm ngoái, 76% FDI vào Việt Nam đầu tư vào ba lĩnh vực: sản xuất – chế tạo, bất động sản và thương mại bán lẻ. Đây rõ ràng là các lĩnh vực tăng trưởng quan trọng, tuy nhiên tôi cho rằng Việt Nam có thể đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn hiệu quả hơn nếu có thể thu hút lượng FDI tương đương cho một lĩnh vực thứ tư, đó là cơ sở hạ tầng.
Theo báo cáo Viễn cảnh Cơ sở hạ tầng Toàn cầu, Việt Nam sẽ cần hơn 600 tỷ Đô-la để đạt được các mục tiêu cơ sở hạ tầng đề ra vào năm 2040. Không một chính phủ nào sở hữu lượng tiền lớn như vậy. Nếu lệ thuộc vào nguồn chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước, các quốc gia sẽ thiếu vốn khi loại trừ nguồn đầu tư chất lượng cao từ khu vực tư nhân – điều mà nền kinh tế của họ cần nhất.
Để giải quyết khoảng trống này, Chiếc lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Tổng thống Trump hướng đến giải phóng sức mạnh của khu vực tư nhân, khu vực có khả năng tiếp cận nguồn vốn tư nhân trị giá 70 nghìn tỷ Đô-la từ các trung tâm tài chính của thế giới.
Chỉ khi các quốc gia hoan nghênh đầu tư tư nhân vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên như cơ sở hạ tầng, hàng nghìn tỷ Đô-la nói trên mới được huy động vào nền kinh tế của họ. Đồng thời, cơ sở hạ tầng đóng vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ, xây dựng các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và góp phần tạo ra công ăn việc làm và sự thịnh vượng.
Chúng tôi tự hào về những thành tựu to lớn mà các doanh nghiệp tư nhân Hoa Kỳ đã đạt được tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nhờ các doanh nghiệp Hoa Kỳ, công dân trên khắp thế giới đã biết thế nào là minh bạch: hợp đồng trung thực, điều khoản tài chính theo thị trường, lao động tại chỗ và nói không gian lận sổ sách.
Đối với Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, những nỗ lực của chúng tôi đã và đang hướng đến khuyến khích sự phát triển được dẫn dắt bởi khu vực tư nhân và tạo cơ hội cho doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Đồng nghiệp của tôi tại Phòng Kinh tế thuộc Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ đã làm việc với Việt Nam nhằm đơn giản hóa môi trường pháp lý, tháo gỡ rào cản thương mại và đầu tư.
Phòng Nông nghiệp và Phòng Thương vụ giúp các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ gia nhập thị trường Việt Nam và bán các sản phẩm từ Hoa Kỳ.
USAID cung cấp những hỗ trợ phát triển trong lĩnh vực cải cách theo định hướng thị trường và tạo thuận lợi cho thương mại, bao gồm việc thực hiện một chương trình nhằm cải thiện mô hình kinh doanh theo hình thức đối tác công tư tại Việt Nam.
Và Đại sứ quán Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện khung pháp lý thu hút đầu tư tư nhân. Hy vọng khung pháp lý này sẽ được hoàn thiện vào năm 2020.
Tôi dành thời gian tham gia vào các vấn đề thương mại và đầu tư nhiều hơn bất kỳ vấn đề nào khác và tôi dành thời gian gặp gỡ các doanh nghiệp nhiều hơn bất kỳ đối tượng nào khác. Để kết lại phát biểu của mình, tôi xin tái khẳng định cam kết của mình trong việc hỗ trợ các bạn cũng như quan hệ đối tác của chúng ta với Việt Nam. Chính phủ Việt Nam, trong đó có các lãnh đạo hiện diện tại đây hôm nay, đã luôn cởi mở và sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp, và tôi tin tưởng điều này sẽ tiếp tục trong tương lai. Những lo ngại của các bạn là lo ngại của tôi, và tôi rất vui khi được hỗ trợ các bạn cũng như nhận được sự hỗ trợ từ các bạn.
Xin cảm ơn và chúc các bạn có một sự kiện thành công.