Bài phát biểu của ngài Đại sứ Kritenbrink: Khai mạc Hội thảo về Khảo sát Dấu vết Bom đạn chùm

Thứ Ba, ngày 27 tháng 8 năm 2019
Địa điểm tổ chức, Thành phố

Kính chào quý vị! Xin cảm ơn ông Jan-Erik Stoa vì những lời giới thiệu tốt đẹp vừa rồi, cũng như tất cả những công việc mà ông và cộng sự tại Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy đã thực hiện nhằm hiện thực hóa Hội thảo về Khảo sát Dấu vết Bom đạn chùm lần thứ 2 này. Chính phủ Hoa Kỳ hân hạnh được tài trợ sự kiện quan trọng này, và tôi xin gửi lời cảm ơn đến Văn phòng Tháo gỡ và giải trừ quân bị, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã mời tôi phát biểu khai mạc sự kiện này.

Chúng ta vinh dự được đón tiếp đại diện chính phủ các quốc gia Việt Nam, Campuchia và Lào đã đến tham dự chương trình: Ông Hoàng Nam – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị; ông Nguyễn Văn Nghiệp – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động Bom mìn Quốc gia Việt Nam; ông Sophakmonkol Prum – Tổng thư ký Cơ quan Khắc phục và Hỗ trợ nạn nhân bom mìn Camphuchia; và ông Chomyaeng Phengthongsawat – Tổng cục trưởng Cục Quản lý Quốc gia về Lĩnh vực Hành động Bom mìn/Vật nổ CHDCND Lào.

Tôi cũng rất vui khi được đến Quảng Trị – vùng đồng bằng rộng lớn bao quanh bởi núi rừng và biển khơi. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến những người bạn Quảng Trị, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Chính, vì sự tiếp đón nồng hậu cũng như ủng hộ kiên định đối với những nỗ lực chung của chúng ta trong việc giải quyết di sản chiến tranh. Tôi rất mừng khi ông Hoàng Nam – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị và ông Nguyễn Đức Thiện – Giám đốc Trung tâm Hành động Bom mìn tỉnh Quảng Trị đã có mặt ở đây hôm nay để chia sẻ góc nhìn quý báu của họ.

Tôi cảm thấy đặc biệt hân hạnh khi những nhiệm vụ trên cương vị Đại sứ Hoa Kỳ đã cho tôi cơ hội gặp quý vị – những cán bộ làm việc cho chính phủ cũng như nhiều tổ chức phi chính phủ hiện diện tại đây hôm nay, đang đảm nhận những công việc hết sức quan trọng giúp trực tiếp cứu sống mạng người.

Công việc của các bạn rất vất vả. Các bạn phải làm việc nhiều giờ trong điều kiện khó khăn, bao quát hàng kilo-mét mặt đất một cách tỉ mỉ. Nhưng đó cũng là công việc rất đỗi quan trọng. Nhờ các bạn, những người nông dân có thể thu hoạch sắn trên cánh đồng nhà mình mà không phải lo sợ. Nhờ các bạn, những người mẹ có thể cho con ra ngoài chơi mà không phải lo lắng các con sẽ gặp phải vật gì nguy hiểm trong rừng. Nhờ rất nhiều người trong số các bạn đang ngồi trong khán phòng này, không có một trường hợp nam giới, nữ giới hay trẻ em nào trở thành nạn nhân của tai nạn bom mìn, vật nổ trong hai năm qua tại tỉnh Quảng Trị. Hy vọng một ngày nào đó, chúng ta có thể đạt được kết quả này trên toàn khu vực.

Chúng tôi không cần thêm những thứ gợi nhắc chúng ta về thảm kịch chiến tranh. Khu vực này đã chứng kiến những cuộc giao tranh dữ dội nhất trong thế kỷ qua. Chiều nay, tôi sẽ đến thăm một cây cầu cách đây 20km nối liền hai miền đất nước bị chia cắt bởi khu phi quân sự trước đây. Tôi nhận thức sâu sắc rằng rất nhiều cây cầu đã được xây dựng giữa Hoa Kỳ và các quốc gia trong khu vực này sau nhiều năm chiến tranh gian khổ. Trong số đó, cây cầu đầu tiên và có ý nghĩa quan trọng nhất chính là nỗ lực chung của chúng ta trong việc giải quyết di sản chiến tranh, bao gồm hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ và tìm kiếm hài cốt quân nhân mất tích trong chiến tranh.

Kể từ khi bắt đầu triển khai nỗ lực này, chúng ta quả thực đã đạt được những thành tựu ấn tượng! Vô số sinh mạng đã được cứu nhờ hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ. Hàng triệu mét vuông đất đai hiện đã có thể được sử dụng cho nông nghiệp và phát triển. Chúng ta đã tìm thấy hài cốt của hàng ngàn người con yêu nước cao quý, dù đứng bên nào của cuộc chiến, đã hi sinh vì Tổ quốc.

Đặc biệt tại tỉnh Quảng Trị, các bạn đã và đang đi đầu trong hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam và trên toàn cầu. Những nỗ lực tổng hợp của các bạn đã giúp xây dựng Khảo sát Dấu vết Bom đạn chùm. Một công trình khảo sát có độ chính xác cao sẽ giúp lập kế hoạch tốt hơn cho hoạt động rà phá và cho phép đầu tư nguồn lực cho những khu vực có nhu cầu lớn nhất. Các lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã luôn đặt ra tầm nhìn về tinh thần minh bạch và hợp tác. Mô hình phối kết hợp giữa chính quyền trung ương, chính quyền địa phương với các tổ chức quốc tế và đơn vị quân đội đã tạo ra chuẩn mực cho nhiều quốc gia khác noi theo, và tôi rất vui khi các đại biểu sẽ có cơ hội thảo luận về vấn đề này tại Hội thảo.

Sự phối kết hợp quan trọng này giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong việc giải quyết di sản chiến tranh cho thấy quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam hiện đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chúng ta đã cùng nhau xây dựng Quan hệ đối tác toàn diện trên mọi mặt, từ quốc phòng, thương mại, y tế đến quan hệ giữa nhân dân hai nước.

Tôi nhớ lại điều mà người bạn, người tiền nhiệm, Đại sứ Pete Peterson từng nói với tôi:

Khi nhìn vào mối quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam, nhiều người gọi bước tiến của chúng ta là một phép màu! Điều này không đúng. Mặc dù chúng ta đã và đang đạt được những thành tựu hết sức đáng kinh ngạc, song mọi chuyện không xảy đến ngẫu nhiên.

Mọi thứ chúng ta đã đạt được đều dựa trên công lao của những người đi trước. Đó là kết quả của hàng thập kỷ đầu tư nỗ lực từ cả hai quốc gia. Tất cả công việc các bạn thực hiện là một phần trong nỗ lực đó.

Mỗi ngày trôi qua, hai quốc gia đều làm việc cùng nhau để hướng đến cùng một mục đích, vì lợi ích chung của hai quốc gia – đây chính là định nghĩa về quan hệ đối tác toàn diện.

Sứ mệnh và mục tiêu căn bản của chúng tôi là giúp Hoa Kỳ trở thành đối tác quan trọng thúc đẩy sự phát triển của một Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng và độc lập, góp phần đảm bảo an ninh quốc tế; tham gia thương mại tự do, công bằng và có đi có lại; tôn trọng nhân quyền và thượng tôn pháp luật.

Tôi biết rằng chính phủ Việt Nam cũng hướng đến những mục tiêu này. Bất chấp những khác biệt trong quan điểm và đôi khi là tranh luận về việc làm thế nào để đạt được các mục tiêu chung một cách tốt nhất, sự thẳng thắn và tin tưởng giữa chúng ta giúp quan hệ song phương không hề suy giảm mà vẫn tiến về phía trước.

Tin tưởng có nghĩa rằng Hoa Kỳ là đối tác mà Việt Nam có thể dựa vào. Nghĩa là khi chúng tôi nói chúng tôi sẽ làm gì, chúng tôi nói thực lòng và sẽ thực hiện. Việc chúng tôi tiếp tục cam kết giải quyết di sản chiến tranh là minh chứng cho điều này.

Đây là một lĩnh vực trọng yếu bởi nó tạo nền tảng cho quan hệ sâu rộng hơn nữa giữa hai nước. Đó là kết quả của cam kết hòa giải từ hai phía dựa trên hai nguyên tắc: thẳng thắn về quá khứ và hướng đến tương lai. Và đến nay, chúng tôi vẫn duy trì cam kết mạnh mẽ trong việc giải quyết các vấn đề di sản chiến tranh. Bên cạnh hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ mà quý vị đã biết, chúng tôi gần đây đã hoàn thành công tác xử lý ô nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng. Chúng tôi hy vọng được tiếp tục hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam trong công tác xử lý ô nhiễm dioxin tại Sân bay Biên Hòa.

Chúng tôi cũng đánh gia cao những hỗ trợ không ngừng từ các cán bộ cũng như nhân dân tỉnh Quảng Trị trong việc tìm kiếm, quy tập và hồi hương hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh. Vừa mới tuần trước, các chuyên viên của Việt Nam và Hoa Kỳ đã điều tra một số trường hợp chưa giải quyết được trên địa bàn tỉnh.

Công việc này có ý nghĩa quan trọng bởi nó tác động đến cuộc sống của nhiều người. Mối quan hệ giữa nhân dân hai nước góp phần củng cố mối quan hệ giữa hai quốc gia trên cơ sở cá nhân và bền vững.

Nhân dân Hoa Kỳ quan tâm đến thành công của Việt Nam. Tương tự như vậy, chúng tôi cũng quan tâm đến thành công của nhân dân Campuchia và Lào.

Hoa Kỳ cam kết hướng đến một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở được tạo nên bởi các quốc gia mạnh mẽ và độc lập.

Hoa Kỳ cam kết hướng đến sự phát triển kinh tế của khu vực. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, chúng ta phải tuân thủ các chuẩn mực toàn cầu – những chuẩn mực cho phép duy trì một sân chơi công bằng và khuyến khích thịnh vượng cho tất cả các bên.

Hàng năm, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Hoa Kỳ và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đạt 1,8 nghìn tỷ Đô-la. Đồng thời, trong thập kỷ vừa qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ vào khu vực đã tăng gấp đôi lên mức gần 940 tỷ Đô-la.

Trong khuôn khổ Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Pompeo gần đây đã công bố ngân sách tài trợ cho các dự án mới nhằm phát triển hơn nữa kết nối số, cải thiện cơ sở hạ tầng năng lượng chiến lược và giúp Hoa Kỳ có thể đáp ứng hiệu quả hơn nhu cầu cơ sở hạ tầng trong khu vực. Đây mới chỉ là khởi đầu.

Chúng tôi hiểu rằng một trong những lĩnh vực đầu tư cho tương lai của khu vực là đầu tư giải quyết các di sản mà quá khứ để lại. Đó là lý do vì sao chúng tôi đã cam kết một khoản tài trợ đáng kể cho hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ tại Việt Nam, Campuchia và Lào.

Thành công của các bạn là thành công của chúng tôi, và cam kết của chúng tôi đối với hoạt động của các bạn là cam kết lâu dài.

Tôi khá lạc quan vào tương lai giữa chúng ta – đặc biệt khi xét đến chặng đường mà chúng ta đã đi qua cùng nhau. Lịch sử quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam và giữa Hoa Kỳ với khu vực này mở ra triển vọng về hòa bình và tiến bộ trên toàn thế giới.

Tiến đến tương lai trong vai trò đối tác, chúng ta sẽ đạt được thịnh vượng và thành công tuyệt vời cho nhân dân nước mình.

Trước khi kết thúc bài phát biểu của mình, tôi muốn nhân cơ hội này ghi nhận một trong những cá nhân đã góp công lớn vào những tiến bộ mà tôi đã đề cập ở trên. Ông Phil Bean, mời ông lên sân khấu!

Ông Phil là người có công xây dựng phương pháp Khảo sát Dấu vết Bom đạn chùm mà chúng ta sẽ thảo luận trong Hội thảo này. Ông đã giúp biến nó trở thành một mô hình thực hành tốt nhất trong cộng đồng điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn, vật nổ.

Như nhiều người trong số quý vị đã biết, Phil sắp nghỉ hưu từ vị trí công việc toàn thời gian hiện tại sau nhiều năm công tác trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn nhân đạo. Gần đây nhất, ông đảm nhận vị trí Cố vấn Chương trình Bom mìn, vật nổ cho Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Viêng Chăn và đã hoàn thành xuất sắc công việc của mình. Tổng cộng, Phil đã công tác trong ngành hơn 25 năm, và công việc của ông đã giúp xây dựng các cộng đồng an toàn hơn tại Đông Nam Á cũng như trên toàn thế giới.

Để đánh dấu chuỗi năm tháng cống hiến của ông cho cộng đồng tiêu hủy vũ khí phổ thông trên toàn cầu, cũng như giúp giám sát hoạt động hỗ trợ của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này, tôi rất hân hạnh được trao ông bằng khen từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Đây là bằng khen từ Trợ lý Ngoại trưởng Clarke Cooper phụ trách các vấn đề quân chính, trên đó có ghi: “ghi nhận những đóng góp to lớn và bền bỉ của ông trong công tác phòng, chống mối đe dọa do bom mìn, vật nổ gây ra tại Lào và trên khắp Đông Nam Á. Những cống hiến của ông trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn nhân đạo đã cứu vô số sinh mạng, thúc đẩy thịnh vượng và ổn định tại những nơi cần điều đó nhất, đồng thời xúc tiến các ưu tiên lớn của Hoa Kỳ trong việc tiêu hủy vũ khí phổ thông.”

Cảm ơn Phil. Và cảm ơn tất cả các bạn – những người đang cống hiến vì một khu vực an toàn hơn, thịnh vượng hơn cho nhân dân Đông Nam Á.

Vẫn còn nhiều công việc ở phía trước, song những nỗ lực phối kết hợp như thế này sẽ giúp chúng ta hoàn thành mục tiêu một cách hiệu quả hơn.

Trong quá trình diễn ra Hội thảo này, tôi khuyến khích các đại biểu chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với nhau và học hỏi từ những đồng nghiệp khác.

Các bạn đang phải đối mặt với những thách thức khó nhất trên thế giới. Nhưng tôi tin tưởng rằng với tài năng, sự nhiệt huyết và năng lực chuyên môn mà chúng ta đã quy tụ được trong khán phòng này sẽ giúp chúng ta giải quyết những thách thức đó.