Bài phát biểu của ngài Đại sứ Kritenbrink: Lễ khởi động Chiến dịch “Không phát hiện bằng Không lây truyền”

Thứ Bảy, ngày 11 tháng 5 năm 2019
Công viên Thống Nhất, Hà Nội

Kính thưa TS. Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS; TS. Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội; TS. Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội; các lãnh đạo chính phủ, đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu và các bạn sinh viên; đại gia đình Liên Hợp Quốc; các tổ chức cộng đồng, bao gồm Mạng lưới người sống với HIV Việt Nam; đại diện các đơn vị cung cấp dịch vụ về HIV; và các vị khách quý.

Xin chào tất cả các Quý vị!

Tôi rất hân hạnh được tham gia sự kiện phát động Chiến dịch “Không phát hiện bằng Không lây truyền” (K=K) tại Hà Nội. Trong tiếng Anh, khái niệm này gọi là “U bằng U”, tức “Undetectable bằng Untransmittable”. Các kết quả nghiên cứu về K=K cho thấy khi người sống với HIV được điều trị hiệu quả và đạt tải lượng vi-rút dưới ngưỡng phát hiện – nghĩa là lượng vi-rút HIV trong cơ thể thấp đến mức không thể phát hiện được, rủi ro lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình sẽ bằng không. Đến nay, hơn 858 tổ chức thuộc 97 quốc gia đã chứng thực và ủng hộ những phát hiện này tại quốc gia và cộng đồng của mình.

Tại sao K=K lại quan trọng?

Từ góc độ khoa học, những phát hiện nghiên cứu đáng kinh ngạc này về K=K đã kiểm chứng điều mà các chuyên viên lâm sàng và những người sống với HIV đã chứng kiến và trải nghiệm một cách rõ ràng và chắc chắn.

Từ góc độ cộng đồng, K=K nghĩa là những kỳ thị liên quan đến HIV cần được loại bỏ, cũng như các rào cản tiếp cận thông tin về tình trạng nhiễm HIV của bản thân đối với các nhóm dân số chính và nhóm dân số có nguy cơ.

Từ góc độ chương trình, K=K nghĩa là chúng ta cần khuyến khích mọi cá nhân có nguy cơ đi xét nghiệm HIV nhằm điều trị sớm bằng thuốc kháng vi-rút nếu dương tính, và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm hay còn gọi là PrEP nhằm dự phòng nếu âm tính. Bằng cách này, chúng ta có thể ngăn chặn lây truyền HIV.

Từ góc độ cá nhân, K=K là kết luận mang tính đột phá. Một khi được điều trị hiệu quả, người sống với HIV không cần lo sợ sẽ lây truyền HIV cho bạn tình, một trong những nguyên do chính gây ra sự kỳ thị. Giờ đây, họ có thể sống một cuộc sống khỏe mạnh, trọn vẹn và hạnh phúc khi gánh nặng này được trút bỏ. Những người âm tính với HIV không còn phải lo ngại lây truyền HIV từ bạn tình là người dương tính với HIV nếu họ có tải lượng vi-rút dưới ngưỡng phát hiện. Không còn nghi ngờ gì nữa, điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm HIV thành công là phương thức hiệu quả nhất để ngăn chặn lây truyền HIV. Việt Nam là nước đi đầu thế giới về K=K kể từ khi các bạn sớm áp dụng những phát hiện nghiên cứu này vào hệ thống chính sách và chương trình của mình. Chúng ta hoàn toàn có thể nói rằng K=K là một thông điệp mạnh mẽ gửi đến cộng đồng HIV tại Việt nam.

Hôm nay, Sở Y tế Hà Nội và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã thể hiện cam kết kiểm soát dịch HIV/AID qua cùng triển khai một chiến dịch nhằm đảm bảo K=K trở thành nền tảng cho mọi nỗ lực chung của chúng ta. Đây thực sự là một sự hợp tác thành công giữa Chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, ngành y tế và cộng đồng HIV quốc tế.

Thay mặt Chương trình Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR), Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ và tất cả những cơ quan và đối tác Hoa Kỳ có mặt ở đây hôm nay, tôi đánh giá cao sự chỉ đạo, hợp tác và lòng nhân ái của thành phố Hà Nội trong việc triển khai Chiến dịch K=K. Cảm ơn mọi nỗ lực của các bạn.