Flag

An official website of the United States government

Báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế năm 2009
23 Phút để đọc

26/10/2009

Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ

LỜI TỰA

Vì sao các báo cáo được soạn thảo

Báo cáo này được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đệ trình lên Quốc hội, theo quy định tại mục 102(b) của Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA) ban hành năm 1998. Theo quy định của luật này, Ngoại trưởng Mỹ, với sự hỗ trợ của Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế, sẽ trình lên Quốc hội “Báo cáo Thường niên về Tự do Tôn giáo Quốc tế, bổ sung các báo cáo mới nhất về Nhân quyền với những thông tin chi tiết về các vấn đề liên quan tới tự do tôn giáo quốc tế”.

Báo cáo được soạn thảo như thế nào

Để chuẩn bị các dự thảo báo cáo ban đầu, các đại sứ quán Mỹ thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm thông tin từ các quan chức chính phủ và các chức sắc tôn giáo, các tổ chức phi chính phủ, các nhà báo, các nhà hoạt động nhân quyền, các nhóm tôn giáo và giới học thuật. Quá trình thu thập thông tin có thể rất mạo hiểm. Cán bộ ngoại giao Hoa Kỳ thường phải nỗ lực hết mình, đôi khi ở trong những hoàn cảnh rất nguy hiểm để tiến hành điều tra báo cáo về vi phạm nhân quyền, giám sát các cuộc bầu cử, và hỗ trợ những người gặp nguy hiểm vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế phối hợp thu thập và phân tích thông tin để báo cáo về tình hình từng nước, dựa trên nguồn tin của các văn phòng khác trong Bộ Ngoại giao, các tổ chức tôn giáo, các tổ chức phi chính phủ khác, nguồn tin từ các quan chức chính phủ nước ngoài, đại diện Liên Hợp Quốc, các tổ chức và các thể chế quốc tế và khu vực khác cùng với giới học giả và truyền thông. Khi soạn thảo và biên tập báo cáo về tình hình các nước, Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế cũng tham khảo ý kiến của các chuyên gia về các vấn đề phân biệt và ngược đãi tôn giáo, tham khảo các chức sắc tôn giáo thuộc nhiều tôn giáo khác nhau và các chuyên gia về luật pháp. Nguyên tắc chỉ đạo của Văn phòng là đảm bảo mọi thông tin liên quan được đánh giá một cách khách quan, toàn diện và công bằng nhất có thể.

Bản báo cáo sẽ được các bộ, ngành, cơ quan trong Chính phủ Mỹ sử dụng để xây dựng chính sách, triển khai công tác ngoại giao, hỗ trợ, đào tạo và phân bổ các nguồn lực khác, đồng thời giúp xác định những nước vi phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc dung túng “các vụ vi phạm đặc biệt nghiêm trọng” về quyền tự do tôn giáo, để đưa những nước này vào danh sách cần quan tâm đặc biệt.

Về việc sử dụng từ ngữ

Khi báo cáo này khẳng định một chính phủ “nhìn chung là tôn trọng” quyền tự do tôn giáo trong giai đoạn báo cáo tường trình, có nghĩa là chính phủ đó đã cố gắng bảo vệ quyền tự do tôn giáo một cách đầy đủ nhất. Do vậy, cụm từ “nhìn chung là tôn trọng” thể hiện mức tôn trọng cao nhất đối với quyền tự do tôn giáo nêu tại báo cáo này. Cụm từ “nhìn chung là tôn trọng” được sử dụng vì việc bảo vệ và thúc đẩy quyền tự do tôn giáo là một nỗ lực liên tục, không thể nói một cách chính xác chính phủ nào tôn trọng đầy đủ quyền này trong cả năm thực hiện báo cáo, ngay cả trong những hoàn cảnh tốt nhất.

Lời cảm ơn

Báo cáo năm 2009 được thực hiện từ 1/7/2008 đến 30/6/2009, phản ánh một năm đầy nỗ lực của hàng trăm cán bộ và nhân viên ngoại giao tại Bộ Ngoại giao và các sứ quán Hoa Kỳ ở nước ngoài. Chúng tôi xin cảm ơn các viên chức ngoại giao tại các sứ quán và lãnh sự quán của Hoa Kỳ ở nước ngoài vì đã giám sát và thúc đẩy quyền tự do tôn giáo, và theo dõi chi tiết tình hình tự do tôn giáo. Bên cạnh nỗ lực của họ, chúng tôi ghi nhận sự lao động miệt mài và đấu tranh không mệt mỏi cho quyền tự do tôn giáo của các nhân viên Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế, những người đã giúp hoàn thành bản báo cáo này, trong đó có Clarissa Adamson, Ali Aghaebrahim, Sylvia Ayub, Nasreen Badat, Judson Birdsall, M. A. Borst, Alexandra Brewer, Mark Carlson, Barbara Cates, Warren Cofsky, Courtney Cook, Graham Couturier, Kate Dailey, Doug Dearborn, Kurt Donnelly, Brian Fabbi, Augustine Fahey, Nathan Godsey, A. T. Gombis, Nancy Hewett, Olivia Hilton, Nathan Hitchen, Victor Huser, Alicia Juskewycz, Emilie Kao, Justin Kern, Sarah Kim, Peter Kovach, Gwendolyn Mack, Safia Mohamoud, Fidel Mahangel, Alexander McLaren, Joannella Morales, Sarah Nelson, Aaron Pina, David Rodearmel, Lana Salih, Tarika Sethi, Andrea Sidari, Lauren Smith, và Abdelnour Zaiback. Việc làm của tất cả những cá nhân này thúc đẩy sự nghiệp tự do, đảm bảo tính chính xác trong báo cáo và mang lại hy vọng cho những người bị đàn áp trên toàn thế giới.

 

BÁO CÁO TỰ DO TÔN GIÁO QUỐC TẾ 2009

26/10/2009

Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ

GIỚI THIỆU

Tự do Tôn giáo là điều cốt yếu để mọi dân tộc chung sống với nhau
–Tổng thống Barack Obama

Trong bài phát biểu quan trọng tại Đại học Cairo, Ai Cập, Tổng thống Obama đã đưa ra tầm nhìn về “một sự khởi đầu mới” giữa nước Mỹ và người Hồi giáo trên khắp thế giới – một mối quan hệ dựa trên lợi ích chung và tôn trọng lẫn nhau. Tổng thống khẳng định, việc xây dựng một mối quan hệ chặt chẽ hơn đòi hỏi “nỗ lực bền bỉ, cùng lắng nghe, học hỏi và tôn trọng lẫn nhau và tìm kiếm điểm tương đồng”. Mối quan hệ mới này buộc chúng ta phải “thẳng thắn đối mặt với những bất đồng, căng thẳng” thay vì né tránh chúng và hợp tác cùng nhau giải quyết những vấn đề đó trên tư cách lànhững đối tác.

Bộ Ngoại giao soạn thảo Báo cáo Thường niên về Tự do Tôn giáo Quốc tế theo tinh thần đối thoại và hợp tác này. Tôn giáo là một hiện tượng toàn cầu; mọi quốc gia đều phải đối mặt với những thách thức và cơ hội do đa dạng tôn giáo đem lại và không một quốc gia nào đạt được thành tích hoàn hảo về tự do tôn giáo. Người Mỹ có quyền tự hào về di sản tự do tôn giáo của chúng ta; vô số người tị nạn vì lý do tôn giáo đã tìm cách thoát khỏi tình trạng bị ngược đãi trên chính quê hương họ và tìm nơi trú ẩn ở đất nước chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không khỏi đau lòng vì trong quá khứ, chính chúng ta cũng ngược đãi các nhóm thiểu số. Xã hội Mỹ từ lâu đã đấu tranh để thích ứng với sự đa dạng tôn giáo, đặc biệt sau những vụ hành quyết công khai những người theo giáo phái Quây-cơ giữa thế kỷ 17 ở Vịnh Massachusetts đến việc trục xuất những người theo giáo phái Moóc-môn khỏi Missouri những năm 1838-39, và tình trạng phân biệt đối xử đối với nhiều người Hồi giáo sau sự kiện 11/9. Tuy nhiên, chúng ta cũng học được bài học kinh nghiệm rằng việc chính quyền chấp nhận sự đa nguyên và xã hội cũng đi theo hướng đó đã giúp đất nước, dân tộc ta trở nên phồn thịnh. Thông qua Báo cáo Thường niên này và các nỗ lực ngoại giao khác, chúng ta kêu gọi tất cả các quốc gia hãy bảo vệ tự do tôn giáo và thúc đẩy khoan dung tôn giáo đối với tất cả các nhóm và cá nhân. Như Tổng thống Obama đã phát biểu ở Cairo:

“Người dân ở mọi quốc gia phải được tự do lựa chọn và sống với đức tin của mình theo tiếng gọi của trái tim, linh hồn và lý trí. Khoan dung tôn giáo là điều cực kỳ cần thiết để tôn giáo phát triển, tuy nhiên chính sự khoan dung đó đang bị thách thức trên nhiều phương diện”.

Báo cáo Thường niên này điều tra “những phương diện khác nhau” đó tại 198 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với việc đề cập cả những tiến bộ lẫn những tiêu cực về thực trạng của việc tôn trọng tự do tôn giáo của các chính phủ và xã hội, mục tiêu của Báo cáo Thường niên là phản ánh tình hình một cách toàn diện, cân bằng, có xét đến sự đa dạng và động lực của truyền thống tôn giáo thế giới và bối cảnh chính trị-xã hội. Mặc dù các cộng đồng tôn giáo trên toàn thế giới đối mặt với những điều kiện khác nhau, nhưng về nguyên tắc và thực tiễn, cơ sở để bảo vệ quyền tự do của các cộng đồng tôn giáo đều giống nhau: tự do tôn giáo là quyền cơ bản, là lợi ích xã hội, là nhân tố ổn định và là chìa khóa của an ninh quốc tế. Các bài phát biểu của Tổng thống trong năm qua đều đề cập đến những vấn đề xung quanh bốn lý do này.

Thứ nhất, tự do tôn giáo là quyền của tất cả mọi người ngay từ khi mới sinh ra, dù theo hay không theo tôn giáo nào. Được ghi nhận trong Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu và các văn kiện quốc tế khác, quyền tự do theo đạo, hành đạo và truyền đạo của mỗi người phải được mọi xã hội, mọi chính phủ tôn trọng. Hoa Kỳ thực hiện nghĩa vụ này hết sức nghiêm túc. Trong thông điệp gửi người Hồi giáo nhân Lễ Ramadan, Tổng thống Obama đã phát biểu: “Hoa Kỳ sẽ luôn ủng hộ quyền phổ quát của người dân được công khai tín ngưỡng của mình, được hành đạo, đóng góp đầy đủ cho xã hội và có niềm tin vào pháp quyền”.

Thứ hai, tự do tôn giáo tăng cường quyền năng cho các cộng đồng tôn giáo nhằm thúc đẩy những lợi ích chung. Tương tự, tự do có xu hướng biến đức tin và sự sùng đạo thành những hành động phục vụ và tham gia tích cực vào đời sống công cộng. Ở Mỹ, rất nhiều nhóm tôn giáo, từ những giáo đoàn lớn nhất cho tới những giáo đoàn địa phương nhỏ nhất, tất cả đều biến đức tin của họ thành hành động thực tế và giúp xây dựng một xã hội công bằng hơn, bao dung hơn. Khi thông báo về việc thành lập Văn phòng Nhà Trắng phụ trách các mối quan hệ đối tác khu vực và dựa trên tôn giáo, Tổng thống Obama khẳng định: “Có một động lực hướng tới những điều tốt đẹp còn lớn hơn cả chính phủ. Đó là biểu hiện của đức tin, mong muốn được cống hiến, khao khát hướng tới mục tiêu lớn hơn những mục tiêu của bản thân chúng ta. Đức tin đó không chỉ hiện diện ở những nơi hành đạo mà còn ở các trại và trung tâm trợ giúp, các trường học và các bệnh viện”.

Thứ ba, tự do tôn giáo không chỉ là quyền của con người và lợi ích xã hội mà còn là động lực quyết định sự ổn định của quốc gia. Các chế độ độc tài đàn áp các nhóm tôn giáo và các lý tưởng tôn giáo với lý do duy trì sự ổn định quốc gia tạo ra những điều kiện đi ngược lại với những mục tiêu mà họ đưa ra. Đàn áp dẫn tới sự quá khích. Can thiệp tuỳ tiện và mang tính cưỡng ép đối với hoạt động hành đạo hòa bình càng tạo nên tâm lý hận thù chống lại nhà nước và là nguồn gốc dẫn tới ly khai và nổi dậy. Ngược lại, như Tổng thống phát biểu trước Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ: “tự do tôn giáo và tự do bày tỏ giúp xây dựng một xã hội dân sự mạnh và bền vững, góp phần củng cố nhà nước… Cam kết lâu dài đối với pháp quyền là con đường duy nhất để có được an ninh vì đảm bảo công lý cho tất cả mọi người”.

Thứ tư, khi các nhóm khủng bố reo rắc hận thù trên khắp thế giới, tự do tôn giáo có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh quốc tế. Như Tổng thống đã phát biểu ở Cairo “khi những phần tử cực đoan hoạt động trên các sườn núi, thì tất cả người dân bên bờ đại dương đều bị lâm nguy”. Các chính phủ phải đảm bảo rằng các chính sách tôn giáo của họ không có những hệ lụy quốc tế tiêu cực. Chế độ nào lũng đoạn tôn giáo hoặc đẩy các nhóm thiểu số ra ngoài lề chỉ càng làm gia tăng căng thẳng giữa các tôn giáo và thổi bùng ngọn lửa tư tưởng tôn giáo cấp tiến. Mặt khác, việc tạo môi trường thuận lợi cho quyền tự do tôn giáo phát triển sẽ thúc đẩy sự hòa thuận cộng đồng và khuyến khích những quan điểm ôn hòa nhằm công khai bác lại lý lẽ của những kẻ cực đoan vì lý do tôn giáo.

Dưới góc độ lợi ích tự do tôn giáo và những nguy hiểm nếu phủ nhận quyền tự do đó, Hoa Kỳ thúc đẩy quyền phổ quát này với tư cách một mục tiêu chủ chốt trong chính sách đối ngoại. Báo cáo Thường niên này đi tiên phong trong nỗ lực thực hiện mục tiêu này. Báo cáo thông tin về các chính sách song phương và các chiến lược ngoại giao của chúng ta, nêu rõ những chính phủ vi phạm tự do tôn giáo, và mang lại hy vọng cho hàng triệu người bị tổn hại vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng. Báo cáo cũng là nguồn tài liệu phong phú, chi tiết về vấn đề tôn giáo trong xã hội. Chúng tôi đánh giá cao đóng góp của các nhà hoạt động xã hội và các học giả cho các báo cáo của chúng ta và làm phong phú thêm hiểu biết về những nguyên nhân phức tạp và tác động của vấn đề tự do tôn giáo và ngược đãi tôn giáo. Chúng tôi hoan nghênh sử dụng các báo cáo này nhằm phục vụ việc nghiên cứu, phân tích sâu hơn nữa, đồng thời tiếp nhận phê bình về chính sách tự do tôn giáo trong nước và quốc tế của Mỹ. Chúng tôi hy vọng rằng Báo cáo Thường niên này sẽ khích lệ đối thoại toàn cầu và khuyến khích hoạt động hợp tác hướng tới một thế giới công bằng và an toàn hơn.

Michael Posner
Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Dân chủ, Nhân quyền và Lao động