Tờ thông tin: Hợp tác Giáo dục Hoa Kỳ-Việt Nam

Tờ thông tin

Nhà Trắng
Văn phòng Thư ký Báo chí

Dành cho đăng tải ngay
25/5/2016

Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam nhằm xây dựng hệ thống giáo dục đại học của thế kỷ 21 với mục tiêu đào tạo các sinh viên tốt nghiệp sẵn sàng làm việc với những kỹ năng cần thiết để có thể cạnh tranh trên thị trường ngày có tính chất toàn cầu nhiều hơn. Hợp tác về giáo dục giữa hai nước đã có từ trước khi tái thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, đã tăng lên hàng năm, và ngày càng chứng kiến nhiều các quan hệ hợp tác đổi mới sáng tạo với các trường đại học và các doanh nghiệp. Thông qua hỗ trợ của Hoa Kỳ, nỗ lực chung của chúng ta đã có tác động tới 30.000 sinh viên đại học trên cơ sở hỗ trợ chương trình giảng dạy, đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cấp trong các lĩnh vực đào tạo kỹ thuật và công tác xã hội. Chúng ta đã mở rộng phạm vi hỗ trợ tới các lĩnh vực đào tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán và y học. Trên cơ sở phát huy những chuyên môn và nguồn vốn từ khu vực tư nhân, các chương trình trong lĩnh vực giáo dục đại học của chúng ta đã có những tác động sâu rộng và đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế đang thay đổi nhanh chóng tại Việt Nam.

Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) sẽ là một mốc son trong hợp tác giáo dục Hoa Kỳ-Việt Nam. Với khoản đầu tư trên 20 triệu đô-la từ Chính phủ Hoa Kỳ, FUV sẽ là trường đại học độc lập, phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam và là đóng góp độc đáo của Hoa Kỳ vào quá trình phát triển của Việt Nam. Thông qua hình mẫu các nguyên tắc cốt lõi, bao gồm tự do học thuật, đề cao thực tài, minh bạch và tiếp cận bình đẳng, FUV sẽ là trường đại học đẳng cấp quốc tế đối với Việt Nam và thúc đẩy những liên kết mạnh mẽ hơn với Hoa Kỳ.

Giáo dục đại học là một trong những ví dụ điển hình nhất về mối quan hệ giao lưu nhân dân ngày càng phát triển mạnh mẽ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Những ví dụ về hỗ trợ của Hoa Kỳ trong hơn hai mươi năm qua thúc đẩy phát triển hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam bao gồm:

Liên minh tăng cường tiếp cận, chương trình và giảng dạy trong lĩnh vực đào tạo ngành y và các bệnh đang nổi lên (IMPACT MED) Alliance: Một chương trình liên minh mới của USAID với bảy đối tác thuộc khu vực tư nhân nhằm giúp đội ngũ cán bộ y tế giải quyết được những thách thức hiện nay và trong tương lai. Trên cơ sở hợp tác với ba trường đại học ở mỗi khu vực của Việt Nam, liên minh sẽ nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề y ở Việt Nam thông qua đào tạo bằng phương pháp sư phạm hiện đại, sử dụng công nghệ, lồng ghép nội dung lâm sàng; tăng cường giảng dạy và học tập những kỹ năng chủ chốt cần thiết để đảm bảo nguồn nhân lực mạnh mẽ, chất lượng cao, xử lý và ứng phó với các mối đe dọa sức khỏe đang nổi lên; và phát triển đội ngũ lãnh đạo hướng tới đổi mới sáng tạo liên tục và bền vững, đồng thời cải thiện khả năng tiếp cận và kết quả cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế và xã hội, đặc biệt là các bác sỹ và cán bộ y tế người dân tộc thiểu số.

  • Chủ trì trong liên minh của USAID: Bệnh viện Brigham and Women; Trường Y Harvard, Trung tâm Y tế Israel Deaconess, Tổ chức hợp tác phát triển y tế Việt Nam (HAIVN)
  • Đối tác từ khu vực tư nhân: IBM, Roche, Johnson & Johnson, GE, Bravo Vietnam, 3M, Samsung

Dự án Thúc đẩy hợp tác Trường đại học-Doanh nghiệp thông qua Đổi mới và Công nghệ (BUILD-IT): USAID và Đại học Arizona State sẽ khởi động một liên minh mới với 14 đối tác doanh nghiệp. Dự án BUILD-IT phát huy thế mạnh hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và các trường đại học ở Hoa Kỳ và Việt Nam nhằm kết nối việc giảng dạy khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) ở các trường đại học của Việt Nam với nhu cầu và năng lực của các doanh nghiệp đối tác. Mục tiêu của dự án nhằm có được những sinh viên tốt nghiệp có thể thúc đẩy tăng trưởng toàn diện, dựa vào công nghệ trên cơ sở tiên phong thúc đẩy chính sách giáo dục đại học; xúc tiến quan hệ hợp tác giữa các trường đại học và khu vực tư nhân; xây dựng các quan hệ đối tác về chương trình đào tạo, dẫn dắt, và các cơ hội thực hành do doanh nghiệp tài trợ để nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ thuật của sinh viên để cho biết cho sự nghiệp trong lĩnh vực STEM; và cải thiện các chương trình và kết quả đào tạo nói chung.

  • Các trường đại học khác của Hoa Kỳ là đối tác của BUILT-IT: Đại học Catholic University of America, Đại học Portland State
  • Đối tác từ khu vực tư nhân: Autodesk, Siemens, Tektronix, Pearson, National Instruments, Microsoft, S.E.N Platform, Mobifone, Tập đoàn Viettel, eSilicon, Intel, Oracle, Everest Education

Chương trình Fulbright: Từ năm 1992, Chương trình Fulbright đã hỗ trợ hơn 500 người Mỹ và gần 700 người Việt Nam học tập, nghiên cứu và giảng dạy. Những người Việt tham gia chương trình giờ đã giữ các vị trí chủ chốt tất cả các ngành. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh là một cựu thành viên của chương trình Fulbright.

Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) bắt đầu từ năm 1994 nhằm giảng dạy kinh tế thị trường tại Việt Nam ở thời điểm chuyển đổi mạnh mẽ. Chương trình đã trở thành chương trình đào tạo Thạc sỹ với 1200 cựu học viên vốn đang thúc đẩy phát triển kinh tế của Việt Nam khi quan hệ hợp tác kinh tế với Hoa Kỳ gia tăng nhanh chóng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một cựu học viên của Chương trình Lãnh đạo Quản lý cấp cao Việt Nam của FETP. FETP sẽ trở thành Trường Quản lý và Chính sách Công Fulbright thuộc đại học FUV năm 2016.

Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF): VEF là một tổ chức độc lập của Hoa Kỳ được Quốc hội thành lập năm 2000 nhằm hỗ trợ đào tạo Thạc sỹ và Tiến sỹ trong các lĩnh vực khoa học cho sinh viên Việt Nam tại các trường đại học của Hoa Kỳ. Kể từ năm 2003, VEF đã hỗ trợ gần 600 học bổng. VEF dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2018, nhưng các thành viên tham gia sẽ vẫn tiếp tục là đội ngũ nghiên cứu và giảng dạy được đào tạo ở Hoa Kỳ để giúp thúc đẩy phát triển của Việt Nam.

Hiện có 19.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại các trường đại học của Hoa Kỳ. Chỉ riêng năm 2015 tỷ lệ đăng ký đã tăng 13% với sự hỗ trợ của chương trình tư vấn giáo dục EducationUSA của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Việt Nam tiếp tục là quốc gia hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực này, và hiện là nước đứng thứ 9 trên thế giới về việc có nhiều sinh viên đến học tập tại Hoa Kỳ. Trong bối cảnh người Việt Nam coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng thêm trong lĩnh vực này.