Tờ thông tin: Thúc đẩy Hợp tác Năng lượng Hạt nhân dân sự Hoa Kỳ-Việt Nam

Tờ thông tin

Nhà Trắng
Văn phòng Thư ký Báo chí

Dành cho đăng tải ngay
24/5/2016

Hoa Kỳ và Việt Nam có kế hoạch làm sâu sắc hợp tác năng lượng sạch trong lĩnh vực hạt nhân dân sự trên cơ sở thừa nhận việc sử dụng an ninh và an toàn năng lượng hạt nhân là một nguồn năng lượng các-bon thấp rất quan trọng để giảm phát thải từ ngành năng lượng toàn cầu trong bối cảnh chúng ta đang giải quyết biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh năng lượng cho số lượng người đông đảo hơn. Cốt lõi của mối quan hệ này là cam kết chung hướng tới mức an ninh, an toàn và không phổ biến hạt nhân ở cấp độ cao nhất, đồng thời duy trì các cơ quan pháp quy hạt nhân vững mạnh, độc lập và hiệu quả. Đầu tháng này, Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký Thỏa thuận Hành chính trong khuôn khổ hiệp định có tính lịch sử về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình (Hiệp định 123), vốn ngay từ đầu đã mở cánh cửa cho thương mại hạt nhân dân sự giữa hai nước năm 2014. Để phát huy hơn nữa sự hợp tác đầy năng động trong lĩnh vực hạt nhân dân sự, Hoa Kỳ và Việt Nam cùng có mục tiêu:

Xây dựng các kết nối về thể chế:

  • Thành lập Ủy ban hỗn hợp Hoa Kỳ-Việt Nam về hợp tác hạt nhân dân sự để tạo điều kiện triển khai Hiệp định 123 cũng như hợp tác và chia sẻ thông tin, bao gồm hợp tác cả trong cả khu vực công và khu vực tư nhân trong các lĩnh vực như an ninh, an toàn, bảo vệ và không phổ biến hạt nhân.
  • Hướng tới thành lập Trung tâm Hỗ trợ Kỹ thuật Thanh sát và An ninh Hạt nhân tại Việt Nam. Thông qua phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ khoa học và kỹ thuật, Trung tâm sẽ góp phần tăng cường an ninh hạt nhân tại Việt Nam và trong toàn bộ khu vực.
  • Hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam nhằm phê chuẩn Công ước bổ sung về bồi thường đối với thiệt hại hạt nhân (CSC) và Công ước quốc tế về ngăn chặn các hành vi khủng bố hạt nhân.

Tăng cường giáo dục và đào tạo:

  • Tăng cường các cơ hội trao đổi chuyên môn và học thuật trong lĩnh vực an ninh, an toàn và năng lượng hạt nhân dân sự thông qua các chương trình giáo dục của Hoa Kỳ, ví dụ Chương trình Chuyên gia Fulbright, Chương trình khách mời đặc biệt, và học bổng hỗ trợ cho các sinh viên và chuyên gia kỹ thuật và khoa học hạt nhân của Việt Nam.
  • Tăng cường năng lực thanh sát hạt nhân cho Việt Nam thông qua đào tạo hệ thống thông tin quản lý của Việt Nam về thanh sát hạt nhân, xây dựng chương trình thanh sát hạt nhân quốc gia và lập một kế hoạch chiến lược cho phòng thí nghiệm thanh sát hạt nhân.
  • Tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực tại Phòng Thí nghiệm Idaho và Phòng Thí nghiệm Quốc gia Argonne nhằm đào tạo cho các nhà nghiên cứu từ các viện của Việt Nam về: nhiên liệu và vật liệu cho lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu mới; mô phỏng nhà máy điện hạt nhân và độ tin cậy đối với con người; phân tích an toàn và các sự cố trên cơ sở thiết kế và các sự cố nghiêm trọng tại một nhà máy điện hạt nhân. Việc đào tạo sẽ được bắt đầu vào Quý IV năm 2016.
  • Bổ trợ các chương trình đào tạo hạt nhân của các trường đại học Việt Nam với đào tạo của Trường Đại học Bắc Carolina về lò hạt nhân từ xa với sự hỗ trợ của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ.
  • Tạo điều kiện chia sẻ thông tin và liên lạc với các trường thông qua chương trình đào tạo liên thông về hạt nhân, tập hợp 32 trường cao đẳng cộng đồng tại Hoa Kỳ có đào tạo hai năm cấp bằng về công nghệ hạt nhân cho các chuyên gia vận hành nhà máy điện hạt nhân tương lai.

Tăng cường Cơ quan pháp quy hạt nhân hiệu quả:

  • Nâng cao năng lực pháp quy hạt nhân tại Việt Nam để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế trên cơ sở trao đổi kinh nghiệm pháp quy và đào tạo an toàn hạt nhân với Ủy ban Pháp quy Hạt nhân Hoa Kỳ. Các hoạt động này nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng hạ tầng pháp quy và duy trì năng lực kỹ thuật cốt lõi để giúp cơ quan pháp quy hạt nhân Việt Nam cấp phép và xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới.
  • Hỗ trợ xây dựng pháp quy an ninh và đào tạo có liên quan đến tại Việt Nam thông qua hợp tác giữa Cơ quan An toàn Bức xạ và Hạt nhân Việt Nam (VARANS) và các cơ quan liên quan của Chính phủ Hoa Kỳ.

Tăng cường kiểm soát xuất khẩu:

  • Nâng cao năng lực quản lý thương mại và chuyển giao hàng hóa, trang thiết bị và công nghệ lưỡng dụng của Việt Nam, đồng thời xây dựng các biện pháp thực thi pháp luật liên quan tới biên giới thông qua Chương trình Kiểm soát xuất khẩu và an ninh biên giới có liên quan của Hoa Kỳ. Các hoạt động này nhằm mục tiêu cải thiện khuôn khổ pháp lý kiểm soát thương mại chiến lược của Việt Nam và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
  • Nâng cao năng lực của Hải quan Việt Nam để nhận biết các hàng hóa lưỡng dụng hạt nhân, tên lửa, hóa học và sinh học được kiểm soát bởi các cơ chế kiểm soát xuất khẩu đa phương. Thông qua đào tạo và các hội thảo, sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống kiểm soát thương mại chiến lược nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế và không phổ biến hạt nhân.

Đảm bảo an toàn và theo dõi các chất phóng xạ và hạt nhân:

  • Phối hợp với nhiều bên liên quan khác nhau trong Chính phủ Việt Nam để nâng cao năng lực bền vững, tập trung vào đảm bảo an toàn các chất phóng xạ và hạt nhân, răn đe, phát hiện và cấm buôn bán các chất này. Mục tiêu này sẽ đạt được thông qua các hội thảo, tập huấn, trao đổi các thông lệ tốt nhất, nâng cấp an ninh tại các địa điểm có chất phóng xạ cường độ cao, và lắp đặt các hệ thống phát hiện phóng xạ tại các cảng chính.
  • Hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống mới để theo dõi và báo cáo tự động việc chuyển giao chất phóng xạ và hạt nhân theo tiêu chuẩn của IAEA, bao gồm cung cấp phần mềm và phần cứng, tư vấn, hướng dẫn và kiểm tra chất lượng.
  • Hỗ trợ Chương trình An ninh của VARANS thông qua một chuỗi bốn hội thảo đào tạo an ninh do Cơ quan Giảm thiểu Rủi ro hạt nhân của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ phối hợp với các cơ quan khác trong Chính phủ Hoa Kỳ tổ chức.

Tăng cường năng lực ứng phó sự cố:

  • Đẩy mạnh mức độ sẵn sàng ứng phó và xử lý sự cố hạt nhân cho Việt Nam thông qua các khóa đào tạo về phát hiện và xử lý tình huống khẩn cấp về phóng xạ/hạt nhân, quản lý hậu quả và ứng phó y tế; đào tạo nghiệp vụ cho các sự kiện lớn của công chúng; giúp tiếp cận năng lực kỹ thuật và ứng phó khẩn cấp của Cơ quan quản lý an ninh quốc gia Hoa Kỳ; và khả năng cung cấp trang thiết bị kỹ thuật phục vụ ứng phó khẩn cấp tại Việt Nam.

Hỗ trợ giáo dục công-tư:

  • Thúc đẩy các chương trình phối hợp đào tạo giữa Chính phủ Hoa Kỳ với các doanh nghiệp Hoa Kỳ dành cho các cán bộ quản lý khoa học và kỹ thuật hạt nhân của Việt Nam và các chương trình khác có liên quan.
  • Thúc đẩy thương mại hạt nhân dân sự song phương
  • Tổ chức một Đoàn xúc tiến thương mại hạt nhân dân sự năm 2017, thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp Hoa Kỳ-Việt Nam để xây dựng chương trình hạt nhân dân sự của Việt Nam.

Thúc đẩy thương mại hạt nhân dân sự song phương:

  • Tổ chức một Đoàn xúc tiến thương mại hạt nhân dân sự năm 2017, thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp Hoa Kỳ-Việt Nam để xây dựng chương trình hạt nhân dân sự của Việt Nam.