Nhà Trắng
Văn phòng Thư ký Báo chí
Dành cho đăng tải ngay
24/5/2016
Hoa Kỳ đang tiếp tục tăng cường quan hệ thương mại với Việt Nam, một quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh, đem lại cho doanh nghiệp và người lao động Hoa Kỳ những cơ hội to lớn mở rộng thương mại và đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, và hỗ trợ việc làm. Thương mại hàng hóa Hoa Kỳ-Việt Nam đã đạt tổng 451 triệu đô-la năm 1995 khi Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao, và kể từ đó đến nay đã tăng gần 100 lần, lên tới 45 tỷ đô-la.
Mối quan hệ song phương đang phát triển nhanh chóng: Năm 2015, xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam tăng 23%, mức tăng cao nhất với năm trước về xuất khẩu sang bất kỳ một trong 50 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Hoa Kỳ. Trong giai đoạn 2010-2015, Việt Nam là thị trường xuất khẩu tăng nhanh thứ nhì trong tổng số 50 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Hoa Kỳ.
Mối quan hệ song phương đang được đa dạng hóa: Xuất khẩu của Hoa Kỳ tăng trưởng cao trong những lĩnh vực từ mạch tích hợp tới máy bay dân sự, bông, sữa, hoa củ/quả, và các nông sản khác. Trong năm năm vừa qua, Việt Nam đã đóng vai trò là nhà cung ứng quan trọng về các sản phẩm tiêu dùng công nghệ cao cho Hoa Kỳ.
Mối quan hệ song phương có tính chất toàn diện: Thương mại bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và các doanh nghiệp gia đình cũng như những doanh nghiệp lớn. Tính đến năm 2014, 6.031 doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hoa Kỳ đãn xuất khẩu sang Việt Nam trong khi có 5.895 doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hoa Kỳ nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Hiện nay chúng ta đang thực hiện bước tiếp theo. Ngoài việc chứng kiến các thỏa thuận được ký kết trị giá 16 tỷ đô-la để thúc đẩy phát triển ngành hàng không và năng lượng tại Việt Nam và hỗ trợ hàng chục ngàn việc làm tại Hoa Kỳ, chuyến thăm của Tổng thống Obama còn nêu bật cam kết của chúng ta trong các lĩnh vực sau:
Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)
TPP có vai trò quan trọng trong mục tiêu làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế Hoa Kỳ-Việt Nam. Chính quyền của Tổng thống đã lấy việc phê chuẩn TPP làm ưu tiên hàng đầu và đang phối hợp với Việt Nam và các đối tác khác trong TPP để giúp họ đảm bảo việc triển khai kịp thời và đầy đủ các cam kết TPP của họ. TPP sẽ tạo ra các cơ hội mới cho người lao động và các doanh nghiệp Hoa Kỳ và Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ; thúc đẩy sáng tạo và kinh tế kỹ thuật số; đẩy mạnh cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và quản trị tốt; và tăng cường quyền của người lao động, bảo tồn và tăng trưởng bền vững. Đây cũng là một bước tiến quan trọng hướng tới mục tiêu chiến lược của chúng ta hướng tới chấn hưng hệ thống kinh tế cởi mở và dựa trên luật lệ mà Hoa Kỳ đã đi tiên phong kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.
Chính phủ Hoa Kỳ sẽ cam kết dành nguồn lực và chuyên môn hỗ trợ Việt Nam và các đối tác TPP khác để triển khai và thực thi hiệu quả các nghĩa vụ của hiệp định này. Để hỗ trợ Việt Nam, Hoa Kỳ-Việt Nam sẽ cung cấp hơn 30 triệu đô-la viện trợ nâng cao năng lực, bao gồm các công việc nhằm đảm bảo quyền tự do lập hội, trong đó có công đoàn độc lập, và các quyền lao động khác đã được quốc tế công nhận; bảo vệ và thực thi sở hữu trí tuệ; bảo vệ môi trường và tăng trưởng bền vững.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Hoa Kỳ
Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hoa Kỳ tại Việt Nam đã tăng lên tới 1.5 tỷ đô-la năm 2014 và được củng cố thông qua các khoản đầu tư nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Hoa Kỳ cho các cộng đồng và môi trường tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam đề cao các chuẩn mực khắt khe về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thông qua việc đầu tư cho các cộng đồng và môi trường nơi họ tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Ví dụ, các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam đã đào tạo hàng trăm kỹ sư về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, quyên góp trên 12 triệu đô-la dưới dạng các phần mềm và dịch vụ để giúp đỡ hàng trăm tổ chức phi chính phủ, đồng thời tăng cường kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông cho hàng chục ngàn giáo viên và học sinh, sinh viên. Chính phủ Hoa Kỳ cam kết ủng hộ các dự án hợp tác công-tư khuyến khích trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Hoa Kỳ:
Dự án hợp tác của USAID với Đại học Arizona State University và một số doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học với khu vực tư nhân, xây dựng các quan hệ đối tác về chương trình đào tạo, dẫn dắt, và các cơ hội thực hành cho doanh nghiệp tài trợ.
Rất nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ đang hợp tác trong khuôn khổ dự án mới của USAID với Trường Y Harvard và hai bệnh viện ở khu vực Boston nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề y tại Việt Nam, trong đó có những lĩnh vực liên quan đến Chương trình nghị sự an ninh y tế toàn cầu.
Năm 2016, Cargill Vietnam đã đoạt Giải Doanh nghiệp Xuất sắc của Ngoại trưởng Hoa Kỳ vì đã có cam kết đầu tư lâu dài cho những nông dân là đối tác của họ, hỗ trợ y tế cộng đồng, và đào tạo trên 12.000 nông dân về các kỹ thuật sản xuất bền vững. Chương trình xây dựng trường học Cargill Cares của Cargill Vietnam đã xây dựng và bàn giao 76 trường học ở các khu vực nông thôn, đem lại lợi ích cho hơn 13.000 trẻ em mỗi năm.
Cách tiếp cận toàn chính phủ đối với mối quan hệ đối tác
Hoa Kỳ sử dụng cách tiếp cận toàn chính phủ để hỗ trợ xuất khẩu và đầu tư của Hoa Kỳ sang Việt Nam, trong đó có các chương trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững, khuyến khích quản trị hợp lý và trách nhiệm giải trình, đồng thời giải quyết các rào cản thương mại, đẩy mạnh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, củng cố pháp quyền và môi trường kinh doanh.
Sáng kiến Kết nối Hoa Kỳ-ASEAN
Thông qua Sáng kiến Kết nối Hoa Kỳ-ASEAN, chính phủ Hoa Kỳ sẽ hợp tác với Việt Nam và các quốc gia thành viên khác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để cải thiện môi trường chính sách hướng tới thúc đẩy hội nhập kinh tế của ASEAN, gia tăng đầu tư và thương mại, hỗ trợ phát triển năng lượng sạch và kết nối về năng lượng, đồng thời đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo và bền vững.
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID)
Các chính trị quản trị và tăng trưởng kinh tế của USAID sẽ hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy minh bạch và trách nhiệm giải trình, mở cửa kinh tế, cạnh tranh và pháp quyền trong lĩnh vực kinh tế. USAID đã có đóng góp cho trên 150 dự án luật cũng như các quy định và nghị định có liên quan, hỗ trợ trên 50 cơ quan chính phủ là đối tác trong quá trình cải cách kinh tế và pháp luật.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ
Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu nông nghiệp lớn thứ 11 của Hoa Kỳ. Để đẩy mạnh mối quan hệ này, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ giúp nâng cao năng lực của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm an toàn thực phẩm, nông nghiệp thích ứng thông minh với khí hậu, công nghệ sinh học, thú y, bảo vệ thực vật, bán lẻ/phân phối hiện đại và các nội dung cụ thể khác.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ
Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ phối hợp cùng với khu vực tư nhân để hỗ trợ Việt Nam phát triển hạ tầng cần thiết để Việt Nam có thể thực hiện mục tiêu hiện đại hóa kinh tế vào năm 2035. Bộ Thương mại Hoa Kỳ cam kết tổ chức các cuộc họp thường niên giữa khu vực tư nhân với các bộ/ngành có liên quan, ngoài việc tiếp tục tổ chức các hội thảo chuyên sâu về hạ tầng trong các lĩnh vực như y tế, hàng không, đô thị thông minh và năng lượng sạch.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ có kế hoạch chủ trì một Phái đoàn xúc tiến kinh doanh hạ tầng ngành nước vào tháng 7/2016 để giới thiệu những công nghệ mới, những tiêu chuẩn và quy phạm đã được quốc tế công nhận nhằm thúc đẩy ngành nước tại Việt Nam. Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng có kế hoạch tổ chức một Phái đoàn xúc tiến thương mại về hạt nhân dân sự trong năm 2017, góp phần tăng cường hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ trong quá trình Việt Nam xây dựng chương trình hạt nhân dân sự.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã góp phần giúp Việt Nam xây dựng hệ thống pháp quy dựa trên bằng chứng khoa học để giải quyết các vấn đề an ninh lương thực và thương mại, bao gồm công nghệ sinh học trong nông nghiệp thông qua các hoạt động tiếp cận được hàng trăm nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và các nhà báo tại Việt Nam.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ
Để xây dựng hạ tầng báo cáo tài chính minh bạch và có trách nhiệm giải trình nhiều hơn, Văn phòng Hỗ trợ Kỹ thuật (OTA) thuộc Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Tài chính Việt Nam để hướng tới xây dựng các chương trình đào tạo khắp cả nước về các Chuẩn mực kế toán khu vực công quốc tế; các nguồn lực và công cụ kế toán, bao gồm các báo cáo và mẫu báo cáo tài chính; và sổ tay hướng dẫn tổng hợp quy trình lập báo cáo tài chính hợp nhất của toàn bộ chính phủ.
Ngân hàng xuất nhập khẩu Hoa Kỳ (EXIM Bank)
Kể từ năm 2009, EXIM Bank đã phê duyệt tổng trị giá trên 800 triệu đô-la các khoản vay, bảo lãnh và bảo hiểm để hỗ trợ xuất khẩu của các doanh nghiệp cả lớn lẫn nhỏ của Hoa Kỳ sang Việt Nam. Xuất khẩu đã hỗ trợ hợp tác kinh tế Hoa Kỳ-Việt Nam trong nhiều ngành khác nhau, bao gồm năng lượng tái tạo, hàng không và sản xuất chế tạo. Các hoạt động xuất khẩu của Hoa Kỳ không chỉ tạo việc làm mà còn đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng tại Việt Nam.
EXIM Bank sẽ tiếp tục chủ động hợp tác trong các cơ hội trong thời gian tới để tài trợ cho xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam, đặc biệt là các khoản xuất khẩu góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng của Việt Nam. EXIM Bank tái khẳng định mong muốn được hỗ trợ xuất khẩu của Hoa Kỳ đối với các dự án hạt nhân dân sự tại Việt Nam.
Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA)
USTDA sẽ tiếp tục kết nối các doanh nghiệp Hoa Kỳ với các dự án ưu tiên trong các ngành năng lượng sạch, công nghệ thông tin, giao thông và ngành nước tại Việt Nam. Trên cơ sở xây dựng các quan hệ đối tác đôi bên cùng có lợi, phát huy nguồn vốn phục vụ phát triển hạ tầng của Việt Nam, USTDA sẽ tận dụng số vốn trị giá 3 tỷ đô-la xúc tiến xuất khẩu của Hoa Kỳ mà cơ quan này đã giúp thúc đẩy tại Việt Nam.
USTDA cam kết hỗ trợ tăng cường giám sát an toàn hàng không của Việt Nam. Trong lĩnh vực năng lượng, USTDA đang trợ giúp xây dựng nhà máy điện gió công suất 470 megawatt với số vốn đầu tư trên 1 tỷ đô-la. Trong lĩnh vực giao thông đô thị, USTDA đang hỗ trợ triển khai công nghệ thông tin và truyền thông trị giá 100 triệu đô-la cho hệ thống đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh.
Để giúp Việt Nam chuyển đổi từ điện than, USTDA sẽ tài trợ một đoàn khảo sát thương mại về khí gas tự nhiên sang Hoa Kỳ vào mùa thu 2016. Chuyến khảo sát này sẽ nêu bật kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong lĩnh vực xây dựng, vận hành, duy tu và bảo dưỡng các nhà máy điện sử dụng khí ga và hạ tầng có liên quan.
Thông qua Sáng kiến Đấu thầu mua sắm Toàn cầu: Nắm bắt giá trị tốt nhất (GPI), USTDA sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch-Đầu tư thiết kế một cơ sở dữ liệu để theo dõi và giám sát việc thực hiện của các nhà thầu cung cấp hàng hóa và dịch vụ trị giá hàng tỷ đô-la cho Chính phủ Việt Nam mỗi năm.
Công ty Đầu tư tư nhân hải ngoại (OPIC)
Là tổ chức tài trợ phát triển của Chính phủ Hoa Kỳ, OPIC sẽ phát huy vai trò của văn phòng mới được thành lập tại Đông Nam Á để tận dụng các cơ hội hỗ trợ phát triển kinh tế của Việt Nam thông qua đầu tư của khu vực tư nhân trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt chú ý tới năng lượng tái tạo và hạ tầng hàng không.
Kể từ năm 2003, OPIC đã hỗ trợ vốn và bảo hiểm trị giá trên 40 tỷ đô-la cho bảy dự án tại Việt Nam. Các dự án đầu tư của OPIC xuyên suốt trong các ngành khác nhau, bao gồm truyền thông, chế tạo, tư vấn và phát triển kinh tế, nuôi trồng thủy sản và phát điện.