Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
Văn phòng Người phát ngôn
Ngày 14 tháng 9 năm 2020
Tờ thông tin
Hoa Kỳ, Campuchia, CHDCND Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam đã tái khẳng định mối quan hệ lâu dài giữa các bên qua việc khởi động Quan hệ đối tác Mekong-Hoa Kỳ vào ngày 11 tháng 9. Hoa Kỳ đã công bố kế hoạch, làm việc với Quốc hội Hoa Kỳ để tăng cường hỗ trợ cho sự tự chủ, độc lập kinh tế, quản trị tốt và tăng trưởng bền vững của các quốc gia đối tác Mekong. Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng việc duy trì các giá trị này cũng có vai trò quan trọng đối với sự thống nhất và hiệu quả của ASEAN.
Mở rộng sự tham gia của Hoa Kỳ
Trong quá trình thực hiện Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong, từ năm 2009 đến năm 2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã hỗ trợ gần 3,5 tỷ USD cho năm nước đối tác Mekong, bao gồm:
- 1,2 tỷ USD cho các chương trình y tế;
- 734 triệu USD cho tăng trưởng kinh tế;
- 616 triệu USD cho hòa bình và an ninh;
- 527 triệu USD cho nhân quyền và quản trị;
- 175 triệu USD cho giáo dục và dịch vụ xã hội; và
- 165 triệu USD cho hỗ trợ nhân đạo.
Tiếp nối những thành công của Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong, năm quốc gia đối tác tại khu vực Mekong và Hoa Kỳ đã khởi động Quan hệ đối tác Mekong-Hoa Kỳ như một diễn đàn chiến lược để hợp tác. Quan hệ đối tác này sẽ tiếp tục các công việc hiện có và mở rộng các lĩnh vực hợp tác, bao gồm kết nối kinh tế, an ninh năng lượng, phát triển nguồn vốn con người, quản lý nước và tài nguyên thiên nhiên xuyên biên giới và an ninh phi truyền thống. Lĩnh vực an ninh phi truyền thống bao gồm sự hợp tác nhằm xử lý các mối đe dọa mới nổi, như nâng cao năng lực an ninh y tế và ứng phó với đại dịch, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, phòng chống buôn bán người, ma túy và động thực vật hoang dã bất hợp pháp.
Quan hệ đối tác Mekong-Hoa Kỳ được định hướng bởi các giá trị phù hợp với những điều được nêu trong Tầm nhìn của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, bao gồm bình đẳng, quản trị tốt, rộng mở, minh bạch, tăng trưởng kinh tế và tôn trọng chủ quyền. Quan hệ đối tác cũng thúc đẩy sự bổ sung cho Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS), ASEAN, Ủy hội sông Mekong, và với các đối tác phát triển Mekong khác và cơ chế hợp tác phù hợp với các giá trị này.
Hoa Kỳ phát triển quan hệ đối tác
- Cho đến nay, Hoa Kỳ đã cấp hơn 52 triệu USD cho hỗ trợ y tế khẩn cấp, nhân đạo, kinh tế và hỗ trợ phát triển để ứng phó với COVID-19 tại các nước trong khu vực Mekong;
- Hỗ trợ các hệ thống năng lượng hiện đại, được kết nối và đáng tin cậy thông qua 33 triệu USD kinh phí hỗ trợ sáng kiến Tăng cường Phát triển và Tăng trưởng thông qua Năng lượng ở châu Á (Asia EDGE) tại khu vực Đông Nam Á, nhằm tăng cường thương mại năng lượng trong khu vực, tiếp cận vốn và sự tham gia của khu vực tư nhân;
- Dự kiến đầu tư 55 triệu USD để tăng cường năng lực của thực thi pháp luật và ngành tư pháp trong khu vực để phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, phù hợp với Australia. Các nỗ lực sẽ bao gồm tăng cường an ninh biên giới; ngăn chặn, phá vỡ các luồng lưu thông các mặt hàng trái phép, nhất là ma túy và tiền chất ma túy, dọc các tuyến đường buôn lậu trọng điểm; triệt phá các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia; điều tra và truy tố hoạt động rửa tiền và các tội phạm tài chính liên quan. Bổ sung 2 triệu USD để phòng chống nạn buôn người;
- Cải thiện cơ sở hạ tầng và thị trường ngành năng lượng với dự kiến cấp 6,6 triệu USD cho khu vực Mekong thông qua Chương trình Ngành năng lượng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ;
- Tăng cường quản trị khu vực và thúc đẩy tính minh bạch với 6 triệu USD nhằm hỗ trợ người dân địa phương nêu ý kiến và cung cấp cho họ nền tảng để thúc đẩy nghiên cứu và tìm hiểu các góc nhìn đa dạng, phát triển kết nối giao thông đông-tây với Ấn Độ và Bangladesh, thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ và tiếp tục Chương trình đào tạo nước thứ ba với Singapore;
o Bao gồm tăng cường an ninh nguồn nước Mekong với kế hoạch hỗ trợ 1,8 triệu USD cho các mục tiêu chung với Ủy hội Sông Mekong (MRC); - Phối hợp với các quốc gia khu vực Mekong và các đối tác khác tiến hành diễn tập cứu trợ thiên tai nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng và ứng phó của địa phương;
- Tài trợ các cuộc đối thoại chính sách về các cơ hội và thách thức đang phát triển tại khu vực Mekong, nhằm thu hút sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, cộng đồng địa phương và xã hội.
Hoa Kỳ tiếp tục sự tham gia tại khu vực
Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ khả năng phục hồi, tính minh bạch và năng lực của các tổ chức chính phủ và xã hội dân sự ở các quốc gia trong khu vực Mekong, tạo ra những cải thiện cụ thể đối với cuộc sống của người dân.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và năng lượng
- Sau 1 tỷ USD đầu tư vào Đông Nam Á trước đó, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) đặt mục tiêu đầu tư và xúc tiến đầu tư thêm hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng tại các nước khu vực Mekong trong những năm tới. Bộ trưởng Ngoại giao các nước đối tác Mekong cam kết cải thiện môi trường kinh doanh của nước mình nhằm tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư hai chiều để hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững, chất lượng cao, và do khu vực tư nhân làm chủ.
- Thông qua Đối tác Năng lượng Mekong giữa Nhật Bản – Hoa Kỳ (JUMPP), Hoa Kỳ đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn để tăng cường phát triển thị trường điện quốc gia và khu vực, đáp ứng các ưu tiên của các chính phủ trong khu vực sông Mekong. Những hỗ trợ của Hoa Kỳ đã thúc đẩy đầu tư chất lượng cao và minh bạch trong ngành năng lượng, cũng như xây dựng năng lực để mở rộng thương mại điện trong khu vực, nhằm hỗ trợ JUMPP và bổ sung cho Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) và Sáng kiến Lưới điện ASEAN (APG).
- Trong Tuyên bố chung JUMPP, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã công bố ý định mở rộng công tác xây dựng năng lực cho các quốc gia trong khu vực Mekong nhằm tăng cường quản trị ngành năng lượng, giúp khu vực tư nhân mở rộng đầu tư vào ngành năng lượng tại khu vực Mekong và phát triển thương mại năng lượng xuyên biên giới.
- Chương trình Ngành năng lượng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cung cấp hơn 1.000 giờ đào tạo cho nhân lực các nước khu vực Mekong. Sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đã giúp các quốc gia tăng cường việc sử dụng năng lượng tái tạo, thúc đẩy thương mại điện xuyên biên giới, cải thiện phương pháp tính biểu giá và cân nhắc các chuẩn mực và tiêu chuẩn năng lượng hiệu quả. Hỗ trợ kỹ thuật từ phía Hoa Kỳ cũng đã giúp Việt Nam thiết lập thị trường năng lượng cạnh tranh và cải thiện vận hành hệ thống, đồng thời Hoa Kỳ cũng tư vấn cho công ty điện lực Thái Lan về việc thành lập công ty kinh doanh năng lượng và chuẩn bị cho bên thứ ba tiếp cận hệ thống truyền tải.
An ninh nguồn nước và quản lý sông xuyên biên giới
- Chương trình Đối tác Cơ sở hạ tầng Bền vững (SIP), do Nhóm những người bạn của Hạ nguồn sông Mekong (FLM) thành lập, đã tăng cường quản trị tốt và quản lý hợp tác các nguồn tài nguyên thiên nhiên của sông Mekong thông qua nâng cao năng lực về những thách thức và cơ hội mới nổi, bao gồm quản lý nước ngầm, viễn thám, đánh giá tác động tích lũy và chia sẻ thông tin kinh tế – xã hội.
- Eyes on Earth, Inc., một đối tác của SIP đã tiến hành một nghiên cứu cho thấy việc vận hành các đập trên thượng nguồn của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã làm biến đổi dòng chảy tự nhiên của sông Mekong. Nghiên cứu này đã thu hút sự chú ý rộng rãi của giới truyền thông và thúc đẩy lời kêu gọi về tăng cường sự minh bạch trong quản lý sông xuyên biên giới.
- Sáng kiến Dữ liệu nước Mekong (MWDI), với hơn 60 đối tác chính phủ và phi chính phủ, tiếp tục nâng cao hiệu quả việc quản lý xuyên biên giới của sông Mekong thông qua chia sẻ dữ liệu và ra quyết định dựa trên cơ sở khoa học.
- Vào năm 2019, Ngoại trưởng Pompeo đã cho ra mắt nền tảng của MWDI tại MekongWater.org, với vai trò là một trung tâm chia sẻ dữ liệu, công cụ và nguồn lực liên quan đến nước. Trang web hiện lưu trữ hơn 650 công cụ từ hơn 35 đối tác toàn cầu về lập bản đồ lưu vực sông và thủy văn, dự báo thời tiết, các công cụ phân tích dữ liệu nguồn mở, hệ sinh thái và khoa học công dân.
- NexView hợp tác với các quốc gia trong khu vực Mekong và MRC để thúc đẩy quá trình ra quyết định dựa trên cơ sở khoa học đối với sông Mekong. Bằng cách trực quan hóa dữ liệu từ MRC với công trình Decision Theater của Đại học Bang Arizona, NexView giúp các cộng đồng tại khu vực Mekong tìm hiểu các tác động và sự đánh đổi có thể xảy ra trong việc quản lý các nguồn tài nguyên nước, năng lượng và lương thực.
- Sister Rivers Exchange thúc đẩy việc chia sẻ các thực hành tốt nhất giữa MRC và Ủy hội sông Mississippi với những buổi thảo luận đang diễn ra về an toàn đập, lập kế hoạch tầm nhìn chung, hỗ trợ nhân đạo, diễn tập và trao đổi ứng phó với thiên tai.
- Công binh Lục quân Hoa Kỳ (USACE) đã hỗ trợ các nước khu vực Mekong về an ninh nước và môi trường, kỹ thuật quản lý rủi ro thiên tai và các dự án xây dựng hỗ trợ nhân đạo. Các ví dụ bao gồm hỗ trợ xây dựng Chiến lược Phát triển Lưu vực sông Mekong giai đoạn 2021-2030, chia sẻ các thực hành tốt nhất giữa MRC và Ủy hội sông Mississippi, hỗ trợ sáng kiến quốc gia về an toàn đập của CHDCND Lào, xây dựng trường học, trạm y tế, giếng nước và các trung tâm điều phối quản lý thiên tai trên khắp khu vực Mekong, bao gồm cả Viện Dinh dưỡng Quốc gia tại Lào.
- SERVIR-Mekong, một quan hệ đối tác đặc biệt giữa USAID và NASA, đã giúp các quốc gia khu vực Mekong hạn chế tình trạng dễ bị tổn thương do hạn hán và lũ lụt do việc vận hành các con đập ở thượng nguồn gây ra. Cùng với MRC, SERVIR-Mekong đã ra mắt Nền tảng Cảnh báo sớm hạn hán để giúp dự báo và theo dõi ảnh hưởng của các đợt hạn hán lịch sử ở lưu vực sông Mekong.
- Chương trình Cơ sở hạ tầng thông minh cho sông Mekong (SIM) đã xây dựng một loạt các đường dẫn cá ở khu vực sông Mekong để đảm bảo an ninh lương thực.
Đầu tư vào nguồn vốn con người
- Chương trình Nhà khoa học trẻ của Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong tiếp tục đầu tư vào việc phát triển các kỹ năng về môi trường, y tế công cộng, kinh doanh và khoa học cho thế hệ sinh viên và chuyên gia trẻ kế cận. Trong năm 2019-2020, chương trình tập trung vào việc sử dụng các công cụ tin học để giải quyết các bệnh do véc-tơ truyền như sốt xuất huyết. Năm 2021, chương trình sẽ tập trung vào đổi mới công nghệ nông nghiệp.
- Sáng kiến Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới hỗ trợ cách tiếp cận phối hợp, đa ngành và toàn diện nhằm giải quyết các quy chuẩn thường gặp về giới dẫn đến bạo lực giới. Chúng có thể bao gồm tảo hôn hoặc hôn nhân cưỡng bức, bạo lực học đường, bạo lực do chồng gây ra, xâm hại thể chất và tình dục. Sáng kiến đã tiếp cận hơn 223.000 nam giới, nữ giới, trẻ em trai và trẻ em gái thông qua việc áp dụng các thông lệ, luật pháp mới và đối thoại cộng đồng.
- Hoa Kỳ ủng hộ việc phụ nữ nắm quyền lãnh đạo bằng cách đầu tư vào các nữ lãnh đạo ở Bang Rakhine, thông qua Dự án Tăng cường Cộng đồng của USAID, nhằm thúc đẩy hòa bình bền vững và phát triển kinh tế toàn diện thông qua các giải pháp hợp tác ở cấp cộng đồng.
Để biết thêm thông tin và tài liệu, vui lòng truy cập trang web mới của chúng tôi: www.mekonguspartnership.org