Trung tâm hội nghị quốc tế, 14 Lê Hồng Phong, Hà Nội, Việt Nam
9:00-11:30
thứ Tư, ngày 28 tháng 10 năm 2015
Cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến,
Kính thưa Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh,
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc
và các vị khách quý
Như các quý vị đã biết, năm nay chúng ta kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
Cảm ơn Bộ trưởng Tiến và thưa các quý vị,
Như Ngoại trưởng Hoa Kỳ, John Kerry đã nói gần đây, ông ấy “không thể tưởng tượng được hai nước đã nỗ lực thế nào để đưa hai quốc gia xích lại gần nhau và đem đến một tương lai tươi sáng hơn cho cả hai dân tộc.”
Điều này được thể hiện rõ khi quan hệ đối tác của chúng ta đã giúp nâng cao sức khỏe, phúc lợi và sự an toàn cho nhân dân Việt Nam.
Trong 20 năm qua, hợp tác y tế giữa hai nước đã cứu sống không biết bao nhiêu người ở Việt Nam và tăng cường sức mạnh cho các gia đình và cộng đồng trên khắp đất nước.
Cùng nhau chúng ta đã ngăn chặn sự lây lan các căn bệnh chết người.
Cùng nhau chúng ta đã và đang xây dựng một ngành y tế Viêt Nam mạnh mẽ hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.
Cùng nhau chúng ta đang tạo ra hy vọng cho những nhóm người dễ bị tổn thương ở những lĩnh vực từng không có hy vọng.
Cùng nhau chúng ta đang chứng minh rằng những người nhiễm HIV vẫn có thể sống lâu và hạnh phúc.
Không có mấy người biết rằng chúng ta đã bắt tay vào hợp tác trong lĩnh vực y tế thậm chí trước cả thời điểm bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ năm 1995, khi Bộ Y tế Hoa Kỳ bắt đầu cử chuyên gia kỹ thuật tới Việt Nam.
Các đoàn chuyên gia thuở ban đầu đó đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước, điều đã giúp chúng ta bình thường hóa quan hệ. Chính sự tin tưởng mới được thiết lập này đã tạo nên sự hợp tác y tế làm nền tảng cho toàn bộ mối quan hệ hợp tác giữa hai nước sau này.
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ, hỗ trợ của Hoa Kỳ cho các chương trình y tế tại Việt Nam đã lên tới gần 1 tỷ USD, chiếm gần 75% hỗ trợ của chính phủ Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Phần lớn sự hỗ trợ này là thông qua Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ cho phòng chống HIV/AIDS hay thường gọi là chương trình PEPFAR bắt đầu từ năm 2004. Thông qua PEPFAR, chính phủ Hoa Kỳ trở thành nhà tài trợ lớn nhất cho cuộc chiến chống lại HIV/AIDS.
Năm nay đánh dấu một bước tiến quan trọng của chương trình PEPFAR: hơn 100,000 người ở Việt Nam đang được điều trị ARV và hơn 40,000 người được điều trị methadone.
Có được thành quả này là nhờ sự hợp tác nhiệt tình và chặt chẽ của các quý vị ngồi đây đã giúp những người sống chung với HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, Hoa Kỳ còn là nhà tài trợ lớn nhất cho công tác phòng chống cúm tại Việt Nam.
Chúng ta biết rằng trong một thế giới ngày càng liên kết với nhau thì những mối đe dọa về sức khỏe toàn cầu trở thành những vấn đề tối quan trọng.
Không quốc gia nào có thể đơn phương kiểm soát và phòng ngừa được sự lây lan của dịch bệnh.
Từ năm 2005, Hoa Kỳ và Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ trong việc ngăn chặn sự bùng phát các dịch bệnh.
Chẳng hạn như Hoa Kỳ đã giúp xây dựng mạng lưới kiểm soát cúm đầu tiên, tiến hành nghiên cứu và xây dựng chính sách phát triển vacxin cúm, hỗ trợ kiểm soát và đối phó với dịch cúm H5N1 trên người ở Việt Nam.
Kể từ năm ngoái, chúng ta đã bắt đầu một quan hệ đối tác mới trong Chương trình an ninh y tế toàn cầu.
Đầu năm nay, tôi rất vinh dự được tham gia Lễ khai trương Trung tâm hỗ trợ khẩn cấp (EOC) tại Hà Nội cùng với bạn của tôi, Bộ trưởng Tiến.
Trung tâm hỗ trợ khẩn cấp sẽ giúp Việt Nam giám sát và đối phó với sự bùng phát dịch bệnh tiềm tàng, trung tâm này đã đi vào hoạt động trong thời gian diễn ra dịch Ebola gần đây.
Đây là những vấn đề có tầm quan trọng toàn cầu mà chúng ta đang cùng nhau giải quyết không chỉ vì lợi ích của hai nước mà còn vì cả khu vực và toàn thế giới.
Tôi rất tự hào được tham gia quá trình này.
Quan hệ đối tác y tế của chúng ta đã trải rộng ra nhiều lĩnh vực như lao, sốt rét, phòng chống thuốc lá, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, khuyết tật, phòng chống thiên tai, kiểm soát bệnh truyền nhiễm.
Cùng nhau chúng ta đã đạt được rất nhiều điều trên chặng đường ngắn 20 năm qua.
Hãy tưởng tượng những gì chúng ta sẽ làm được trong 20 năm tới.
Tôi tin tưởng rằng quan hệ hợp tác y tế của chúng ta sẽ tăng cường và mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới và thú vị.
Cùng nhau chúng ta có thể làm bất cứ điều gì.
Để kết thúc, tôi xin chân thành cảm ơn sự cống hiến và nỗ lực của các quý vị, đặc biệt là những cán bộ được tặng thưởng ngày hôm nay vì những đóng góp của họ cho ngành y tế.
Các bạn là đại diện cho những gì tốt đẹp nhất của Việt Nam và Hoa Kỳ.
Chúc các quý vị sức khỏe và hạnh phúc để chúng ta cùng nhau đi tiếp như những đối tác trên những chặng đường tiếp theo.