Khách sạn Sông Hồng Thủ Đô, Vĩnh Phúc
8:00 sáng, Thứ Sáu, 4/3/2016
Chào tất cả quý vị!
Thưa tất cả quý vị:
Rất cảm ơn quý vị đã mời tôi phát biểu tại cuộc hội thảo quan trọng này.
Tôi rất vui được có mặt tại đây để cùng thảo luận với quý vị về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái bình dương (còn gọi là TPP).
Trước hết, tôi xin chúc mừng Việt Nam đã cùng các nước đối tác hoàn tất đàm phán vào cuối năm ngoái, và ký Hiệp định này vào tháng trước tại New Zealand. Đó là một thành tựu rất quan trọng, và sẽ định hình tương lai của Việt Nam – và tương lai của quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam – trong nhiều thập kỷ tới. Năm 2008, khi các vòng đàm phán TPP bắt đầu, nhiều người hoài nghi về sự tham gia của Việt Nam.
Tôi đã nghe thấy họ hỏi rằng làm sao một nước đang phát triển có thể hi vọng tham gia một hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao với các nền kinh tế tiên tiến như Hoa Kỳ, Singapo, Canađa hay Úc?
Tôi đã nghe thấy họ hỏi rằng Việt Nam sẽ chẳng bao giờ có thể đáp ứng các yêu cầu cao của TPP về sở hữu trí tuệ, hoặc lao động, hay tiếp cận thị trường. Sau đó còn nhiều người hồ nghi, nhưng tôi không nằm trong số đó.
Vì sao?
Bởi tôi đã chứng kiến sự quyết tâm của người dân Việt Nam, kể từ lần đầu tôi đến sống ở đây vào giữa những năm 90. Tôi có thể thấy Việt Nam có đủ bản lĩnh để đảm nhận những thách thức lớn nhằm phát triển nền kinh tế và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Khi tôi tới làm việc ở Hà Nội năm 1995, tôi được thấy một đất nước bắt đầu chuyển đổi toàn bộ hệ thống kinh tế của mình—một cam kết to lớn. Năm 2001, một lần nữa, chúng tôi thấy sự táo bạo của Việt Nam khi ký kết Hiệp định Thương mại Song phương Việt Nam – Hoa Kỳ. Sau đó, vào năm 2007 Việt Nam gia nhập WTO, một lần nữa gánh vác thêm nhiều cam kết mới, tham vọng hơn nữa.
Đầu năm nay, Đại hội Đảng lần thứ 12 tái khẳng định chính sách hội nhập quốc tế toàn diện, và thể hiện sự tán thành mạnh mẽ việc tham gia TPP.
Quan trọng hơn nữa, tôi được biết rằng người dân Việt Nam không bao giờ lùi bước trước thách thức, dù có lớn đến nhường nào, nếu vượt qua thách thức đó đem lại lợi ích cho Việt Nam và người dân của mình. Chúng ta đã được chứng kiến tinh thần đó trong nhiều thế kỷ qua. Vì vậy, xin chúc mừng Việt Nam và người dân Việt Nam đã tiếp nhận thách thức và sẵn sàng đưa ra lựa chọn táo báo tiếp theo vì sự thịnh vượng của quốc gia: đó là phê chuẩn và thực hiện Hiệp định TPP.
Ngay lúc này, tại những hội thảo như thế này, công việc khó khăn lại bắt đầu. Việc phê chuẩn và thực hiện Hiệp định TPP sẽ là thách thức cho tất cả các quốc gia, và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Trong những tháng tới, tại Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ tiến hành cuộc đối thoại riêng trong nước về ưu và nhược điểm của Hiệp định TPP. Quốc hội và người dân Hoa Kỳ sẽ tranh luận về hiệp định. Cuộc tranh luận này sẽ rất ồn ào, và đôi khi hỗn độn, nhưng sẽ là cuộc tranh luận cởi mở và thẳng thắn. Đó là cách làm của nước Mỹ.
Tại Việt Nam, quý vị sẽ có đối thoại riêng về Hiệp định TPP, và Quốc hội sẽ đóng vai trò chủ chốt. Tôi hi vọng rằng quý vị cũng sẽ có một cuộc thảo luận trung thực và cởi mở về TPP—với chính phủ, các tổ chức kinh doanh, và quan trọng nhất là với người dân Việt Nam. Nếu và khi Việt Nam phê chuẩn hiệp định, tiếp sau đó, quá trình thực hiện khó khăn sẽ bắt đầu. Các cán bộ công tác trong Quốc hội sẽ bận rộn với việc soạn thảo luật mới và sửa đổi những luật cũ. Lực lượng lao động của Việt Nam cần được đào tạo và trang bị những kỹ năng mới nhất để tận dụng những cơ hội kinh tế tương lai.
Việt Nam cần cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện cho hoạt động thương mại quy mô lớn hơn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể cần hỗ trợ để nâng cao khả năng cạnh tranh. Cần thúc đẩy đổi mới và quan hệ đối tác với khu vực tư nhân nhằm xây dựng môi trường kinh doanh và giúp các doanh nghiệp kết nối Việt Nam với các chuỗi giá trị toàn cầu. Đưa một hiệp định thương mại phức tạp nhất với những tiêu chuẩn quốc tế cao nhất vào thực tiễn sẽ là một công việc khó khăn và mệt mỏi.
Nhưng việc làm này cần thiết để đảm bảo Việt Nam nhận được những lợi ích to lớn từ TPP. Quý vị đều đã biết rõ những con số thống kê, nhưng những con số ấy đáng để nhắc lại. Ngân hàng Thế giới ước tính với TPP, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 10% từ nay đến năm 2030 so với không có TPP. Đây sẽ là lợi ích lớn nhất cho bất kỳ quốc gia nào tham gia TPP. Một nghiên cứu khác ước tính rằng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng thêm 30% từ giờ đến năm 2030 so với tỷ lệ không có TPP. Những lợi ích cho Việt Nam là rất lớn và bao gồm tăng trưởng kinh tế được cải thiện và duy trì, tiếp cận thị trường tốt hơn, đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều hơn và nâng cao các sản phẩm trong chuỗi giá trị.
Cuối cùng về phần thực hiện, tôi xin chốt lại với hai điểm chính. Thứ nhất, tôi khuyến khích Việt Nam đi nhanh hơn và tốt hơn hết là bắt đầu công việc sớm hơn dự định. Còn nhiều việc cần làm và tôi rất mong được thấy những tiến triển trong những tháng trước mắt. Thứ hai, tôi muốn nhấn mạnh chữ “P” trong “TPP”: Đối tác. Hiệp định này là một quan hệ đối tác: Quan hệ đối tác giữa 12 quốc gia và quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Và các đối tác sẽ làm gì? Họ hợp tác. Họ giúp đỡ lẫn nhau. Và tôi tự hào rằng với con đường trước mắt, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình nghiên cứu và thực hiện hiệp định, và cả sau khi hiệp định có hiệu lực.
Chúng tôi sẽ luôn có mặt—là đối tác, là bạn đồng hành—giúp Việt Nam tiếp tục hiện đại hóa nền kinh tế và đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Đó là những việc mà các đối tác sẽ thực hiện.
Một lần nữa, tôi cảm ơn quý vị đã quan tâm đến những ý kiến chia sẻ của tôi về Hiệp định quan trọng này. Chúng tôi mong được tiếp tục hợp tác cùng quý vị trong quá trình thực hiện Hiệp định này trong những năm sắp tới.
Xin cảm ơn!