(Bài chuẩn bị để phát biểu)
Thứ 6, ngày 29/1/2016
Chào các bạn,
Hôm nay tôi thực sự vinh dự được đứng trên cây cầu lịch sử này, nơi từng là giới tuyến chia cắt đất nước này.
Khi tôi đến Việt Nam lần đầu tiên năm 1996, tôi là một nhà ngoại giao trẻ, được cử đến đây để bắt đầu điều mà Tổng thống Clinton gọi là “một thời kỳ để hàn gắn và thời kỳ để dựng xây”.
Nhiều hình ảnh từ thời điểm đó vẫn còn sống động trong ký ức của tôi.
Một trong những hình ảnh đó là về cây cầu này, nơi tôi đến trong chuyến đạp xe gần 2000 cây số từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi đứng ở đây, nhìn vào những gì trông giống như các ao nước điểm khắp khung cảnh nơi đây.
Một phụ nữ đứng tuổi đã nói bằng tiếng Việt, rằng đó không phải là ao, mà là những chỗ bị bom dội xuống, trong đó có cả ngôi làng của bà. Khi tôi nói với bà rằng tôi là đại diện của chính quyền và nhân dân Mỹ, bà đã trả lời tôi bằng những từ ngữ thân tình mà khiến tiếng Việt trở thành một ngôn ngữ hết sức gần gũi “Hôm nay, chúng ta là anh chị em”.
Cuộc nói chuyện này minh họa cho tôi hai điều quan trọng. Thứ nhất, người Việt Nam nhớ đến quá khứ của mình, nhưng chú trọng xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Thứ hai, họ muốn có một mối quan hệ mới, tốt đẹp hơn với người dân Mỹ để là một phần của tương lai đó.
Trong chuyến đạp xe này tôi cũng đã gặp nhiều người Việt Nam mà tôi sẽ luôn nhớ đến: những người hoạt động để bảo vệ môi trường, những người làm việc để đem giáo dục đến cho thanh thiếu niên Việt Nam. Nhìn vào sự hợp tác và tình hữu nghị ngày càng lớn mạnh, tôi nhận ra rằng, điều này là đúng – hôm nay, chúng ta là anh chị em.
Xin cảm ơn các bạn đã tham gia cùng tôi hôm nay tại địa danh lịch sử này và chia sẻ thời khắc này với tôi.
Xin cảm ơn.