Hà Nội ngày 11 tháng 5 năm 2019 – – Hôm nay, Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống AIDS (PEPFAR), thông qua Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội phát động chiến dịch truyền thông Không phát hiện bằng Không lây truyền (K=K) tại Hà Nội với Lễ phát động được tổ chức tại Công viên Thống Nhất. Sự kiện này được Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/VAIDS và Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đồng chủ trì. Tổ chức Hợp tác vì sự Phát triển Y tế Việt Nam, Doanh nghiệp xã hội Hải Đăng và Đại học Y Hà Nội cùng phối hợp để triển khai chiến dịch này.
Tại Lễ phát động, Sở Y tế Hà Nội và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã công bố chiến dịch truyền thông K = K để giúp đạt được các mục tiêu 90-90-95 về kiểm soát dịch của thành phố vào năm 2019 (có nghĩa là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% những người nhiễm HIV biết tình trạng HIV của mình được điều trị ARV; và 95% người điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp dưới ngưỡng phát hiện). Các tổ chức cộng đồng và đông đảo sinh viên đã hưởng ứng chiến dịch qua các hình thức biểu diễn văn nghệ trên sân khấu, đối thoại và gian trưng bày/triển lãm/tranh ảnh, v.v…Đại diện của các cơ quan chính phủ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức dựa vào cộng đồng làm việc với bệnh nhân HIV, những người sống chung với HIV, và các cơ quan thông tấn báo chí đã đến tham dự sự kiện này.
K = K là một phong trào toàn cầu, hướng đến cộng đồng dựa trên 4 nghiên cứu quy mô lớn trên khắp 5 châu lục. Các nghiên cứu này đã chứng minh rằng không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục khi bạn tình có HIV đang điều trị có hiệu quả bằng thuốc kháng vi rút ARV và đạt tải lượng vi rút ở ngưỡng không phát hiện được. Những phát hiện có tính đột phá này đã làm dấy lên phong trào K=K tại Việt Nam, vận động việc tiếp cận các dịch vụ HIV và giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới và các nhóm quần thể đích khác bị ảnh hưởng bởi HIV tại Việt Nam. Đại sứ Kritenbrink đã nêu trong bài phát biểu khai mạc, “K bằng K là phát hiện có tính đột phá. Một khi được điều trị hiệu quả, những người sống chung với HIV không còn phải lo sợ rằng họ có thể lây nhiễm HIV cho bạn tình, điều vốn là nguyên nhân chính của sự kỳ thị. Giờ đây họ có thể sống một cuộc sống khỏe mạnh, mãn nguyện và vui vẻ mà không phải chịu đựng gánh nặng này. Những người âm tính với HIV không còn sợ bị lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục từ bạn tình có HIV khi người này có tải lượng vi rút không thể phát hiện được. Việc điều trị HIV thành công và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm là những cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa lây nhiễm HIV, điều này đã được minh chứng”.
CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội và các đối tác – với sự hợp tác rộng rãi về y tế giữa các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các tổ chức dựa vào cộng đồng, và các trường đại học – đang triển khai chiến dịch hướng đến nhiều đối tượng mục tiêu khác nhau ở khu vực đô thị để thúc đẩy việc phổ biến thông điệp K = K. Chiến dịch K = K tại Hà Nội là một phần trong mục tiêu của CDC và PEPFAR về sự tham gia của cộng đồng thông qua việc tăng cường cả hợp tác công – tư và hợp tác giữa các tổ chức giáo dục với cộng đồng để giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV.
Thành công trong việc lan tỏa thông điệp K=K tại Hà Nội đòi hỏi thông điệp và yếu tố khoa học đằng sau đó được những người sống chung với HIV, các nhóm quần thể đích, và nhân viên y tế hiểu rõ. Thông qua một loạt các sự kiện công cộng, chiến dịch truyền thông với sự kết hợp của truyền thông dạng ấn phẩm và truyền thông quảng bá, các khóa đào tạo dành cho nhân viên y tế, chiến dịch K = K Hà Nội sẽ nêu bật được thông điệp thống nhất về K = K đến công chúng, đến hệ thống chăm sóc y tế, và cộng đồng.
(Hết thông cáo)