Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ con người Hoa Kỳ Tom Price đã phát biểu tại Hội nghị cấp cao về Y tế và Kinh tế lần thứ 7 của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Bộ trưởng Price tham dự hội nghị APEC khi đang thực hiện chuyến thăm đến ba nước Châu Á với mục tiêu hỗ trợ những nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong an ninh y tế toàn cầu.
Nội Dung Bài Phát Biểu –
Kính thưa Tiến sĩ Bollard, Bộ trưởng Bộ Y tế Tiến, các Bộ trưởng và các nhà lãnh đạo cấp cao: Tôi rất vinh dự khi được tham gia cùng các bạn trong Hội nghị cấp cao thường niên lần thứ 7 về Y tế và Kinh tế ngày hôm nay và tham dự Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương lần đầu tiên.
Tôi xin thay mặt Chính phủ Hoa Kỳ gửi lời cảm ơn đến nhân dân Việt Nam vì đã chào đón chúng tôi tới đất nước xinh đẹp của các bạn và tổ chức cuộc họp tại thành phố tuyệt vời này.
Tổng thống Trump gửi lời chào đến Việt Nam. Ông mong đợi chuyến thăm Việt Nam và tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC tại Đà Nẵng vào tháng 11 tới.
Tổng thống Trump là một nhà kiến tạo, điều này có nghĩa là ông đánh giá cao tầm nhìn, cam kết và nỗ lực nhằm xây dựng một thể chế có quy mô lớn và tầm ảnh hưởng như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương.
Chưa đầy 30 năm trước, một thế hệ lãnh đạo của Vành đai Thái Bình Dương đã nhìn về tương lai và nhận thấy rằng làn sóng tăng trưởng và thịnh vượng tiếp theo sẽ được xây dựng trên cơ sở hợp tác – thay vì xung đột – giữa các nền kinh tế.
Vì vậy, họ cùng nhau thành lập Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương. Họ làm như vậy không chỉ để chuẩn bị cho một khu vực Thái Bình Dương hội nhập về kinh tế và năng động mà chúng ta biết đến ngày nay mà còn nhằm hỗ trợ xây dựng khu vực ấy.
Bằng cách cải thiện các mối quan hệ thương mại, thống nhất các quy định, đơn giản hóa thủ tục hải quan, và thúc đẩy dòng vốn tự do, APEC đã xúc tiến tăng trưởng và phát triển ở khu vực Thái Bình Dương. Từ năm 1989 đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người tăng 74% đối với người dân tại các nền kinh tế thành viên APEC, nơi mà dòng chảy thương mại tăng xấp xỉ 7 lần trên toàn khu vực.
Ngay từ những ngày đầu, Hoa Kỳ đã là một đối tác mạnh mẽ và nhiệt tình trong nỗ lực nhằm khuyến khích hợp tác khu vực và thúc đẩy phát triển kinh tế thịnh vượng trên diện rộng. Và dưới chính quyền của Tổng thống Trump – một nhà kiến tạo trong Nhà Trắng – chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ APEC và đóng vai trò lãnh đạo trong việc tăng cường quan hệ đối tác vốn đã là nền tảng cơ sở để xây dựng nên APEC.
Hoa Kỳ công nhận rằng cách duy nhất để giải quyết những thách thức chung đó là mọi người cùng hợp tác với nhau. Điều đó đồng nghĩa với việc kêu gọi sự tham gia thảo luận từ tất cả các nền kinh tế trong khu vực Thái Bình Dương và tích cực gắn kết với khu vực tư nhân.
Sự thật là APEC sẽ khó có thể thành công như hiện nay và sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ sẽ không mạnh mẽ như lúc này – nếu không có sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân.
Khi nền kinh tế của chúng ta trở nên hội nhập hơn thì nhu cầu hợp tác ở các lĩnh vực khác cũng trở nên rõ ràng hơn. Bảo vệ chống lại các đại dịch truyền nhiễm và thúc đẩy y tế toàn cầu là một ví dụ quan trọng.
Từ đầu thế kỷ 21, chúng ta đã chứng kiến không ít mối đe dọa trên toàn cầu. Chúng bao gồm những kinh nghiệm gần đây của chúng ta với Ebola ở Tây Phi, SARS ở Châu Á, Zika ở Châu Mỹ và MERS-CoV ở Trung Đông. Tất nhiên, một số đại dịch kể trên vẫn đang là mối đe dọa ngày nay. Và một số khác thì có khả năng sẽ bùng phát trong tương lai, đặc biệt là khi các chủng cúm mới luôn luôn ẩn chứa nguy cơ tiềm tàng.
Sự bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm có thể bắt đầu ở bất cứ đâu và không phân biệt biên giới. Vì vậy, những nỗ lực của chúng ta để phòng ngừa và chống lại chúng cũng phải vượt qua những ranh giới đó.
Việc chuẩn bị tốt cho những mối đe dọa này sẽ làm giảm số người tử vong, ít thương tổn hơn và làm giảm nguy cơ gián đoạn đối với nền kinh tế của chúng ta. Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực y tế toàn cầu, trong việc thực hiện Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu và trong việc xây dựng năng lực thực hiện Điều lệ Y tế Quốc tế. Đó là lý do tại sao chúng tôi thực hiện Cuộc đánh giá chung về năng lực (JEE) của mình và tại sao chúng tôi tiếp tục khuyến khích những quốc gia khác thực hiện đánh giá tương tự. Nước chủ nhà của chúng ta và chủ trì APEC, Việt Nam, nên được tuyên dương vì cam kết của Việt Nam đối với quá trình này và việc hoàn thành JEE. Hoa Kỳ cam kết tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo, hợp tác với các nền kinh tế khác để bảo vệ nhân dân và cộng đồng của chúng ta.
Nhưng việc chuẩn bị đối phó các mối đe dọa toàn cầu vượt xa các chính sách công trong nước và quốc tế. Nó cũng đòi hỏi sự tham gia hiệu quả của khu vực tư nhân và xã hội dân sự. Trong cuộc khủng hoảng Ebola, chúng ta đã thấy hiệu quả của khu vực tư nhân trong việc tận dụng các nguồn lực, chuyên môn kỹ thuật và các giải pháp sáng tạo nhằm hỗ trợ giành chiến thắng trong những cuộc chiến này.
Các tổ chức phi chính phủ có thể cung cấp các mạng lưới quốc tế độc đáo và sự nhạy cảm văn hoá, điều rất quan trọng trong việc ngăn chặn các mối đe dọa đối với sức khoẻ của chúng ta. Tất cả những nỗ lực này đã cùng nhau phối hợp tại tâm chấn của dịch bệnh Ebola tại Monrovia, Liberia, nơi chính phủ Mỹ, chính phủ Liberia, các chính phủ khác trên thế giới cũng như Tổ chức Y tế Thế giới, Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ và nhà thờ địa phương cùng nhau tham gia để ngăn chặn một căn bệnh đe doạ sẽ xóa sổ Tây Phi.
Mức độ phối hợp tại thời điểm đó đóng vai trò rất quan trọng để đạt được thành công trong hoàn cảnh lúc bấy giờ. Đó cũng là mức độ phối hợp cần thiết để giải quyết một trong những đại dịch truyền nhiễm nguy hiểm nhất – một mối nguy có thể bộc phát từ chính hệ thống y tế của chúng ta: đó là kháng kháng sinh. Đây là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với y tế của thời đại chúng ta và nó sẽ đòi hỏi mọi công cụ mà chúng ta có để chống lại mối nguy này. Chúng ta đã rất ấn tượng với nỗ lực phối hợp của APEC nhằm gắn kết các khu vực công tư để chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất về quản lý thuốc kháng sinh và tăng cường khả năng báo cáo.
Có những thách thức khác đòi hỏi sự chú tâm của chúng ta và lợi ích từ sự tham gia của quốc tế. Một trong số đó là đại dịch HIV/AIDS. Thông qua hợp tác quốc tế, nhiều nước đã có những tiến bộ đáng kể trong việc kiểm soát dịch bệnh.
PEPFAR, Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS, đã giúp trao quyền cho các chính phủ và các tổ chức dân sự trên khắp thế giới để giải quyết hiệu quả mối đe dọa nghiêm trọng từ HIV. Ở Việt Nam, hàng ngàn người vẫn duy trì được sự sống nhờ sử dụng thuốc kháng retrovirus họ nhận được thông qua PEPFAR. Các thách thức nguy hiểm vẫn còn đó, đặc biệt trong số những người dễ bị nhiễm bệnh nhất, nhưng Việt Nam, như một ví dụ điển hình, đã đạt được những bước tiến đáng khen ngợi trong cuộc chiến chống đại dịch này và các ca nhiễm HIV mới đang giảm dần.
Tất nhiên, đây không phải là cách duy nhất mà PEPFAR phát triển thành mối quan hệ đối tác thực sự. Các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ trên khắp thế giới cũng biết rằng khi chúng ta khám phá ra cách áp dụng giải pháp cho một chuỗi thách thức, chúng ta thường mở ra những cơ hội để giải quyết những thách thức khác. Ví dụ: Cơ quan Quản lý Sức khỏe Tâm thần và Lạm dụng chất gây nghiện – một đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ con người của chúng tôi làm việc thông qua PEPFAR nhằm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để mở rộng các chương trình điều trị ma tuý ở Việt Nam. Các chương trình này đang nhanh chóng phát triển về chất lượng và hiệu quả.
Đồng thời, trong lúc chúng ta đang thảo luận thì mô hình mà PEPFAR áp dụng để chống lại đại dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đang tiến triển để theo kịp những thách thức và cơ hội đang thay đổi xung quanh chúng ta. Sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đang chuyển từ cung cấp dịch vụ trực tiếp sang nâng cao năng lực và chuyên môn kỹ thuật. Ở một số vùng của Việt Nam, sự chuyển dịch đó đã hoàn thành và đó là một vinh dự lớn cho Hoa Kỳ trong việc nâng cao năng lực tại đây. Đó là một lời nhắc nhở với thế giới rằng những sự hợp tác như vậy thay đổi tích cực theo thời gian và các mối quan hệ mang tính xây dựng đã được phát triển.
Trong xây dựng mối quan hệ đối tác, các quốc gia có thể tăng cường năng lực và cam kết nhằm giải quyết tốt hơn các mối đe dọa đối với sức khoẻ cộng đồng. Ví dụ, Liên minh chống bệnh sốt rét của lãnh đạo khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã được ký kết tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Brunei. Khi 19 lãnh đạo chính phủ Châu Á và Thái Bình Dương, đại diện cho hơn một nửa dân số thế giới, cùng tham gia vì những lo ngại về nguy cơ kháng thuốc đang gia tăng và mục tiêu về một Châu Á Thái Bình Dương không còn bệnh sốt rét vào năm 2030, điều đó nói lên rất nhiều về sự cam kết của lãnh đạo nhằm xúc tiến và điều phối các hoạt động của khu vực nhằm phòng chống bệnh sốt rét và cải thiện an ninh y tế trong khu vực.
Một thách thức về sức khoẻ khác mà chúng ta có thể – và phải vượt qua thông qua hợp tác đa phương là đảm bảo tiếp cận với thuốc có khả năng cứu sống sinh mạng. Thực hiện điều này không phải lúc nào cũng đơn giản. Nhưng APEC có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp hài hoà các quy định trên toàn thế giới và cho phép những đổi mới lan tỏa càng nhanh càng tốt.
Vào hôm thứ Hai vừa qua, các thành viên của phái đoàn Hoa Kỳ của chúng tôi đã tham gia vào Đối thoại cấp cao về Sáng kiến, Hệ thống Quy định và Hợp nhất về Quy tắc. Cuộc họp này nhấn mạnh công việc quan trọng mà APEC đã đạt được trong việc thúc đẩy sự thống nhất các tiêu chuẩn chung đối với dược phẩm. Hợp nhất về quy định, mạng lưới giữa các bên liên quan và chia sẻ các biện pháp thực tiễn tốt nhất là những bước chính trong việc thúc đẩy y tế toàn cầu.
Những nỗ lực này có hiệu quả tại APEC một phần nhờ vào việc chúng ta tích cực gắn kết với khu vực tư nhân. Khu vực tư nhân chính là nơi có động lực thúc đẩy sự phát triển các phương pháp điều trị nhằm bảo vệ sinh mạng con người trong tương lai. Việc chúng ta hoan nghênh quan điểm của họ cho phép chúng ta tiến xa hơn nữa. Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ đã và đang cam kết giữ vững một vị thế dẫn đầu quốc tế trong việc khuyến khích sự đổi mới của khu vực tư nhân – sự đổi mới có thể giúp chống lại sự phổ biến các loại thuốc không đạt tiêu chuẩn hoặc giả mạo và đảm bảo việc tiếp cận các loại thuốc an toàn. Hành động của APEC trong lĩnh vực này là một bước quan trọng và là một mô hình để các chính phủ và ngành nghề có thể cùng hợp tác để cải thiện sức khoẻ và phúc lợi của người dân.
Từ những ngày đầu lập quốc, người dân Mỹ và thể chế của họ đã công nhận rằng nguồn cội thực sự của phát triển kinh tế, sự thịnh vượng và năng động là khả năng sáng tạo vô hạn của nhân loại và khát khao làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Các chính phủ có thể và nên đảm bảo khuyến khích cho sáng kiến đổi mới và những nỗ lực làm việc bằng cách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Trong lĩnh vực y học, yếu tố thị trường của hệ thống tài chính y tế Hoa Kỳ đã giúp tạo ra một số bước tiến lớn nhất thế giới về kiến thức và đổi mới trong công nghệ. Ngày nay, chúng ta đang đứng trước những đột phá mới mẻ có khả năng làm cho việc sử dụng thuốc trong tương lai trở nên chính xác hơn, thân thiện với người dùng hơn, được cá nhân hoá và hiệu quả hơn bao giờ hết. Và điều đó sẽ không trở thành hiện thực nếu không có khả năng sáng tạo và mong muốn khám phá vô tận của khu vực tư nhân.
Như các bạn đã biết, sức khoẻ yếu – đặc biệt là gánh nặng về bệnh mãn tính – có thể gây ra những hậu quả kinh tế nghiêm trọng, đó là một trong những lý do khiến Hội nghị cấp cao về Sức khoẻ và Kinh tế có vai trò rất quan trọng.
Y tế và kinh tế luôn tác động qua lại với nhau. Cho dù bạn nhìn vào cá nhân, cộng đồng, nền kinh tế, hay thế giới thì thịnh vượng về kinh tế và sự theo đuổi hạnh phúc luôn luôn phụ thuộc vào sức khoẻ tốt. Bất kể bạn là ai và bạn sinh sống ở đâu, khả năng theo đuổi ước mơ và đạt được tiềm năng thiên phú của bản thân luôn gắn liền với sức khoẻ của bạn.
Nhưng chỉ gần đây chúng ta mới có thể định lượng mức độ quan trọng của sức khoẻ đối với thành công về mặt kinh tế và sự thành đạt của mỗi cá nhân.
Ví dụ, các Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ ước tính rằng chi phí trung bình hàng năm cho bệnh tim mạch ở Hoa Kỳ là 316 tỷ đô la. Và hơn một phần ba con số đó xuất hiện dưới hình thức “tổn phí năng suất lao động” do tử vong sớm. Tương tự, bệnh tiểu đường khiến nền kinh tế Mỹ mất đi khoảng 69 tỷ đô la mỗi năm vì nó khiến cho người lao động phải bỏ lỡ công việc, giảm năng suất làm việc hoặc phải hoàn toàn ngừng làm việc.
Những con số này rất đáng kinh ngạc. Nhưng chúng vẫn chưa đủ để khắc họa rõ nét những thách thức về y tế và tại sao chúng ta phải cống hiến hết mình để chiến đấu với những thách thức này. Với những người cống hiến cả đời để chữa trị cho bệnh nhân, họ chiến đấu với những thách thức này không phải vì họ muốn tăng năng suất lao động, mà bởi vì họ cảm thấy sự thôi thúc cần giảm bớt nỗi đau đớn và làm đem lại niềm an ủi cho những người khốn khổ.
Sức khoẻ của một cộng đồng dân số có thể có ý nghĩa về kinh tế vĩ mô nhưng xin đừng quên rằng trên thực thế, biện pháp chữa trị thực sự diễn ra ở mức độ vi mô – mức độ con người – ở đó các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân; các cá nhân và gia đình xây dựng thói quen lành mạnh và các thành viên cộng đồng cùng nhau hợp tác để tất cả đều có được cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc.
Cả cha và ông tôi đều là bác sĩ, vì vậy từ khi còn rất nhỏ, tôi đã được chứng kiến rõ nét lòng trắc ẩn – yếu tố thúc đẩy các nhân viên y tế trong công việc của họ, và trách nhiệm cá nhân – yếu tố quyết định rất nhiều đến kết quả về tình trạng sức khoẻ của chúng ta.
Những bài học tôi đã học được từ họ và bệnh nhân của họ đã truyền cảm hứng cho tôi theo đuổi nghề y khoa. Và họ đã dạy tôi rằng những chi phí thật sự của tình trạng sức khỏe yếu không thể đo được bằng đô la hoặc hàng giờ làm việc kém năng suất. Chúng được đo bằng nỗi buồn vô hạn của việc mất đi người thân yêu, cơn đau thể chất khi phải chống lại bệnh tật hoặc phải vật lộn với tình trạng sức khoẻ suy nhược và nỗi đau đớn khi không thể đạt được hết tiềm năng của bạn.
Những năm tháng quý giá của chúng ta chỉ đơn giản là vậy – là những năm quan trọng nhất của cuộc đời chúng ta. Nhưng nhiều khi chúng bị đánh cắp bởi bệnh tật. Đây là những năm tháng mà trẻ em phải lớn lên mà không có cha mẹ, hay một gia đình phải chật vật kiếm kế sinh nhai năm này qua năm khác. Bi kịch khi một căn bệnh làm suy giảm khả năng làm việc của chúng ta thậm chí có tác động nhiều hơn những gì được thể hiện qua những số liệu thống kê về thu nhập – nó thể hiện qua bi kịch không thể nuôi sống gia đình, hoặc chật vật để nuôi dạy con cái.
Hoa Kỳ cam kết tiếp tục hoàn thành phần việc của mình trong nỗ lực bảo vệ và thúc đẩy sức khoẻ và phúc lợi của người dân khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Và chúng tôi kêu gọi tất cả các bạn và những người mà các bạn phục vụ, hãy cùng tham gia cùng chúng tôi. Chúng tôi sẵn lòng và luôn sẵn sàng trở thành một đối tác mạnh mẽ với những người có chung cam kết với chúng tôi nhằm giải quyết những thách thức này.
Trong khi chúng ta tiếp tục tham gia vào các sáng kiến bảo vệ sức khoẻ toàn cầu, đồng thời mỗi chúng ta phải tiếp tục đầu tư cho khả năng chuẩn bị ứng phó và phần nhiều không dựa vào các bên khác trong việc bảo vệ hoặc giảm thiểu tác động sau khi dịch bệnh xảy ra.
Và khi chúng ta làm việc cùng nhau để đưa thuốc đến mọi ngõ ngách và cộng đồng trên thế giới, chúng ta kêu gọi tất cả mọi người cùng nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo để có thể tạo ra thế hệ phương pháp điều trị y tế tiếp theo.
Thúc đẩy sức khoẻ và hạnh phúc của cộng đồng chúng ta là điều mang lại chúng ta đến đây hôm nay. Chúng ta hãy nhớ đến những cá nhân mà chúng ta phục vụ và những tính mạng mà chúng ta cống hiến hết mình để cứu chữa.
Cảm ơn bạn vì tất cả những gì các bạn đã thực hiện trong sự nghiệp đó, và cảm ơn bạn đã cho tôi cơ hội tham gia cùng các bạn hôm nay.
(hết)