Ngày 18/1/2015 tại TPHCM
Trung tâm Hoa Kỳ
Câu hỏi 1: Ngài có thể đánh về môi trường kinh doanh tại Việt Nam? Các công ty Mỹ có gặp khó khăn gì ở thị trường này không? Họ có đề xuất thay đổi gì về môi trường đầu tư?
Đại sứ Ted Osius: Khi bạn nhìn vào khu vực Đông Nam Á ở phạm vi rộng, Hoa Kỳ là nhà đầu tư số một. Vì vậy, chúng ta phải tìm hiểu tại sao Hoa Kỳ không phải là nhà đầu tư số một tại Việt Nam. Và tôi nghĩ có một số lý do. Tôi nghĩ chúng tôi có thể trở thành nhà đầu tư số một trong tương lai, nhưng chúng ta phải làm việc nghiêm túc cùng nhau để trở thành nhà đầu tư số một. Tôi nghĩ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tạo cho chúng ta những cơ hội to lớn để gia tăng thương mại và đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Khi tôi hỏi các doanh nghiệp Hoa Kỳ điều gì là quan trọng đối với họ, họ cho biết rất muốn có một sân chơi công bằng; họ thực sự muốn tôn trọng các điều khoản hợp đồng. Họ muốn công bằng, minh bạch, và khả năng có thể dự đoán trước. Vì vậy, cách đây vài ngày tôi có cuộc gặp với Chủ tịch UBND TPHCM và tôi nói rằng chúng ta có cơ hội to lớn từ TPP. Đây là điều các nhà đầu tư Hoa Kỳ quan tâm. Và tôi hỏi ngài Chủ tịch liệu chúng ta có thể tạo ra một cơ chế cụ thể để giúp các nhà đầu tư liên lạc với UBND TPHCM, để khi chúng ta gặp trở ngại, khi có vấn đề mà nhà đầu tư Hoa Kỳ gặp phải ở đây, họ sẽ có nơi chốn cụ thể để đến và giải quyết vấn đề đó. Ngài Chủ tịch nói “Có, chúng ta có thể có cơ chế đó”. Vì vậy, tôi sẽ tiếp tục làm việc với Ngài Chủ tịch và chúng ta sẽ thiết lập cơ chế đó. Tin vui là kể từ khi tôi đến đây ngày càng có nhiều cơ hội để đối thoại về những vấn đề này. Hiện nay đã có Liên minh Thuận lợi hóa Thương mại Việt Nam, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, ngày càng có nhiều cơ hội hơn trước kia để trao đổi về cách thức nhằm cải thiện môi trường thương mại và đầu tư. Hiện thương mại và đầu tư đã lớn hơn rất nhiều so với trước kia. Hiện nay chúng ta đang nói về số tiền 30 tỉ USD một năm trong khi trước kia chỉ có rất ít doanh nhân ở đây với một kim ngạch thương mại rất nhỏ. Nhưng tôi muốn chúng ta tiếp tục phát triển mối quan hệ đó và chúng ta có nhiều công cụ để thực hiện điều này.
Câu hỏi 2: Tôi cảm thấy Ngài thực sự thích nói tiếng Việt. Vậy Ngài luyện tập nói tiếng Việt như thế nào?
Ồ, tôi nghĩ điều đó giúp ích rất nhiều. Thứ nhất, điều đó có nghĩa là tôi có sự gắn bó sâu sắc với đất nước này. Tình cảm sâu sắc (nói bắng tiếng Việt). Và tôi học tiếng Việt khi còn trẻ, do vậy giờ tôi có thể nói tiếng Việt và hiểu tiếng Việt, mặc dù tôi còn phải học nhiều vì tiếng Việt không hề dễ dàng. Tôi nghĩ điều đó có một phần là tôi đã kết bạn với nhiều người khi tôi ở đây trước kia và đã đi khắp đất nước đến rất nhiều tỉnh thành của Việt Nam. Vì vậy, hiện giờ khi bắt đầu nhiệm kỳ đại sứ, tôi đã có hiểu biết cơ bản về Việt Nam và tôi nghĩ rằng mọi người biết tôi rất quan tâm đến đất nước này và tôi tôn trọng lịch sử Việt Nam, tôi tôn trọng văn hóa, ngôn ngữ, và người Việt. Tôi nghĩ điều đó cho tôi những cơ hội thực sự để tham gia và giúp làm sâu sắc quan hệ đối tác mà Tổng thống và Chủ tịch của chúng ta đã ký trong năm 2013 trên nhiều lĩnh vực, trong đó có củng cố quan hệ giữa người dân hai nước.
Câu hỏi 3: Những thách thức đối với quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ hiện nay so với năm 1995 kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao? Làm cách nào để làm sâu sắc thêm mối quan hệ đó kể từ nay?
Có hai mối quan hệ giữa nhân dân hai nước. Đó là quan hệ giữa người dân hai nước và quan hệ giữa hai chính phủ. Và vì vậy có một chút chồng chéo giữa hai mối quan hệ này. Một trong những lý do tôi đến đây cuối tuần này là chúng ta đã có mối quan hệ về giáo dục rất sâu sắc và tôi muốn xem liệu chúng ta có thể làm cho sâu sắc thêm mối quan hệ này không. Hiện đã có 16.500 du học sinh Việt Nam đang theo học tại Hoa Kỳ. Chúng ta cũng có thành tích 20 năm từ Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, giảng dạy kinh tế theo phong cách Mỹ ở Sài Gòn. Trong tương lai, chúng tôi mong muốn không chỉ thành lập trường đại học tốt nhất ở Việt Nam mà còn là trường đại học mới, tốt nhất trên thế giới. Trường đại học đó sẽ đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh, đó là trường Đại học Fulbright Việt Nam. Quốc hội Hoa Kỳ đã quyết định rằng đây thực sự là dự án đáng đầu tư và đang đầu tư hàng triệu đô la và từ quy mô của sự đầu tư này các bạn sẽ thấy Hoa Kỳ nghiêm túc như thế nào về quan hệ giáo dục giữa hai nước. Tôi đã nhận thấy có sự quan tâm của các công ty và cá nhân Hoa Kỳ cũng như các công ty và cá nhân Việt Nam mong muốn được đầu tư vào dự án lớn và quan trọng này. Chúng tôi tin dự án này sẽ giúp tăng cường mối quan hệ về giáo dục giữa hai nước chúng ta và củng cố hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam. Vì vậy, mối quan hệ giữa người dân hai nước thực sự quan trọng. Và chúng ta cũng có những mối quan hệ rất mạnh mẽ trong các lĩnh vực như y tế, môi trường, khoa học công nghệ mà tôi nghĩ có thể được mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa trong tương lai.
Đây là những mối quan hệ không nhất thiết phải có sự chỉ đạo từ hai chính phủ của chúng ta. Trong nhiều trường hợp, chính những nhà nghiên cứu làm việc cùng nhau. Hay đó là những nhân viên y tế hay thành viên của các tổ chức xã hội dân sự đang làm việc cùng nhau. Và chính phủ của chúng ta chỉ hỗ trợ một chút và thúc đẩy ban đầu nhưng lại phát triển vượt ra phạm vi của chính phủ. Chúng ta có một tài sản to lớn đó là có hơn hai triệu người ở Hoa Kỳ có nguồn gốc Việt. Họ là nguồn lực to lớn giúp làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa người dân hai nước. Về cấp độ quan hệ giữa chính phủ hai nước, tôi nghĩ chúng ta có TPP và tham vọng mở đường bay trực tiếp giữa hai nước, chúng ta có cơ hội củng cố thực sự quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước. Chính các công ty của chúng ta sẽ quyết định dựa trên việc hợp tác cùng nhau để có năng suất và lợi nhuận. Họ sẽ quyết định dựa vào môi trường mà chúng ta, hai chính phủ của chúng ta tạo ra. Từ đó những mối quan hệ này sẽ phát triển độc lập với chính phủ. Và các nhà đầu tư sẽ đưa ra quyết định độc lập với chính phủ nhưng những quyết định này sẽ giúp tăng cường quan hệ. Quan hệ về thương mại sẽ củng cố quan hệ giữa hai nước theo nhiều cách thực sự quan trọng. Hai chính phủ của chúng ta đã quyết định củng cố mối quan hệ về an ninh. Việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương là một phần của mối quan hệ đã được củng cố đó, nhưng chúng ta vẫn đang làm việc cùng nhau ngày càng nhiều trong các lĩnh vực thực thi luật pháp, cứu trợ thảm họa nhân đạo và tìm kiếm cứu nạn. Có rất nhiều tiềm năng trong quan hệ về an ninh. Tôi nghĩ có rất nhiều tiềm năng để chúng ta hợp tác cùng nhau trong lĩnh vực quản trị. Điều đó có nghĩa là các cuộc đối thoại tôn trọng lẫn nhau về luật pháp và nhân quyền. Và đối thoại tôn trọng lẫn nhau về minh bạch trong quản trị và trao đổi tôn trọng lẫn nhau về những ý tưởng về cách quản lý xã hội tốt hơn. Vì vậy, tôi nghĩ có tiềm năng to lớn trong tất cả các lĩnh vực để làm sâu sắc quan hệ đối tác của chúng ta. Đó là lý do tại sao Tổng thống Obama cử tôi sang đây. Tổng thống cử tôi sang đây bởi vì ông biết rằng tôi là một người bạn của Việt Nam và ông biết rằng tôi sẽ làm việc tích cực hết sức để dỡ bỏ những chướng ngại ngăn cản mối quan hệ sâu sắc của chúng ta và tôi sẽ làm hết sức mình trên tất cả các lĩnh vực này để củng cố mối quan hệ giữa hai nước chúng ta.
Câu hỏi 4: Thay đổi gì khiến Ngài ngạc nhiên nhất khi trở lại Việt Nam?
Tôi nghĩ mỗi lần tôi trở lại Thành phố Hồ Chí Minh và tôi đã trở lại Thành phố Hồ Chí Minh rất nhiều lần trong vòng gần 20 năm qua, tôi luôn ngạc nhiên về sự năng động nơi đây. Tôi luôn ngạc nhiên về những điều mới mẻ, về sự phát triển, sự sôi nổi và nghị lực của người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi cũng tìm thấy điều đó ở Hà Nội. Có nhiều sự năng động, nghị lực ở những người trẻ nói riêng, và đất nước này ngày càng thịnh vượng hơn nhiều so với khi tôi ở đây trước kia. Có một sân bay mới ở Hà Nội, sân bay Nội Bài, và một đường cao tốc dẫn đến sân bay đó. Cơ sở hạ tầng tốt hơn và các cửa hàng phồn vinh hơn. Đồ ăn luôn rất ngon, nhưng tôi cũng muốn nói ngay cả các nhà hàng cũng tốt hơn so với những gì tôi nhớ trước đây. Nhưng cũng có rất nhiều hoạt động tích cực trên mạng. Có nhiều người đang trao đổi ý tưởng thông qua Internet theo những cách họ không thể thực hiện được trước đây. Trước kia không có nhiều người sử dụng Facebook. Vì vậy đối với tôi có cảm giác như đất nước này đang phát triển theo rất nhiều cách và người trẻ tràn đầy hy vọng và mong chờ vào tương lai. Điều đó rất đáng ngạc nhiên, khiến tôi hạnh phúc và hài lòng bởi vì tôi mong muốn, giống như rất nhiều người Mỹ, giống như Tổng thống và Ngoại trưởng của chúng tôi, là Việt Nam trở nên vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, tôn trọng pháp luật và nhân quyền. Chúng tôi muốn Việt Nam thành công, và tôi cảm thấy nguồn năng lượng đó đến cùng với thành công khi tôi trở lại đây.
Câu hỏi 5: Ngài có nghĩ rằng các cuộc đàm phán TPP sẽ kết thúc trong năm nay?
Tôi rất tự tin về TPP. Và hiện giờ tôi còn tự tin hơn nhiều so với khi tôi mới đến đây cách đây vài tháng. Chúng ta vừa có vòng đàm phán song phương tại Hà Nội và các nhà đàm phán của chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ. Tôi đã gặp các nhà lãnh đạo của các bạn, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Bộ trưởng Thương mại và các nhà lãnh đạo khác và tôi tin có sự cam kết sâu sắc về việc hoàn thành đàm phán TPP với Hoa Kỳ. Tôi biết chắc rằng giới lãnh đạo Hoa Kỳ đã cam kết hoàn thành TPP. Tôi tự tin và lạc quan rằng Thượng viện Hoa Kỳ sẽ trao cho Tổng thống quyền thúc đẩy thương mại và sau một tháng ở đây, tôi cũng tự tin rằng chúng ta có thể kết thúc đàm phán để Tổng thống có thể đệ trình TPP cho Quốc hội Hoa Kỳ trong mùa xuân này. Chúng tôi hy vọng Quốc hội sẽ bỏ phiếu về TPP trong mùa hè này. Thời điểm chính xác hơi khó đoán bởi vì Quốc hội của chúng tôi sẽ tự quyết định khi nào sẽ hành động, nhưng Tổng thống muốn đệ trình TPP cho Quốc hội vào mùa xuân này. Vì vậy, tôi rất lạc quan về TPP. Nhưng tôi muốn đề cập là có một số lĩnh vực chúng tôi muốn có sự cải thiện nhằm giúp Hoa Kỳ trở thành nhà đầu tư số một, đối tác thương mại số một của Việt Nam. Tôi không muốn lặp lại những điều này nữa, nhưng tôi muốn nói về tính minh bạch, công bằng, tính dự đoán, và tôn trọng các điều khoản hợp đồng. Tất cả những điều này đều rất quan trọng và sẽ giúp chúng ta đạt được tham vọng là củng cố vững mạnh mối quan hệ về thương mại và đầu tư.
Câu hỏi 6: Mặc dù các cuộc đàm phán TPP vẫn chưa kết thúc, nhưng nhiều công ty từ châu Á đang đến Việt Nam chuẩn bị cho thời điểm hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên, tôi không thấy bất kỳ động thái nào từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ?
Tôi có thấy. Tôi thấy nhiều động thái trong việc chuẩn bị của các nhà đầu tư Hoa Kỳ. Tôi thấy nhiều công ty đã nhận thấy sẽ có nhiều cơ hội lớn có được do kết quả của TPP, đặc biệt ở đất nước này. Các bạn biết là các chuyên gia kinh tế tin rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 quốc gia thành viên. Nền kinh tế Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Tôi nghĩ Malaysia có thể là nước hưởng lợi nhiều thứ hai. Nhưng Việt Nam sẽ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Tôi đã nghe nhiều công ty Hoa Kỳ đã có những kế hoạch lớn để mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Và tôi đã nghe các công ty mới muốn đến Việt Nam bởi vì họ nghĩ rằng Việt Nam đang trở thành một điểm đến ngày càng hấp dẫn cho đầu tư và kinh doanh. Vì vậy, các công ty này đã tăng cường đến gặp tôi, gặp gỡ với đồng nghiệp tôi ở đây và các đồng nghiệp của tôi ở ngay Hoa Kỳ. Điều này là bởi vì họ thấy những cơ hội lớn có được do kết quả của TPP. Nhưng họ cũng thấy những cơ hội lớn đạt được do những tiến bộ mà Việt Nam tự mình đạt được. Và tôi nghĩ họ thấy TPP sẽ giúp nhiều điều nữa xảy ra. Các bạn chỉ cần nhìn xung quanh thành phố này để thấy rằng Việt Nam đang thịnh vượng hơn. Chính sách hội nhập đã bắt đầu thành công. Tôi nghĩ chúng tôi có trách nhiệm phải bảo đảm rằng Việt Nam còn thành công hơn nữa. Một số công ty đang chờ đợi để chứng kiến xem điều gì sẽ diễn ra khi TPP có hiệu lực. Các công ty khác tự tin cho rằng chính sách hội nhập của Việt Nam sẽ tiếp tục và vì vậy họ đang tìm kiếm cơ hội.
Câu hỏi 7: Hoa Kỳ sẽ làm như thế nào để góp phần duy trì hòa bình ở Biển Đông?
Đây không phải là chính sách mới. Chúng tôi đã đưa ra nhiều báo cáo như thế này ở nhiều nơi trên thế giới, nơi có những vấn đề tranh chấp lãnh thổ phức tạp cần giải quyết. Đây không phải là chính sách mới. Điều tôi nghĩ cần phải giải thích đó là có ba phần trong chính sách của Hoa Kỳ đối với khu vực. Thứ nhất, tiếp tục sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ trong khu vực. Thứ hai, tiếp tục ủng hộ các cơ chế luật pháp quốc tế để đảm bảo các tranh chấp lãnh thổ được giải quyết một cách hòa bình. Về vấn đề này, tôi muốn đề cập rằng khi Philippines đưa tranh chấp ra tòa án phân xử và sau đó Việt Nam đệ trình một báo cáo cũng tại tòa án đó. Đây là những cách sử dụng đến các cơ chế luật pháp quốc tế nhằm giải quyết hòa bình những tranh chấp lãnh thổ phức tạp. Hoa Kỳ không đứng theo bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ. Chúng tôi không nói rằng chúng tôi nghĩ vùng này thuộc về quốc gia này hay vùng kia thuộc quốc gia khác, nhưng chúng tôi rất quan tâm đến tiến trình. Chúng tôi muốn tiến trình đó diễn ra hòa bình. Chúng tôi không muốn các quốc gia có hành động đơn phương. Chúng tôi không muốn các quốc gia hành động theo cách hăm dọa hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, hoặc trường hợp xấu nhất là sử dụng vũ lực nhằm củng cố vị thế của mình. Chúng tôi muốn các quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế và tuân thủ theo luật pháp quốc tế. Đó là phần hai. Phần ba cũng rất quan trọng. Hoa Kỳ cam kết nâng cao năng lực cho các đối tác của mình. Chúng tôi có các đồng minh trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Úc. Chúng tôi cam kết củng cố, và giúp họ tăng cường năng lực. Chúng tôi cũng có các đối tác trong khu vực. Các đối tác quan trọng trong khu vực – Ấn Độ, Indonesia – và ngày càng quan trọng là Việt Nam. Và với các đối tác đó, đặc biệt là Việt Nam, chúng tôi sẵn sàng giúp họ nâng cao năng lực, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải. Nhờ đó, chúng tôi có thể duy trì các tuyến đường biển được tự do. Đất nước tôi đã bảo vệ sự tự do của các tuyến đường biển, chúng tôi đã nhìn nhận điều đó như một lợi ích sống còn trong 238 năm qua. Điều này không có gì mới. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng sự tự do của các tuyến đường biển là lợi ích của tất cả mọi người, và nó là nền tảng của chính sách đối ngoại của chúng tôi kể từ khi Hoa Kỳ được thành lập. Bây giờ, trong những năm gần đây, chúng tôi cũng ngày càng quan tâm đến tự do đi lại qua đường hàng không. Chúng tôi coi đó là lợi ích sống còn của Hoa Kỳ. Vì vậy, khi chúng tôi có thể giúp các đối tác của chúng tôi tăng cường năng lực tự vệ của họ cũng như giám sát những gì đang diễn ra trên các tuyến đường biển và đường hàng không quanh đất nước của họ, thì chúng tôi sẵn sàng giúp ngay. Chúng tôi có những quan hệ đối tác rất mạnh mẽ trong khu vực này và chúng tôi muốn tăng cường các mối quan hệ đó.
Câu hỏi 8: Ông thấy cần làm gì để tăng cường hơn nữa mối quan hệ quân sự?
Điều chủ chốt cần phải hiểu ở đây là chúng ta là đối tác. Chúng tôi tôn trọng việc Việt Nam lựa chọn tốc độ nào để thúc đẩy mối quan hệ quân sự về phía trước. Do vậy, hiện tại chúng ta có một biên bản ghi nhớ, tập trung vào 5 lĩnh vực: trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, an ninh hàng hải, gìn giữ hòa bình, và các cuộc đối thoại cấp cao. Đây là những lĩnh vực hợp tác mà chúng ta đã thoả thuận trong biên bản ghi nhớ. Chúng tôi hãnh diện về bản ghi nhớ và chúng tôi rất tôn trọng tốc độ mà Việt Nam muốn thực hiện. Như vậy, chúng ta sẽ cùng nhau đưa ra quyết định là chúng ta sẽ tiếp tục tiến về phía trước trong lĩnh vực đó như thế nào.
Câu hỏi 9: Những ưu tiên trong nhiệm kỳ của ông tại Việt Nam là gì?
Những ưu tiên của tôi là gì? Tôi đã đề cập đến chúng, nhưng tôi sẽ nói thêm cụ thể hơn. Ưu tiên số một là tăng cường các mối quan hệ kinh tế và thương mại. Điều đó đứng thứ nhất là vì nó là khối trọng lượng dằn, là yếu tố giữ ổn định cho tất cả những gì chúng ta làm. Số hai là tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quản trị, và tôi cũng đã đề cập. Số ba là tăng cường quan hệ an ninh của chúng ta. Số bốn là tăng cường hợp tác giáo dục và trao đổi giáo dục. Và số năm là tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực môi trường, khoa học và công nghệ, và y tế. Tôi nghĩ rằng khi tôi nói với các bạn ở lúc trước, các điều trên không được liệt kê theo một trật tự, nhưng đó là 5 ưu tiên mà tôi đã nêu ra với chính phủ Việt Nam, và chính phủ của tôi ủng hộ những ưu tiên đó như những ưu tiên hàng đầu nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác của chúng ta.
Câu hỏi 10: Cả Hoa Kỳ và Việt Nam cùng công nhận rằng mối quan hệ này ngày càng quan trọng đối với lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều việc diễn ra đòi hỏi Washington phải chú ý. Ông có nghĩ rằng có một nguy cơ nào đó có thể làm hại chủ trương của Chính phủ Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương [đặc biệt là với đối vấn đề Biển Đông]?
Hoa Kỳ là một quốc gia lớn. Hoa Kỳ có rất nhiều khả năng. Chúng tôi có thể làm nhiều việc chứ không chỉ làm được một việc tại một thời điểm. Cam kết tái cân bằng sang châu Á là rất nghiêm túc. Điều đó có tính xuyên suốt từ trên xuống dưới trong chính phủ Hoa Kỳ. Một phần trong đó là sự cam kết đối với hòa bình trong khu vực, và điều đó có nghĩa là thực hiện một cam kết, cam kết về an ninh, đối với khu vực này. Một phần lớn là nghị trình về sự thịnh vượng, và đó có nghĩa là tăng cường quan hệ thương mại và kinh tế với các quốc gia trong khu vực này. Trung tâm của việc đó là hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhưng, bạn biết đấy, nó thậm chí còn đi xa hơn nữa. Bởi vì trong tất cả các ưu tiên mà tôi đã thảo luận, phần nhiều là về quan hệ nhân dân, là về tăng cường quan hệ nhân dân. Tìm ra cách để có nhiều sinh viên qua lại giữa hai nước chúng ta, nhiều giáo viên, nhiều du khách đi qua lại. Có thêm nhiều trao đổi khoa học hơn nữa, các nhà khoa học Việt Nam và các nhà khoa học Mỹ trao đổi ý tưởng. Tôi nghĩ sẽ rất hạn chế nếu chỉ nghĩ về những gì chính phủ hai nước có thể làm cùng nhau; trong khi tiềm năng là vô hạn khi bạn nghĩ về những gì nhân dân hai nước có thể làm cùng nhau.
Câu hỏi 11: Hoa Kỳ đã phần nào dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Hai nước đã làm gì, và Hoa Kỳ sẽ cần bao lâu nữa mới hoàn toàn dỡ bỏ lệnh cấm?
Điều đó là thực sự tuỳ thuộc vào các nhà lãnh đạo của Việt Nam. Khi Tổng thống quyết định dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương, chúng tôi đã nêu rõ rằng việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương sẽ phụ thuộc vào tiến bộ hơn nữa trong lĩnh vực tôn trọng nhân quyền. Đã có rất nhiều tiến bộ trong khoảng thời gian mà tôi đã tham gia vào mối quan hệ này. Tôi đã nhìn thấy rất nhiều thay đổi trong hơn 20 năm qua trong lĩnh vực nhân quyền. Nhưng vẫn còn có thể đạt được những tiến bộ hơn nữa, và tôi đã có cuộc thảo luận rất tôn trọng với các nhà lãnh đạo Việt Nam về những gì mà chúng tôi hy vọng nhiều sẽ thấy có sự tiến bộ. Nhưng sự lựa chọn thế nào thực sự ở phía các nhà lãnh đạo của Việt Nam.
Câu hỏi 12: Liệu Hoa Kỳ có lựa chọn giữa lợi ích kinh tế với Trung Quốc và an ninh cho Biển Đông?
Chúng tôi không phải lựa chọn. Mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc rất phức tạp, và có nhiều mặt. Chúng tôi nói chuyện về mọi vấn đề với nhau. Chúng tôi có một mối quan hệ kinh tế rất mạnh mẽ. Chúng tôi đối thoại về mọi vấn đề. Đó là một mối quan hệ phức tạp, liên quan đến các yếu tố hợp tác và các yếu tố cạnh tranh. Nhưng nó hoàn toàn không phải là một mối quan hệ có tính loại trừ nhau, và chúng tôi, tại khu vực này, sẽ không bao giờ đề nghị một đất nước phải lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Các quốc gia trong khu vực này có thể có một mối quan hệ mạnh mẽ với Hoa Kỳ và một mối quan hệ mạnh mẽ với Trung Quốc. Thực ra, một nước Trung Quốc thịnh vượng, ổn định là phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ. Và tôi nghĩ điều đó cũng phù hợp với lợi ích của tất cả các quốc gia trong khu vực này.
Câu hỏi 13: Ông có thể nói cụ thể hơn về các biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước?
Tôi đã nói chuyện rất nhiều về TPP. Điều đó là số một và tôi sẽ không nói về chuyện đó nữa. Tôi đã nói ngắn gọn về đường bay trực tiếp. Bây giờ chúng ta hãy nghĩ về điều đó. Nếu chúng ta có các chuyến bay thẳng giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Los Angeles, ví dụ như vậy, hẳn là sẽ dễ dàng hơn nhiều cho các nhà kinh doanh đi lại giữa hai nước chúng ta. Đối với khách du lịch, sinh viên, các giáo sư, các nhà khoa học, nghệ sĩ, tất cả những người có liên quan đến mối quan hệ nhân dân cũng sẽ được dễ dàng, thuận lợi hơn. Vì vậy, chúng tôi cam kết làm việc với Việt Nam để đạt được quy chế Tiêu chí 1 về an toàn hàng không, cũng như đạt các tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới về an ninh để chúng ta được chấp nhận và có thể thực hiện các chuyến bay trực tiếp giữa hai nước. Tôi nghĩ điều đó sẽ tạo ra một sự khác biệt rất lớn. Tôi sẽ đầu tư thời gian và công sức và nói chuyện với các nhà lãnh đạo của Việt Nam về sáng kiến đó. Tôi tin rằng nếu có đủ ý chí của cả hai bên thì chúng ta có thể có các chuyến bay trực tiếp giữa hai nước.
Ngoài ra, tôi đã làm việc với các công ty đã ở đây để loại bỏ những trở ngại để kinh doanh thành công ở đây. Tôi đã nói với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ rằng cánh cửa của tôi luôn luôn mở rộng với họ. Nếu họ có vấn đề về tiếp cận với những người đưa ra quyết định, hoặc nếu họ có vấn đề với các quy định, hoặc có sự thiếu minh bạch hoặc về tính chất không lường trước, họ có thể đến đại sứ quán và chúng tôi sẽ cố gắng giúp đỡ. Họ nắm doanh nghiệp của họ tốt hơn tôi, vì vậy tôi sẽ không bao giờ bảo họ cần phải làm trong doanh nghiệp của họ. Nhưng tôi sẽ giúp họ trong bất kỳ cách nào tôi có thể để họ thành công ở đây. Không chỉ vì điều đó tốt cho doanh nghiệp của họ, mà điều đó cũng rất tốt cho mối quan hệ của chúng ta. Nếu họ thành công ở đây, thì các doanh nghiệp khác cũng sẽ muốn gắn kết với Việt Nam. Và Việt Nam sẽ trở nên thịnh vượng hơn và điều đó phù hợp với lợi ích của Mỹ.
Câu hỏi 14: Năm ngoái, Bộ trưởng Hagel đã hủy bỏ chuyến đi dự kiến của ông tới Việt Nam. Liệu chúng ta có thể thấy Bộ trưởng Carter sẽ sớm đến thăm khi ông được Thượng viện phê chuẩn?
Câu hỏi của bạn thừa nhận rằng ông ấy vẫn chưa được phê chuẩn. Việc phê chuẩn đôi khi phải mất một thời gian. Tôi hy vọng ông ấy sẽ đến vào một thời điểm nào đó sau khi ông được phê chuẩn. Điều mà tôi có thể tin chắc, đó là chúng ta sẽ có nhiều chuyến thăm cấp cao trong năm nay. Năm nay kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta. Chúng ta sẽ có rất nhiều chuyến thăm cấp cao ở cả hai hướng để tăng cường mối quan hệ hai nước vì rất nhiều người ở cả hai chính phủ có tham vọng cao đối với mối quan hệ này và nhìn thấy tiềm năng rất lớn, cũng như thấy khả năng năm nay là một năm bước ngoặt trong mối quan hệ của chúng ta. Vì vậy, dự kiến sẽ có chuyến thăm qua lại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong năm nay.
Câu hỏi 15: Có những tường thuật của Anny Russell nói rằng lãnh đạo Hoa Kỳ mời Tổng Bí thư Đảng Việt Nam đến thăm Hoa Kỳ vào mùa hè hoặc mùa thu năm nay. Ông có thể xác nhận cũng như cung cấp cho chúng tôi thông tin cập nhật về chuyến viếng thăm này?
Điều tôi có thể làm là nói rằng tôi tin rằng sẽ có chuyến thăm cấp cao cấp liên quan đến các nhà lãnh đạo rất cao cấp của Việt Nam và các nhà lãnh đạo rất cao cấp của Hoa Kỳ thăm viếng đất nước của nhau và đó là tin tốt cho mối quan hệ của chúng ta. Vì những chuyến thăm cấp cao xác lập sắc thái cho sự hợp tác mà chúng ta muốn có trong tất cả các lĩnh vực mà tôi đã đề cập, nên bất cứ khi nào có một vị khách cấp cao đến một trong hai nước, chúng ta có thể tiếp tục làm việc, chúng ta có thể tiếp tục đạt tiến bộ trong từng lĩnh vực trong số tất cả các lĩnh vực đó. Chúng ta có thể gia tăng các thành tựu, các thành tích chung mà chúng ta có giữa hai nước.
Xin cảm ơn.