Người điều khiển: Xin chào tất cả mọi người. Tôi là Jim Hock, đứng đầu bộ phận quan hệ công chúng của Bộ Thương mại. Cảm ơn các bạn đã tham gia với chúng tôi sáng nay.
Bộ trưởng Pritzker sẽ có vài lời phát biểu khai mạc và sau đó sẽ trả lời một vài câu hỏi. Chúng tôi đề nghị các bạn cho biết danh tính trước khi đặt câu hỏi. Chúng ta sẽ có phiên dịch, vì vậy chúng ta có thể thỉnh thoảng phải dừng lời và nói chậm, như thế sẽ tốt hơn.
Tôi xin dành một chút thời gian để cảm ơn ông Spencer Cryder và đội ngũ đại sứ quán của chúng tôi ở đây về tất cả những sự giúp đỡ của họ. Còn bây giờ, tôi sẽ nhường lời cho Bộ trưởng Pritzker, Bộ trưởng Thương mại thứ 38 của Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Pritzker: Cảm ơn ông rất nhiều. Thật vui khi có mặt Việt Nam, một đất nước mà Hoa Kỳ xem như là một đối tác quan trọng trong khu vực ASEAN. Chúng tôi coi trọng mối quan hệ của chúng tôi với Việt Nam và đánh giá cao sự chào đón nồng nhiệt mà chúng tôi đã nhận được từ người dân và các doanh nghiệp của các bạn.
Tôi trở lại châu Á lần này vì chính quyền Obama cam kết vững chắc với việc làm sâu sắc thêm sự gắn kết của Hoa Kỳ với cả Việt Nam lẫn khu vực ASEAN, nơi chúng ta có chung nhiều sự gắn bó.
Là Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, tôi đặc biệt tập trung vào những cách thức chúng tôi có thể tăng cường quan hệ đối tác của chúng tôi về mặt kinh tế. Cũng như nhiều nước ASEAN, thị trường Việt Nam có tiềm năng đáng kể cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ hợp tác về các cơ hội tăng trưởng cùng có lợi. Chúng tôi ủng hộ một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng nơi mà các quốc gia khác có thể đầu tư.
Dịp kỷ niệm 20 năm quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam là một cơ hội tuyệt vời để ghi nhận sự phát triển thương mại hai chiều của chúng ta, đạt mức tăng gấp 15 lần trong vòng 20 năm qua. Năm 1994 hai nước bình thường hóa quan hệ thương mại. Trong năm đó thương mại song phương mới đạt mức 223 triệu đôla. Hôm nay con số đó ở mức 30 tỷ đôla, đó là một thành tích đáng kể.
Việt Nam đã tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong những năm gần đây, và dự kiến sẽ còn tiếp tục. Chúng tôi đang nhìn thấy sự đa dạng hơn trong nền kinh tế của Việt Nam và đó là một điều tốt. Và tuy quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thật là mạnh mẽ, chúng ta có thể làm nhiều hơn nữa.
Hoa Kỳ xuất khẩu sang Việt Nam đạt 5 tỷ đôla năm 2013, tăng hơn 8% so với năm trước; và nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ Việt Nam đạt 24,6 tỷ đôla trong năm 2013, tăng 21,6% so với năm 2012. Như vậy, bây giờ là lúc người Việt Nam nên mua thêm từ bạn bè của mình.
Một trong những cách mà chúng tôi sẽ gia tăng sự thịnh vượng là thông qua việc hoàn tất thành công Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, là hiệp định sẽ tạo ra những biến đổi. TPP sẽ mở rộng thương mại và đầu tư giữa 12 thành viên, làm nền tảng cho hội nhập khu vực rộng lớn hơn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và là chất xúc tác để thúc đẩy tự do hóa thương mại toàn cầu.
Việt Nam nói riêng sẽ thu hoạch được nhiều từ việc hoàn tất TPP. Việt Nam sẽ có mức tăng xuất khẩu lớn nhất ước tính khoảng 32% và GDP tăng 25% một khi hiệp định TPP được thực hiện đầy đủ. Đó là theo ước tính của Viện Peterson.
TPP sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các nền kinh tế tham gia, đó là lý do tại sao chúng tôi đang rất khẩn trương khắc phục những vấn đề còn tồn đọng trong đàm phán. Đây là một thỏa thuận thương mại tốt cho cả hai nước chúng ta.
Cùng lúc, chuyến đi này là một cách thức nữa để làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác giữa chính phủ và các doanh nghiệp của hai nước chúng ta. Nó thể hiện tầm quan trọng của cả Việt Nam lẫn khu vực đối với chính quyền Obama và cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ. Tương tự như vậy là cam kết chung của chúng tôi đối với việc tăng cường hoạt động thương mại của Hoa Kỳ với ASEAN.
Trong chuyến đi này, tôi có mặt ở đây cùng với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ ASEAN và một số lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ bởi vì chính phủ Hoa Kỳ và cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi cam kết đối với việc gia tăng thương mại hai chiều và đầu tư cùng có lợi, và củng cố một môi trường kinh doanh tạo ra sự thịnh vượng cho tất cả.
Vì vậy, trong chuyến đi này tại mỗi quốc gia, Bộ Thương mại và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ ASEAN sẽ tham gia các cuộc họp với các quan chức chính phủ chủ chốt và các nhà lãnh đạo kinh doanh. Chúng tôi sẽ thảo luận cách thức mỗi nước có thể tiếp tục phát triển một môi trường kinh doanh công bằng và cởi mở và tầm quan trọng của việc giảm các rào cản tiếp cận thị trường cũng như việc tăng tính minh bạch sẽ dẫn đến phát triển dài hạn và bền vững ra sao.
Mục tiêu kinh tế của việc Hoa Kỳ tái cân bằng sang châu Á, đạt được sự thịnh vượng chung lâu dài trên toàn khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và ở ngay nước mình, đòi hỏi nhiều điều chứ không chỉ đơn giản là bán sản phẩm của Hoa Kỳ cho các khách hàng mới. Thực tế là các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể giúp tạo ra sự thịnh vượng chung và làm sâu sắc thêm các kết nối kinh tế làm tăng cơ hội cho tất cả chúng ta.
Các doanh nghiệp Hoa Kỳ có những bí quyết để giúp đỡ các nền kinh tế châu Á mới nổi, phát triển nhanh và năng động tham gia vào hệ thống thương mại và đầu tư dựa trên luật lệ toàn cầu bằng cách phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết, cả cứng và mềm. Nói đến hạ tầng cứng, ý của tôi là doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể giúp phát triển cơ sở hạ tầng cụ thể cần thiết cho việc vận chuyển hàng hóa, dịch vụ và người từ điểm A đến điểm B. Nói về hạ tầng mềm, ý tôi là hệ thống pháp luật và quy định mang lại sự rõ ràng và có thể lường trước cho các giao dịch.
Điểm mấu chốt là doanh nghiệp Hoa Kỳ và chính phủ Hoa Kỳ muốn là một phần của giải pháp vào lúc Việt Nam và các nước trong khu vực tìm cách tăng trưởng và thịnh vượng, mang lại lợi ích tất cả mọi người trong khu vực ASEAN.
Như vậy, tôi vui mừng có mặt ở đây và tôi sẵn lòng nhận các câu hỏi của các bạn.
Người điều khiển: Câu hỏi đầu tiên sẽ đến từ VTV1
Báo chí: Tôi là Thư từ VTV1. Xin hỏi bạn có nghĩ rằng đây là thời điểm tốt nhất để tăng cường mối quan hệ thương mại với Hoa Kỳ, và tại sao?
Bộ trưởng Pritzker: Tôi nghĩ rằng nếu nhìn về mặt thời gian, xét thực tế là chúng ta đang gần kết thúc đàm phán Hiệp định TPP, và xét thực tế là các doanh nghiệp Hoa Kỳ của chúng tôi có mối quan tâm to lớn tới việc kinh doanh ở đây, bây giờ là thời điểm hoàn hảo để chúng tôi tham gia ngày càng nhiều hơn và tiếp tục xây dựng nền móng mà từ đó chúng ta có thể phát triển thương mại hai chiều của chúng ta.
Người điều khiển: Câu hỏi tiếp theo là của Chris Brummitt từ AP.
Báo chí: Hành động gần đây của Trung Quốc đã không giúp họ có được nhiều bạn bè trong khu vực. Bà có nghĩ rằng bây giờ là một cơ hội tốt cho Hoa Kỳ quảng bá về mình như là một đối tác kinh doanh đáng tin cậy? Có phải đang nổi lên những cơ hội trong những gì đã xảy ra?
Bộ trưởng Pritzker: Tôi nghĩ rằng bây giờ là thời điểm hoàn toàn tốt cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục đầu tư và cho các doanh nghiệp mới tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam. Người Việt Nam đang khuyến khích chúng tôi và Việt Nam cung cấp một tiềm năng đáng kể cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ hợp tác, vì vậy tôi thấy lúc này là một thời điểm tuyệt vời. Và điều mà tôi đã nghe được từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ khi tôi nói chuyện với họ, những người có mặt ở đây, thì cho dù có bất cứ thăng trầm gì ở các nền kinh tế khác nhau trong khu vực ASEAN, họ vẫn có mặt ở đây lâu dài và họ cam kết và nhìn thấy cơ hội làm việc cộng tác với các chính phủ khác nhau, cho dù đó là Việt Nam hay các nền kinh tế ASEAN khác. Và nói một cách thẳng thắn, chuyến đi này thực sự là bằng chứng về tầm quan trọng của những mối quan hệ, nhất là tại đây ở Việt Nam, và tương tự như vậy ở các nước ASEAN khác.
Người điều khiển: Câu hỏi tiếp theo của bà Giang, báo Tuổi Trẻ.
Báo chí: Cảm ơn. Tôi chỉ có một vài câu hỏi ngắn.
Câu hỏi đầu tiên liên quan đến các cuộc họp với các nhà lãnh đạo Việt Nam, theo như tôi biết, hãy sửa nếu tôi sai, rằng cuộc họp kéo dài hơn so với kế hoạch ban đầu, giống như một cuộc họp 15 phút chuyển thành một cuộc họp 30 phút.
Câu hỏi thứ hai, sự căng thẳng đang diễn ra ở Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa) có ảnh hưởng đến nhận thức của các nhà đầu tư Mỹ về môi trường kinh doanh giữa Việt Nam và Trung Quốc không?
Bộ trưởng Pritzker: Chúng tôi có các cuộc họp với Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, và Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp. Tôi rất mong thực hiện tất cả các cuộc đối thoại đó. Có nhiều vấn đề mà chúng tôi sẽ đề cập, vì vậy chúng tôi dành lượng thời gian cần thiết để đề cập đến các chủ đề khác nhau bởi vì chúng tôi nhìn thấy một cơ hội thực sự để làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Về vấn đề Biển Đông và ảnh hưởng của nó đến thái độ của nhà đầu tư, đã có một số tác động về kinh doanh nhưng tôi không nhìn thấy sự ảnh hưởng của nó đến sự quan tâm của doanh nghiệp Hoa Kỳ về sự hiện diện tại Việt Nam và trên toàn khu vực ASEAN. Họ muốn có một sự gắn kết lớn hơn ở đây cũng như trong khu vực.
Người điều khiển: Câu hỏi tiếp theo của John Boudreau từ Bloomberg .
Báo chí: Chào mừng bà đến Hà Nội.
Bộ trưởng Pritzker: Cảm ơn ông.
Báo chí: Một số quan chức trong chính phủ quan ngại rằng các hậu quả của vụ tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông có thể dẫn đến việc Trung Quốc trả đũa kinh tế Việt Nam. Bà có suy nghĩ gì về điều đó, và liệu Hoa Kỳ sẽ có phản ứng gì trước điều đó không?
Bộ trưởng Pritzker: Quyết định của Trung Quốc trong việc đưa một giàn khoan dầu và cùng với nó là nhiều tàu tới vùng biển tranh chấp với Việt Nam là khiêu khích và làm gia tăng căng thẳng. Chúng tôi rất quan tâm đến hành động nguy hiểm và sự đe dọa đối với các tàu hoạt động trong khu vực này. Nhưng Hoa Kỳ có một lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình, ổn định và sự tôn trọng luật pháp quốc tế cũng như thương mại hợp pháp không bị cản trở trong đó có quyền tự do lưu thông trên vùng biển và vùng trời của Biển Đông.
Vì vậy, Hoa Kỳ ủng hộ việc sử dụng các nỗ lực ngoại giao và biện pháp hòa bình khác để kiềm chế và giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bao gồm việc sử dụng trọng tài hoặc các cơ chế pháp lý quốc tế khác.
Như tôi đã nói trước đó, cho đến nay điều này không ảnh hưởng đến thái độ của doanh nghiệp Hoa Kỳ về mong muốn hiện diện tại khu vực và họ đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam xử lý tình huống cho đến nay.
Người điều khiển: Câu hỏi tiếp theo của bà Việt Anh, báo điện tử VnExpress.
Báo chí: Tôi muốn tiếp nối dòng suy nghĩ từ đồng nghiệp của tôi liên quan đến Biển Đông. Nếu Trung Quốc không thay đổi hành động của họ tại Biển Đông, bà có lo lắng thế nào về dòng chảy thương mại trong Biển Đông?
Bộ trưởng Pritzker: Tôi nghĩ rằng về phía các doanh nghiệp Hoa Kỳ, như tôi đã nói, họ có cam kết hiện diện tại khu vực và thực tế họ đang tìm kiếm thêm cơ hội bởi vì họ nhìn thấy có một cơ hội dài hạn tại khu vực ASEAN. Nếu bạn nhìn vào 600 triệu người, các nền kinh tế đang phát triển, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, và nhu cầu khác nhau về công nghệ có thể hỗ trợ các nước phát triển thành các nền kinh tế thịnh vượng như mong muốn của họ, dù là trong lĩnh vực năng lượng, du lịch, công nghệ, hay các sản phẩm dịch vụ bảo hiểm và tài chính. Vì vậy, có một nhu cầu lớn hơn đối với hàng hóa và dịch vụ Mỹ. Vì vậy, tôi thấy các doanh nghiệp Mỹ dường như đang nắm bắt cơ hội hơn là chùn bước trước tình hình.
Người điều khiển: Chúng ta có thời gian cho hai câu hỏi nữa. Câu hỏi tiếp theo dành cho Reuters.
Báo chí: Xin chào, tôi là Linh đến từ Reuters. Tôi muốn hỏi về cuộc họp trước đây giữa Thủ tướng Việt Nam và các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Thủ tướng có đề cập rằng ông muốn đề nghị phía Hoa Kỳ có các quy tắc linh hoạt hơn trong việc tín nhiệm Việt Nam, chỉ trong các cuộc đàm phán TPP. Bà có thể cho tôi biết chi tiết về các quy tắc linh hoạt mà Thủ tướng đề nghị?
Câu hỏi thứ hai là theo quan điểm của bà, vấn đề gì là phức tạp nhất đối với Việt Nam trong quá trình đàm phán TPP? Xin cảm ơn
Bộ trưởng Pritzker: Tôi nghĩ, một trong những vấn đề tôi được biết từ Viện Peterson là Việt Nam sẽ đuợc hưởng rất nhiều từ việc hoàn thành TPP với 12 quốc gia khác. Như tôi đã nói, một sự gia tăng về xuất khẩu khoảng 32% và 25% gia tăng GDP.
Nhưng việc hoàn thành một thoả thuận về nhiều vấn đề khác nhau bản thân nó có thể đã là phần phức tạp nhất trong quá trình đàm phán. Nếu bạn nghĩ về việc cố gắng để 12 quốc gia làm việc với nhau cũng như nhiều vấn đề khác nữa. Nhưng cái hết sức quan trọng về thoả thuận này là một thực tế rằng thoả thuận sẽ đặt ra một chuẩn mực Thế kỷ 21 về cách thức thương mại cần được thực hiện với 40% GDP toàn cầu.
Về mọi quốc gia tham gia vào TPP, chúng ta biết là họ sẽ được hưởng lợi từ việc hoàn thành hiệp định này. Song hiệp định này đòi hỏi tất cả các nước sẽ tham gia phải thích nghi với các chuẩn mực cao hơn về cách một quốc gia thực hiện thương mại. Đối với cả 12 nước. Do vậy, cho dù đó là Việt Nam đang giải quyết vấn đề lao động trong doanh nghiệp nhà nước, hay Hoa Kỳ đang giải quyết các vấn đề khác nhau của các ngành nghề cụ thể, hoặc tất cả các quốc gia đang giải quyết vấn đề tiếp cận thị trường, tham vọng của TPP là tạo ra hoạt động thương mại lớn hơn giữa các nước đang tham gia và đặt chuẩn mực về cách thức thương mại nên được thực hiện trong thế kỷ 21.
Người điều khiển: Đây sẽ là câu hỏi cuối cùng của chúng ta. Chị Linh, VietnamNet.
Báo chí: Bà đã đề cập nhiều về các lợi ích đối với các công ty của Hoa Kỳ và Việt Nam và làm thế nào các công ty và quốc gia hưởng lợi từ TPP. Nhưng theo chúng tôi hiểu thì kết quả cuộc đàm phán gần đây không được hứa hẹn lắm. Chúng tôi quan ngại rằng với sự tiến bộ chậm chạp như vậy, các vòng đàm phán gần TPP đây có thể làm giảm động lựccủa các nước thành viên. Chúng tôi quan ngại rằng việc giảm động lựccủa các nước tham gia TPP có thể đưa đến việc trì hoãn hoàn tất đàm phán và phải mất một năm nữa mới hoàn thành được. Bà có thể cho biết về điều này?
Do một số yêu cầu từ phía Hoa Kỳ có thể dẫn tới sự trì hoãn thêm nữa đối với việc hoàn tất thoả thuận?
Bộ trưởng Pritzker: Để tôi nói rõ hơn. Không thiếu động lực để ký kết thoả thuận này. Đối với bất kỳ nước nào tham gia, tuy nó phức tạp. Chúng ta đang đi đến hồi kết của đàm phán. Trong bất kỳ cuộc đàm phán nào, khi sắp đến giai đoạn kết thúc, chúng ta phải giải quyết các vấn đề khó khăn hơn. Nhưng tôi có thể đảm bảo chắc chắn rằng chúng ta đang có các tiến bộ. Tôi nghĩ rằng vòng đàm phán tới đây, theo tôi được biết sẽ diễn ra trong 30 ngày nữa, và vòng đàm phán trước đây do Việt Nam đăng cai đã mang lại các tiến bộ mà đã tạo ra một khối lượng khổng lồ công việc đang diễn ra phía sau hậu trường. Sắp tới — Tôi nghĩ bạn cần lưu ý cho rõ. Chúng ta đang ở giai đoạn cuối của đàm phán và đây là phần khó khăn. Do vậy có thể phải mất một thời gian, song chúng ta không hề thiếu quyết tâm. Và nhất là chúng tôi đã chứng kiến quyết tâm của các nhà lãnh đạo Việt Nam và chúng tôi đánh giá cao các tiến bộ đang có tại đó.
Người điều khiển: Thưa các bạn, tôi xin cảm ơn các bạn đã tới đây. Nếu còn câu hỏi nào khác, các bạn hãy gửi cho Spencer và chúng tôi sẽ sớm phản hồi các bạn. Một lần nữa xin cảm ơn.
Bộ trưởng Pritzker: Xin cảm ơn.