Phát biểu của Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius tại Lễ Ký kết Thoả thuận Chương trình GLOBE

Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius tại Lễ Ký kết Thoả thuận Chương trình GLOBE

Chào tất cả quý vị! Thưa Giáo sư – Viện sỹ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; các vị đại diện các bộ, ngành hữu quan của Việt Nam; Thưa quý vị,

Hôm nay tôi vui mừng được cùng tham gia khởi động chương trình GLOBE hợp tác với NASA ở Việt Nam.  Tôi cảm ơn Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Giáo sư – Viện sỹ Châu Văn Minh, về vai trò lãnh đạo của ông trong thoả thuận chương trình này.

Nhân dịp này, tôi xin giới thiệu Đặc sứ Khoa học Hoa Kỳ tại các nước Hạ vùng sông Mekong, Tiến sỹ Geri Richmond, có mặt cùng chúng ta hôm nay.  Khi không bận làm việc trong phòng thí nghiệm nhằm tạo ra một trong những loại tia lazer tiên tiến nhất trên thế giới để hiểu rõ hơn yếu tố quan trọng nhất của sự sống trên trái đất, đó là nước!, bà tới thăm tất cả các nước hạ vùng sông Mekong để xây dựng các mối quan hệ đối tác giữa các nhà khoa học và thúc đẩy các chương trình khoa học có sự tham gia của các bên liên quan.  Cảm ơn Tiến sỹ Richmond đã tới đây tham gia cùng chúng tôi hôm nay.

Trong năm kỷ niệm 20 bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, thật phù hợp là chúng ta nhìn về thế hệ sắp tới.  Đó chính là mục tiêu của chương trình GLOBE.  Được nguyên Phó Tổng thống Hoa Kỳ Al Gore khởi động vào Ngày Trái đất, 22 – 4 – 1995, ngay trước thời điểm hai nước chúng ta bình thường hoá quan hệ, mục tiêu của chương trình này là tạo ra một chương trình thiết thực trên toàn thế giới về khoa học và giáo dục với trọng tâm tập trung vào vấn đề môi trường.  Sau đó, tôi có hân hạnh được làm việc cho Thượng nghị sỹ, sau đó là Phó Tổng thống Hoa Kỳ Al Gore theo những giai đoạn không liên tục trong suốt 16 năm.  Từ ông, tôi học được cách quan tâm suốt đời đến việc bảo vệ môi trường của chúng ta và thúc đẩy các ngành khoa học phát triển.

Đây là hân hạnh của cá nhân tôi được có mặt tại đây hôm nay để tôn vinh di sản của Phó Tổng thống Al Gore và khởi động chương trình GLOBE tại Việt Nam.  Việt Nam tham gia mạng lưới các nước đối tác chương trình GLOBE gồm 113 quốc gia hợp tác cùng nhau để đào tạo hơn 58.000 giáo viên và 1,5 triệu sinh viên tham gia thu thập dữ liệu nhằm nâng cao khả năng hiểu biết của chúng ta về môi trường Trái Đất.  Thông qua GLOBE, các học sinh Việt Nam sẽ chia sẻ dữ liệu của mình với các học sinh tại Hoa Kỳ và các nước khác trên toàn thế giới, như Nga, Kenya, và Madagascar.  Các em sẽ hiểu được tất cả chúng ta đều tương quan chặt chẽ như thế nào.  Các em sẽ hiểu được phương thức chúng ta tác động đến nhau bất chấp khoảng cách xa xôi về địa lý.

Còn hơn cả là một chương trình giáo dục – đây là một công cụ thực sự để hỗ trợ các nhà khoa học Việt Nam hiện nay và chuẩn bị cho các nhà khoa học trong tương lai tiến hành được những khám phá quan trọng và những đổi mới công nghệ mà Việt Nam và thế giới cần trong tương lai để phát triển và lớn mạnh.

Tôi mong đợi được nhìn thấy những lợi ích tích cực của chương trình này trong tương lai.  Tôi cũng rất vui vì giới trẻ Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp vào việc tìm hiểu hành tinh tuyệt vời mà chúng ta đang chia sẻ này.  Xin cảm ơn.