Thông báo Quỹ Bảo tồn Văn hoá của Đại sứ Hoa Kỳ (AFCP) năm 2022

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội xin trân trọng thông báo về Quỹ Bảo tồn Văn hoá của Đại sứ Hoa Kỳ (AFCP) năm 2022. Các tổ chức phi lợi nhuận Việt Nam có thể nộp đề án xin tài trợ với ngân sách từ 10.000 USD đến 500.000 USD, với mục đích bảo tồn các di sản văn hóa tại Việt Nam. Vui lòng nộp bản đề án (bằng tiếng Anh) tới Đại sứ quán Hoa Kỳ trước hoặc trong ngày 30 tháng 11 năm 2021.

Hướng dẫn chuẩn bị đề án:

  1. Thông tin chung

Quỹ Bảo tồn Văn hoá của Đại sứ Hoa Kỳ (AFCP) tài trợ các dự án bảo tồn văn hoá từ 10.000 USD đến 500.000 USD.

  1. Thể lệ tham gia

Các cơ quan/tổ chức xin tài trợ gửi thông tin chung của dự án về Đại sứ quán Hoa Kỳ trước ngày 30 tháng 11 năm 2021.  Đại sứ quán Hoa Kỳ sẽ đánh giá các đề án qua hai vòng với các tiêu chí khác nhau. Vòng 1, đề án phải có trọng điểm xoay quanh mục tiêu ngoại giao nhân dân. Đề án phù hợp sẽ được chọn vào Vòng 2. Cơ quan/tổ chức được chọn vào vòng 2 được yêu cầu nộp thêm một bộ hồ sơ xin tài trợ hoàn chỉnh với đầy đủ thông tin chuyên môn về dự án.

  1. Đối tượng xin tài trợ

Chương trình này dành cho các tổ chức phi lợi nhuận như các tổ chức phi chính phủ, bảo tàng, các viện giáo dục, các cơ quan văn hoá của chính phủ, tổ chức trong lĩnh vực văn hóa có đăng ký hoạt động tại Việt Nam; đồng thời có khả năng và kinh nghiệm cần thiết để quản lý và thực hiện dự án bảo tồn di sản văn hóa. Quỹ AFCP không tài trợ cho các cá nhân, các tổ chức thương mại, và những tổ chức từng nhận tài trợ của AFCP nhưng không hoàn thành yêu cầu báo cáo Sau dự án.

Các cơ quan/ tổ chức xin tài trợ được chọn vào vòng 2 phải đăng ký trên hệ thống nhận tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ tại SAM.gov. Đại sứ quán Hoa Kỳ sẽ gửi thông tin hướng dẫn đăng ký ngay khi có kết quả vòng 1.

  1. Lĩnh vực tài trợ

Quỹ AFCP tài trợ cho các dự án bảo tồn các địa danh khảo cổ, tòa nhà cổ hoặc có tính lịch sử, bộ sưu tập các hiện vật của bảo tàng, các thể loại biểu đạt văn hóa truyền thống như ngôn ngữ bản địa hoặc nghề truyền thống. Hoạt động bảo tồn có thể kể đến như:

  1. Phục dựng (anastylosis – phục dựng lại di tích từ những phần/mảnh ghép rời rạc của nguyên bản gốc);
  2. Bảo tồn (xử lý hư hại hoặc xuống cấp của một bộ sưu tập hoặc di tích);
  3. Gia cố (kết nối hoặc tái kết nối các cấu phần của một di tích);
  4. Tư liệu (lưu lại ở định dạng tương tự hoặc kỹ thuật số về tình trạng và các đặc điểm nổi bật của một vật thể, địa danh hoặc nét văn hóa truyền thống);
  5. Báo cáo liệt kê (Inventory – liệt kê các vật thể, địa danh hoặc nét văn hóa truyền thống được sắp xếp theo vị trí, đặc điểm, năm tuổi hoặc các đặc điểm trạng thái khác theo một đặc tính nhất định);
  6. Bảo tồn và phòng ngừa rủi ro đối với di sản (xử lý các nguy cơ gây hư hại hoặc đe dọa tình trạng của di tích, vật thể, bộ sưu tập, hoặc nền văn hóa truyền thống);
  7. Phục hồi (restoration – thay thế những chi tiết bị mất/thiếu để tái tạo lại nguyên mẫu của vật thể hoặc địa điểm di tích. Thông thường điều này sẽ phù hợp hơn với mỹ thuật, nghệ thuật trang trí và những tòa nhà lịch sử);
  8. Tăng tính ổn định (giảm thiểu tác động vật lý [dân cư sinh sống, sập đổ, v.v.] tới một di tích).
  1. Hiện vật hoặc địa danh tín ngưỡng

 Điều khoản Căn bản của Hiến pháp Hoa Kỳ cho phép chính phủ Hoa Kỳ được tài trợ cho những hiện vật hoặc địa điểm mang tính tín ngưỡng, với một số điều kiện. Ví dụ như một hiện vật có liên quan đến tín ngưỡng (bao gồm cả nơi thờ cúng) có thể được coi là hiện vật được tài trợ để bảo tồn nếu hiện vật này có ý nghĩa quan trọng và được đề xuất hoàn toàn trên cơ sở khảo cổ, nghệ thuật, tính lịch sử hay văn hóa (mà KHÔNG phải là tín ngưỡng).

  1. Ưu tiên đề án

Các đề án được ưu tiên xem xét năm 2022 phải đáp ứng một hoặc nhiều tiêu chí sau:

  • Trực tiếp ủng hộ các nghĩa vụ của Hoa Kỳ được quy định trong hiệp ước hoặc hiệp định song phương, như các hiệp định bảo vệ tài sản văn hoá;
  • Ủng hộ cho các chính sách, chiến lược và mục tiêu của Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ
  • Khuyến khích giảm thiểu rủi ro cho các di sản văn hóa trong các khu vực chịu tác động của thảm họa; hỗ trợ khôi phục các di sản văn hóa sau thảm họa;
  • Hỗ trợ giải quyết xung đột và kết nối các cộng đồng khác nhau
  • Hợp tác, kết nối, hoặc góp phần nhân rộng các chương trình của Cục Văn hóa Giáo dục của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hoặc các chương trình ngoại giao nhân dân khác.
  1. Thông tin hỗ trợ thiết kế dự án

 Trong tháng 11 năm 2021, Trung tâm Di sản Văn hóa thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sẽ tổ chức các hội thảo trực tuyến về cách thiết kế dự án với chủ đề di sản văn hoá và biến đổi khí hậu (ngày 9 tháng 11, 9:00 sáng theo giờ EST tức ngày 9 tháng 11, 21:00 giờ Việt Nam), kết nối cộng đồng thông qua di sản (ngày 16 tháng 11, 9:00 sáng EST tức ngày 16 tháng 11, 21:00 giờ Việt Nam ), và di sản và phát triển bền vững (ngày 19 tháng 11, 9:00 sáng theo giờ EST tức ngày 19 tháng 11, 21:00 giờ Việt Nam). Bản ghi lại các hội thảo trực tuyến này này và tài liệu tham khảo sẽ được cung cấp vào cuối tháng 11. Để đăng ký tham dự hội thảo, vui lòng tham khảo tại đây.

Ngoài ra, các cơ quan/tổ chức xin tài trợ có thể tham khảo thêm các tài liệu, thuật ngữ chuyên ngành, cũng như gợi ý hướng dẫn cách viết đề án, các ví dụ điển hình về phương pháp triển khai dự án tốt nhất như các dự án bảo tồn hiện vật hay cách trình bày triển lãm tại các bảo tàng nhỏ ở ngoại ô. Tư liệu tham khảo tại đây.

  1. Các hoạt động không nằm trong phạm vi tài trợ

AFCP sẽ KHÔNG hỗ trợ cho những hoạt động hoặc chi phí dưới đây, những đề án liên quan đến những hoạt động hoặc có những chi phí dưới đây sẽ được coi là không hợp lệ:

  1. Bảo tồn hoặc mua bán những hiện vật, bộ sưu tập hay tài sản văn hóa thuộc sở hữu tư nhân hoặc mang tính thương mại, bao gồm cả những hiện vật đã được lên kế hoạch hay đang trong quá trình chuyển giao từ sở hữu tư nhân hoặc thương mại thành tài sản công, nhưng quá trình này chưa hoàn tất tính đến thời điểm nộp đề án;
  2. Bảo tồn di sản thiên nhiên (những vật được tạo nên một cách tự nhiên, sinh học hoặc địa chất, những bộ sưu tập cổ sinh học, môi trường sống của những loài động, thực vật hay hoá thạch có nguy cơ tuyệt chủng, vv…);
  3. Bảo tồn hài cốt người hay người tiền sử và động vật linh trưởng (hominid)
  4. Bảo tồn những phương tiện truyền thông (báo chí, chương trình thời sự, phát thanh truyền hình, vv…);
  5. Bảo tồn những ấn phẩm khác (sách, tạp chí, vv…);
  6. Xây dựng giáo trình hay tài liệu giảng dạy tại các lớp học;
  7. Khai quật khảo cổ hoặc trắc đạc thám hiểm phục vụ mục đích nghiên cứu;
  8. Nghiên cứu lịch sử, trừ trường hợp nghiên cứu này là một hợp phần và chính đáng, cần thiết cho sự thành công của dự án đang được đề xuất;
  9. Thu thập hoặc tạo ra những hiện vật hay bộ sưu tập mới cho các bảo tàng mới hoặc sẵn có;
  10. Xây dựng toà nhà mới hoặc mái cố định (ví dụ: để che phủ cho một địa điểm khảo cổ);
  11. Chi phí thiết kế và dàn dựng một tác phẩm nghệ thuật hoặc kiến trúc mới với mục đích kỷ niệm hoặc phát triển kinh tế;
  12. Dàn dựng lại hoặc chuyển thể từ một loại hình nghệ thuật truyền thống sẵn có như múa, hát, kinh, soạn nhạc, kịch hoặc thể loại biểu diễn nghệ thuật khác;
  13. Tạo bản sao hoặc tái tạo những hiện vật hoặc địa danh văn hóa đã thất truyền;
  14. Di dời những địa danh văn hóa từ vị trí thực tế đến nơi khác;
  15. Mang các hiện vật, hoặc các chi tiết thuộc các địa danh văn hóa ra khỏi Việt Nam, vì bất cứ lý do nào;
  16. Số hóa các hiện vật hoặc bộ sưu tập văn hóa, trừ khi đây là một phần trong dự án bảo tồn quy mô lớn được xác định rõ;
  17. Kế hoạch bảo tồn hoặc các nghiên cứu khác, trừ khi đây là một phần của dự án lớn hơn và sẽ được triển khai với kết quả của nghiên cứu này;
  18. Dự trữ tiền, tài trợ hoặc vốn quay vòng (tiền tài trợ phải được chi tiêu hoàn toàn trong thời gian dự án [không quá 5 năm], và Không được dùng để tạo quỹ tài trợ hoặc quỹ vốn quay vòng);
  19. Chi phí cho những chiến dịch gây quỹ;
  20. Các khoản phí dự tính, phát sinh bất ngờ hoặc chi phí vặt;
  21. Chi phí cho công việc đã xảy ra trước thời điểm thông báo chính thức của quỹ tài trợ;
  22. Chi phí đi lại quốc tế, trừ trường hợp việc đi lại là chính đáng và cần thiết cho sự thành công của dự án; hoặc với mục đích tạo cơ hội giao lưu học hỏi giữa lãnh đạo dự án và các chuyên gia di sản văn hóa;
  23. Dự án có ngân sách ít hơn 10,000 USD và nhiều hơn 500,000 USD;
  24. Những dự án độc lập của công dân Mỹ ở nước ngoài.
  1. Phương thức nộp hồ sơ

Tổ chức/đơn vị xin tài trợ phải điền đầy đủ thông tin trong Đơn xin tài trợ bằng tiếng Anh và gửi bản điện tử cùng với các tài liệu theo yêu cầu (xem mục 10) về email của Văn phòng Văn hóa Thông tin của Đại sứ quán Hoa Kỳ trước hoặc trong ngày 30 tháng 11 năm 2021. Trên dòng chủ đề email ghi: “Application for AFCP 2022 – [PROJECT NAME]”

Tổ chức/ đơn vị xin tài trợ khu vực phía Bắc từ Quảng Trị trở ra, vui lòng gửi email về NguyenNTM@fan.gov.

Tổ chức/ đơn vị xin tài trợ khu vực phía Nam từ Huế trở vào, vui lòng gửi email về TAYL@fan.gov.

Để biết thêm thông tin về chương trình, vui lòng liên hệ địa chỉ email trên đây.

  1. Yêu cầu về hồ sơ xin tài trợ

Tất cả hồ sơ xin tài trợ phải bằng tiếng Anh. Bộ hồ sơ gồm có:

  1. Đơn Xin Tài Trợ theo mẫu.
    Lưu ý: Tất cả thông tin trong đơn xin tài trợ phải thể hiện đầy đủ bao gồm cả số DUNS.
  2. Đơn Tài chính: SF-424, SF-424A và SF-424B
  3. Bản ngân sách cụ thể theo mẫu với từng loại chi phí riêng biệt (nhân lực, phụ cấp di chuyển, vật tư, xây dựng, các chi phí trực tiếp và gián tiếp)
  4. Văn bản chính thức của cơ quan chủ quản/ cơ quan quản lý có thẩm quyền đồng ý và cho phép thực hiện công tác bảo tồn với dự án xin tài trợ (nếu có)
  5. Các chứng từ liên quan bao gồm: ít nhất năm tấm hình chất lượng cao (định dạng JPEG) hoặc các trích đoạn âm thanh hình ảnh về tình trạng và điều kiện hiện tại của hiện vật, địa điểm hoặc hình thức văn hóa phi vật thể thể hiện tính cấp thiết của dự án. (VD: bức tường sắp sập, những thiệt hại do nước gây ra, mặt vải bị mòn, tay cầm bị gãy, v.v…), các báo cáo về cấu trúc lịch sử, bản đánh giá yêu cầu bảo tồn, bản kế hoạch và tài liệu liên quan đến dự án xin tài trợ.

***Lưu ý: hình ảnh phải có chất lượng cao, dung lượng mỗi tấm không quá 5MB. Tất cả hình ảnh phải đăng tải lên đường link chia sẻ được và copy đường link vào trong Đơn xin tài trợ. Hình ảnh gửi theo phương thức khác sẽ được coi như không hợp lệ.

Vui lòng click vào đường link sau để tải Đơn xin tài trợ và các mẫu đơn tài chính khác https://tinyurl.com/AFCP2022Vietnam

  1. Thực hiện và đánh giá

Đương đơn/ đơn vị nhận tài trợ của Quỹ AFCP 2022 phải đảm bảo nộp tất cả các báo cáo về tiến độ dự án, báo cáo tài chính theo quy định của chính phủ Hoa Kỳ, và các báo cáo khác trong thời gian yêu cầu. Ngoài ra, Đại sứ quán có thể yêu cầu đương đơn/ đơn vị nhận tài trợ cung cấp thêm các khảo sát về tầm ảnh hưởng của dự án, các dữ liệu hỗ trợ liên quan, trích dẫn hoặc câu chuyện của cá nhân/tập thể thích hợp về dự án.