Hôm nay các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia về biến đổi khí hậu từ các nước trong khu vực Đông Nam Á đã tham gia một cuộc đối thoại tại Hà Nội nhằm tìm kiếm cách thức tài trợ cho “tăng trưởng xanh” với phát thải các-bon thấp. Các quan chức chính phủ từ Campuchia, In-do-ne-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phillipines, Thái Lan và Việt Nam cùng với đại diện các quỹ tài trợ biến đổi khí hậu toàn cầu, các ngân hàng nhà nước và tư nhân, các doanh nghiệp thảo luận về các phương án tài trợ cho đầu tư xanh trong các lĩnh vực từ năng lượng và giao thông vận tải đến nông nghiệp và sản xuất.
“Đầu tư vào các công nghệ, các ngành kinh doanh và cơ sở hạ tầng ít phát thải các-bon là trọng tâm để đạt được tăng trưởng xanh và đồng thời có thể giúp giảm nghèo, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và an ninh năng lượng, cũng như giảm lượng phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu” – ông Orestes Anastasia, Đồng Chủ tịch Diễn đàn Đối tác Chiến lược Phát triển Các-bon thấp Châu Á (LEDS Châu Á) và là cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu tại văn phòng khu vực Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Bangkok, Thái Lan phát biểu.
“Tại Việt Nam và trong khu vực, Chính phủ Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ các nỗ lực về biến đổi khí hậu tại Đông Nam Á, giúp củng cố phát triển phát thải thấp trong khu vực thông qua thúc đẩy năng lượng sạch và cảnh quan bền vững,” Giám đốc USAID tại Việt Nam Joakim Parker cho biết.
Để ứng phó với suy thoái môi trường ngày càng gia tăng và mối đe dọa ngày càng tăng của biến đổi khí hậu, ngày càng nhiều quốc gia ở châu Á đang bắt đầu chuyển đổi nền kinh tế hướng tới một mô hình phát triển phát thải các-bon thấp, bền vững hơn. Đạt được tăng trưởng xanh đòi hỏi sự thay đổi đáng kể trong đầu tư, trong khi đó việc phát hiện và tiếp cận các nguồn tài trợ biến đổi khí hậu mới cũng như lồng ghép vấn đề môi trường và khí hậu vào các chiến lược tài chính doanh nghiệp vẫn còn là các thách thức lớn đối với các chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức đang tìm kiếm cách thức thực hiện các chiến lược, các kế hoạch và các dự án các-bon thấp.
“Việt Nam đã xây dựng Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh với mục tiêu góp phần cải thiện đời sống nhân dân thông qua tạo việc làm trong các ngành công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh và dịch vụ xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên và phát triển cơ sở hạ tầng xanh”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung phát biểu, “và tất cả các khoản đầu tư này cần tài trợ từ chính phủ, khu vực ngoài nhà nước và cộng đồng quốc tế”.
Các phiên hội thảo sẽ thảo luận một loạt các cơ chế tài chính – từ các quỹ đầu tư khí hậu công tới các chương trình cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ – cũng như chia sẻ các mô hình và quy trình hiệu quả để thúc đẩy qui mô và nhân rộng các sáng kiến phát thải các-bon thấp. Các chủ đề thảo luận bao gồm xác định nhu cầu tài chính, cách thức khuyến khích đầu tư khu vực tư nhân, các phương pháp tiếp cận lập kế hoạch đầu tư toàn diện, giám sát và đánh giá nguồn tài chính riêng cho tăng trưởng xanh.
Hội thảo với chủ đề “Tiếp cận tài chính cho Tăng trưởng xanh và Chiến lược phát triển ít phát thải” sẽ kéo dài đến hết ngày 14 và được tổ chức bởi Hiệp hội LEDS châu Á, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, USAID, Quỹ mạng lưới SWITCH-Châu Á, Ngân hàng Thế giới, Mạng lưới kiến thức về phát triển và khí hậu (CKDN), và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP).
Về Hiệp hội LEDS Châu Á
Hiệp hội LEDS Châu Á là mạng lưới khu vực, tự nguyện của các chính phủ châu Á, các nhà tài trợ và các tổ chức phi chính phủ để thúc đẩy và hỗ trợ phát triển phát thải thấp ở châu Á thông qua học hỏi lẫn nhau, chia sẻ kiến thức, cải thiện phối hợp và hợp tác giữa các đối tác. LEDS là các phân tích chiến lược và các quy trình lập kế hoạch quốc gia cho tất cả các khu vực kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế kèm theo làm giảm sự phát thải khí nhà kính. Trong những năm gần đây nhiều quốc gia châu Á đã xây dựng LEDS như là một khuôn khổ để hỗ trợ tăng trưởng xanh. Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập trang web.
Thông tin về chương trình hội thảo và diễn giả, vui lòng truy cập tại đây.
(Hết thông cáo)