Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm Bộ Tứ (Quad) tại New Delhi

BỘ NGOẠI GIAO HOA KỲ

Văn phòng của Người phát ngôn

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Ngày 03 tháng 3 năm 2023

Dưới đây là Tuyên bố chung của Ngoại trưởng Hoa Kỳ cùng với Bộ trưởng Ngoại giao các nước Úc, Ấn Độ và Nhật Bản, được đưa ra tại Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm Bộ Tứ (Quad).

Mở đầu Tuyên bố:

Chúng tôi, Bộ trưởng Ngoại giao các nước Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã cùng nhau tham dự Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm Bộ Tứ tổ chức tại New Delhi, Ấn Độ vào ngày 03 tháng 3 năm 2023. Hội nghị hôm nay tái khẳng định cam kết kiên định của Nhóm Bộ Tứ trong việc ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, bao trùm và kiên cường. Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ các nguyên tắc tự do, quy tắc của luật pháp, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và không đe dọa hay phải sử dụng vũ lực, tự do hàng hải và hàng không; đồng thời phản đối mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng, tất cả các nguyên tắc đó là cần thiết cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới.

Chúng tôi khẳng định Nhóm Bộ Tứ, với vai trò là một lực lượng hoạt động vì lợi ích của khu vực và toàn cầu, sẽ hành động dựa trên những ưu tiên của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông qua chương trình nghị sự mang tính tích cực và xây dựng. Thông qua Nhóm Bộ Tứ, chúng tôi tìm cách hỗ trợ khu vực bằng việc hợp tác thiết thực để ứng phó với các thách thức hiện nay, bao gồm thách thức về an ninh y tế, biến đổi khí hậu và quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, những công nghệ mới và thiết yếu, phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối, giải quyết khủng hoảng nợ thông qua hoạt động cho vay và thực hành tài chính bền vững, minh bạch và công bằng, hợp tác trong lĩnh vực không gian, an ninh mạng, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, an ninh hàng hải và chống khủng bố.

Tái khẳng định sự ủng hộ nhất quán và vững chắc của chúng tôi đối với vai trò trung tâm và thống nhất của ASEAN, cũng như các cấu trúc do ASEAN dẫn dắt, bao gồm Hội nghị Cấp cao Đông Á và Diễn đàn Khu vực ASEAN. Chúng tôi tiếp tục cam kết hỗ trợ việc thực hiện Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), đồng thời tôn trọng các nguyên tắc và ưu tiên của ASEAN. Chúng tôi hoan nghênh vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2023 của Indonesia và ủng hộ chủ đề được chọn cho năm Chủ tịch ASEAN 2023 là “Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng” trong quá trình xác định các lĩnh vực hữu hình mà Nhóm Bộ Tứ có thể hỗ trợ cho ASEAN. Ngoài ra, chúng tôi cũng cam kết tăng cường hơn nữa các mối quan hệ tương ứng của chúng tôi với ASEAN, từ đó tạo ra một nền tảng cho sự hợp tác lớn hơn của Nhóm Bộ Tứ để hỗ trợ cho Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Chúng tôi cam kết hỗ trợ các quốc đảo ở Thái Bình Dương, phù hợp với các mục tiêu của Chiến lược Lục địa Thái Bình Dương Xanh đến năm 2050 của Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương, trên cơ sở những ưu tiên của khu vực Thái Bình Dương về biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu tốt, và an ninh trên biển. Chúng tôi ủng hộ các thể chế khu vực ở Thái Bình Dương, đồng thời cũng đang tăng cường hơn nữa việc hợp tác với Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA) nhằm giải quyết những thách thức cấp bách và quan trọng nhất của khu vực. Chúng tôi hoan nghênh vai trò lãnh đạo của Ấn Độ trong việc xây dựng Tầm nhìn về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của IORA.

Chúng tôi vui mừng ghi nhận những tiến bộ đạt được trong khuôn khổ Đối tác hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai (HADR) trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Nhóm Bộ Tứ, kể từ Hội nghị Ngoại trưởng lần trước vào tháng 9 năm 2022, khi các bên cùng ký kết Văn bản hướng dẫn cho Đối tác nói trên. Chúng tôi hoan nghênh kết quả của đợt diễn tập trên sa bàn về HADR lần thứ nhất, và cuộc họp định kỳ nửa năm một lần được tổ chức tại Ấn Độ vào tháng 12 năm 2022. Chúng tôi mong muốn hoàn thiện các Quy trình thao tác chuẩn (SOP) cho Đối tác này nhằm tạo điều kiện cho một cơ chế ứng phó hiệu quả và mang tính phối hợp cao.

Chúng tôi nhất trí rằng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ phải căn cứ trên luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương của Liên Hợp Quốc cũng như những nguyên tắc về chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia. Thông qua tham vấn với các đối tác cũng như thông qua các diễn đàn đa phương và quốc tế, chúng tôi cam kết hợp tác chống lại những nỗ lực đơn phương nhằm loại bỏ vai trò của Liên Hợp Quốc cũng như hệ thống quốc tế. Chúng tôi nhắc lại sự ủng hộ kiên định của mình đối với Hiến chương của Liên Hợp Quốc, bao gồm cả ba trụ cột chính trong Hiến chương, và cam kết không thay đổi của chúng tôi đối với việc tăng cường vai trò của Liên Hợp Quốc và hệ thống quốc tế thông qua một chương trình nghị sự cải cách toàn diện, bao gồm việc mở rộng các ghế thường trực và không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Liên quan đến việc này, chúng tôi cam kết tham gia tích cực và mang tính xây dựng vào quá trình Đàm phán liên chính phủ (IGN) về Cải cách Hội đồng Bảo an với mục tiêu tổng thể là để Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hoạt động hiệu quả hơn, mang tính đại diện và đáng tin cậy hơn.

Chúng tôi cũng ủng hộ các ứng viên có năng lực và độc lập trong các cuộc bầu cử tại Liên Hợp Quốc và tại các diễn đàn quốc tế nhằm duy trì tính liêm chính và khách quan của hệ thống quốc tế. Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về việc thực hiện đầy đủ Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững cũng như các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). Liên quan đến nội dung này, chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được các mục tiêu SDG một cách toàn diện, không đặt ưu tiên cho một số mục tiêu hạn hẹp, đồng thời tái khẳng định việc Liên Hợp Quốc có vai trò trung tâm trong việc hỗ trợ các quốc gia trong quá trình thực hiện.

Chúng tôi công nhận rằng hòa bình và an ninh trên biển là nền tảng cho sự phát triển và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời nhắc lại tầm quan trọng của việc tôn trọng chủ quyền, phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng tôi nhắc lại tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, như được phản ánh trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), nhằm đối phó với những thách thức đối với trật tự trên biển dựa trên luật lệ, bao gồm cả ở khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông. Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng hoặc gia tăng căng thẳng trong khu vực. Chúng tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc quân sự hóa các thực thể đang tranh chấp, việc sử dụng một cách nguy hiểm các tàu cảnh sát biển và lực lượng dân quân biển, cũng như những nỗ lực ngăn cản các hoạt động khai thác tài nguyên ngoài khơi của các quốc gia khác.

Chúng tôi quyết tâm thắt chặt hơn nữa việc phối hợp với các đối tác trong khu vực thông qua chia sẻ thông tin, xây dựng năng lực và hỗ trợ kỹ thuật, nhằm tăng cường nhận thức về các vấn đề trên biển; chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý; tăng cường khả năng bảo vệ và phát triển nguồn lợi xa bờ, phù hợp với UNCLOS; đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không; đồng thời thúc đẩy an toàn và an ninh của các tuyến thông tin liên lạc trên biển. Chúng tôi mong muốn tiếp tục các cuộc thảo luận này tại cuộc họp của Nhóm công tác An ninh trên biển của Nhóm Bộ Tứ sẽ được Hoa Kỳ tổ chức tại Washington, D.C., trong tháng 3 năm 2023. Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi hoan nghênh những tiến bộ đạt được trong khuôn khổ Đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về Nhận thức lĩnh vực hàng hải (IPMDA ).

Chúng tôi dứt khoát lên án chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực dưới mọi hình thức và biểu hiện. Chúng tôi lên án việc sử dụng các lực lượng ủy nhiệm khủng bố và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc từ chối mọi hỗ trợ hậu cần, tài chính hoặc quân sự cho các tổ chức khủng bố có thể được sử dụng để phát động hoặc lên kế hoạch tấn công khủng bố, bao gồm các cuộc tấn công xuyên quốc gia và xuyên biên giới. Chúng tôi nhắc lại hành động lên án của chúng tôi đối với các cuộc tấn công khủng bố, trong đó có vụ khủng bố ngày 26 tháng 11 năm 2008 tại Mumbai, cướp đi sinh mạng của nhiều công dân các nước thuộc Nhóm Bộ Tứ, cũng như các cuộc tấn công vào căn cứ Pathankot (Pakistan). Chúng tôi cam kết hợp tác với các đối tác khu vực và quốc tế nhằm buộc những kẻ thủ phạm của các cuộc tấn công khủng bố nói trên phải chịu trách nhiệm, bao gồm thông qua Ủy ban 1267 về Giám sát các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Về vấn đề này, chúng tôi bày tỏ quan ngại đối với những nỗ lực nhằm chính trị hóa hoạt động của các cơ chế trừng phạt trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia duy trì các phương pháp làm việc minh bạch, khách quan và dựa trên bằng chứng của các Ủy ban phụ trách giám sát các lệnh trừng phạt thuộc Hội đồng Bảo an.

Chúng tôi lưu ý với mối quan ngại sâu sắc rằng chủ nghĩa khủng bố ngày càng lan rộng, với việc những kẻ khủng bố ngày càng thích ứng và sử dụng ngày càng nhiều những công nghệ mới, tiên tiến, ví dụ như các hệ thống máy bay không người lái (UAS) và Internet, bao gồm cả các nền tảng mạng xã hội để tuyển dụng và xúi giục việc thực hiện những hành động khủng bố, cũng như tài trợ, lập kế hoạch và chuẩn bị cho các hoạt động khủng bố. Chúng tôi hoan nghênh các cuộc thảo luận tập trung về các chủ đề này tại Cuộc họp chính sách về chống khủng bố của Nhóm Bộ Tứ, cũng như cuộc diễn tập trên sa bàn do Úc tổ chức vào tháng 10 năm 2022. Chúng tôi vui mừng thông báo về việc thành lập Nhóm Công tác của Nhóm Bộ Tứ về chống khủng bố. Nhóm Công tác này sẽ tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong nội bộ Nhóm Bộ Tứ, cũng như giữa Nhóm Bộ Tứ với các đối tác khác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhằm chống lại các hình thức khủng bố mới, việc cấp tiến hóa theo hướng bạo lực, cũng như chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Chúng tôi mong đợi cuộc họp đầu tiên của Nhóm Công tác tại Hoa Kỳ trong năm 2023 nhằm tiếp tục thảo luận về vấn đề toàn cầu này.

Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng, đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình ngày càng xấu đi ở Myanmar. Về vấn đề này, chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải chấm dứt hoàn toàn bạo lực, trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ tùy tiện, giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại, tiếp cận nhân đạo không bị cản trở, và chuyển đổi sang một hệ thống dân chủ liên bang toàn diện ở Myanmar. Để thực hiện mục tiêu này, chúng tôi tái khẳng định sự ủng hộ nhất quán đối với các nỗ lực do ASEAN đứng đầu, bao gồm các hoạt động của Chủ tịch ASEAN và Văn phòng Đặc phái viên, đồng thời kêu gọi thực hiện đầy đủ Đồng thuận 5 điểm của ASEAN về Myanmar. Chúng tôi cũng khuyến khích cộng đồng quốc tế hợp tác với nhau một cách thiết thực và mang tính xây dựng để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar.

Chúng tôi lên án các vụ phóng tên lửa đạn đạo gây mất ổn định trong khu vực của Triều Tiên, bao gồm cả vụ phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vào ngày 18 tháng 2 năm 2023, vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSCR). Chúng tôi tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên, và kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Chúng tôi xác nhận lại sự cần thiết phải giải quyết ngay lập tức vấn đề bắt cóc công dân. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề phổ biến công nghệ hạt nhân và tên lửa liên quan đến Triều Tiên trong khu vực và trên toàn thế giới.

Chúng tôi tiếp tục thảo luận về các biện pháp ứng phó đối với cuộc xung đột ở Ukraine, cũng như những đau khổ to lớn đối với người dân do cuộc xung đột này gây ra, đồng thời nhất trí rằng việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được. Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết của một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả Hiến chương Liên Hợp Quốc. Chúng tôi nhấn mạnh rằng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ phải tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, minh bạch và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Chúng tôi hoan nghênh việc công bố về khóa học viên đầu tiên nhận học bổng của Nhóm Bộ Tứ. Các học viên này sẽ bắt đầu theo học tại Hoa Kỳ vào tháng 8 năm 2023.

Chúng tôi mong đợi Hội nghị Thượng đỉnh tiếp theo của các nhà lãnh đạo Nhóm Bộ Tứ được tổ chức tại Úc trong năm nay.

Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ để sắp xếp và bố trí chương trình nghị sự của Nhóm Bộ Tứ để phối hợp cùng với các hoạt động trong năm Chủ tịch Nhóm G7 của Nhật Bản, Chủ tịch Nhóm G20 của Ấn Độ, cũng như năm Chủ nhà APEC của Hoa Kỳ trong năm 2023.

Chúng tôi sẽ tiếp tục nhóm họp thường xuyên nhằm truyền tải những lợi ích cụ thể, đồng thời đóng vai trò là một lực lượng hướng tới hợp tác hiệu quả, đi sâu vào thực chất, và tích cực vì lợi ích của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Hết Tuyên bố.

# # #

Bản dịch được cung cấp có tính tham khảo và chỉ bản gốc chính thức bằng tiếng Anh mới có giá trị chính xác.