
Các đại biểu đến từ 32 quốc gia châu Phi và châu Á đã có mặt tại Đà Nẵng để cùng xây dựng một kế hoạch hành động bảo tồn thống nhất nhằm bảo vệ tê tê, loài động vật có vú bị buôn bán bất hợp nhiều nhất trên thế giới. Hội nghị đầu tiên của các quốc gia có loài tê tê sinh sống do chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ đồng tổ chức.
Các cơ quan bảo vệ động vật hoang dã và thực thi pháp luật của chính phủ, các tổ chức phi chính phủ cùng các chuyên gia về tê tê đã gặp nhau tại hội nghị để trình bày và trao đổi về số lượng loài tê tê hiện tại và thông tin về nạn buôn bán tê tê trên thị trường quốc tế nhằm kêu gọi chia sẻ thông tin và hành động. Họ cũng hợp tác để xây dựng kế hoạch hành động nhằm giúp bảo tồn, quản lý và thực thi pháp luật để bảo vệ tê tê trước nguy cơ bị tận diệt do buôn lậu và cách thức mua bán hợp pháp loài động vật này còn thiếu bền vững.

Hội nghị này, do Việt Nam đề xuất, nhận được sự tài trợ của Cục Cá và các loài hoang dã Hoa Kỳ và các hỗ trợ khác từ Tổ chức Nhân đạo Quốc tế, Quỹ Quốc tế về Phúc lợi động vật, Hội đồng bảo vệ Tài nguyên thiên nhiên và tổ chức Freeland.
“Hội nghị hôm nay là một ví dụ cho thấy việc tăng cường quan hệ không chỉ có lợi cho 2 nước chúng ta mà còn có lợi cho cả cộng đồng thế giới khi chúng ta cùng nhau giải quyết những vấn đề xuyên quốc gia cấp bách nhất của thời đại”, Phó Đại sứ Hoa Kỳ Claire Pierangelo phát biểu.
Tê tê là loài động vật có vú có kích cỡ trung bình, săn mồi ban đêm, ăn kiến và mối được tìm thấy ở châu Á và châu Phi hạ Sahara. Toàn thân tê tê bao phủ một lớp vảy hình thành từ sừng. Tê tê đang bị đe dọa do nhu cầu buôn bán vảy tê tê ở nội địa và quốc tế thiếu bền vừng và bất hợp pháp. Vảy tê tê được sử dụng để chế biến các loại thuốc truyền thống châu Á và chế biến món ăn, một loại thực phẩm xa xỉ ở nhiều nền văn hóa khác nhau. Các chuyên gia ước tính hơn 1 triệu con tê tê đã bị buôn bán bất hợp pháp trong 10 năm qua, khiến cho tê tê trở thành loài động vật có vú bị buôn lậu nhiều nhất trên thế giới.
Việc buôn bán loài tê tê châu Á trên thị trường quốc tế bị cấm theo Công ước Liên Hiệp Quốc về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp (CITES) và nhiều quốc gia đã có luật cấm săn bắt và buôn bán nội địa loài tê tê.